Sáng 13-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã có bài phát biểu phân tích những tồn tại trong công tác khám, chữa bệnh ban đầu ở tuyến y tế cơ sở hiện nay. Đồng thời và đề xuất tổ chức lại mô hình hoạt động y tế cơ sở để đảm bảo chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới.
Theo bà Hà, Việt Nam có hệ thống và tổ chức mạng lưới y tế cơ sở có quy mô vào loại hàng đầu thế giới, với các trạm y tế được tổ chức đến tận các xã, phường, thị trấn. Đây là mô hình mà kể cả các quốc gia phát triển trên thế giới cũng không có được. Tuy nhiên với đội ngũ nhân viên y tế vừa thiếu, vừa yếu, các trạm y tế đã không phát huy được chức năng chăm sóc sức khoẻ người dân từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.
“Thực tiễn tại các thành phố lớn cho thấy việc phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không còn phù hợp, khi quy mô dân số tại một số phường ở Hà Nội hay TP.HCM lên đến gần 100.000 dân vẫn chỉ được bố trí 1 trạm y tế với số lượng nhân lực tối đa 10 nhân viên” – bà dẫn chứng.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho hay nhiều năm qua, ngành y tế đã đưa ra nhiều giải pháp như tăng cường nhân, vật lực, đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế thực hành, luân phiên người hành nghề từ tuyến trên về tuyến dưới… Tuy nhiên, tất cả đều chưa đem lại hiệu quả rõ rệt.
Từ phân tích này, ĐB Nhị Hà đề nghị giải pháp căn cơ là tổ chức lại hệ thống y tế cơ sở, theo hướng cấp khám chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình hoạt động y học gia đình, kết hợp cả khu vực tư nhân và hệ thống trạm y tế.
Giữa cấp khám chữa bệnh ban đầu và các tuyến trên phải có kết nối dữ liệu, thông tin, quản lý bệnh nhân theo chiều dọc cả về chuyên môn, hồ sơ bệnh án, hài hoà về nguồn thu giữa các tuyến để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống.
|
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội |
“Hoạt động y học gia đình phải là mô hình tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khoẻ ban đầu, quản lý được sức khoẻ người dân kể cả người bị bệnh hay người khoẻ mạnh” – bà nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hà, đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những hạn chế về kết nối giữa các cấp, các tuyến trong hệ thống y tế Việt Nam. Để giải quyết được vấn đề này, hệ thống y tế phải có các trung tâm chẩn đoán hình ảnh, trung tâm xét nghiệm, trung tâm hồi sức cấp cứu vùng được đầu tư các công nghệ hiện đại. Tất cả phải liên thông kết quả chẩn đoán, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả trong đầu tư nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân.
Theo đó, bà đề nghị bổ sung thêm vào dự luật một số nội dung làm cơ sở cho Chính phủ ban hành quy hoạch hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quốc gia; xây dựng hệ thống dữ liệu y tế quốc gia và mã định danh y tế cho người dân. Trong đó, mã định danh y tế cần được thống nhất với cơ sở dữ liệu dân cư để quản lý sức khoẻ người dân ngay từ khi được sinh ra.
“Tôi cho rằng, sự thay đổi về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình 3 cấp - khám chữa bệnh ban đầu, cơ bản, và cấp chuyên sâu - phải đạt được mục tiêu giải quyết hiệu quả quá tải ở tuyến trên. Người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế sớm nhất và hình thành thói quen mới trong sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh” – bà Hà nói.
Pháp luật về quản lý tài sản công không phù hợp với đặc thù ngành y tế
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đồng tình với ý kiến của một số ĐBQH khi đánh giá dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) chưa làm rõ được cơ chế huy động, thu hút nguồn lực xã hội hóa.
Theo bà Hà, quy định như khoản 3 Điều 90 của dự thảo dẫn chiếu chung chung tới pháp luật về quản lý tài sản công làm cơ sở cho hoạt động xã hội hóa hoạt động khám, chữa bệnh là không phù hợp. Bởi chính Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 151 của Chính phủ, khi được ban hành và có hiệu lực thì đã đẩy hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực y tế vốn đã có từ trước đó rơi vào nhiêu nhiều vưỡng mắc, khó khăn. Nguyên nhân là các quy định này chưa phù hợp với đặc thù của ngành y tế.
Vì vậy, ĐB đoàn Hà Nội đề nghị với tính chất luật chuyên ngành, việc sửa đổi toàn diện Luật Khám, chữa bệnh lần này cần quy định cụ thể để áp dụng trực tiếp các cơ chế xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.