CSGT có nên nhảy lên nắp capô xe?

LTS: Sau sự kiện CSGT bị xe tải kéo lê 20 m, nhiều người đặt vấn đề: CSGT có cần thiết phải liều mình nhảy lên nắp capô, đu vào cần gạt nước xe vi phạm hay không? Bởi cách làm này quá nguy  hiểm cho chính CSGT và cả người đi đường. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu các ý kiến về vấn đề này.

Đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng phòng  CSGT đường bộ (PC67) - Công an tỉnh  Bà Rịa-Vũng Tàu:

Khi khẩn cấp mới làm như vậy

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu trước giờ chưa có trường hợp người vi phạm chống đối lực lượng CSGT manh động như ở một số địa phương khác. Tuy nhiên, chúng tôi cũng quán triệt tới cán bộ, chiến sĩ trong quá trình xử lý vi phạm, quan trọng nhất là giữ được sự bình tĩnh, bản lĩnh để thuyết phục, giải thích cho người dân hiểu về các quy định của pháp luật, lỗi vi phạm. Việc một số người dân có biểu hiện chống đối, hành hung CSGT, cố tình ủi xe vi phạm vào CSGT khiến cán bộ, chiến sĩ phải nhảy lên nắp capô xe là sự kiện đột ngột, cá biệt.

Ngoài ra, việc truy đuổi người chống đối chỉ được sử dụng khi có biểu hiện cho rằng người đó có dấu hiệu vi phạm hình sự. Nếu chỉ là các lỗi vi phạm giao thông hành chính bình thường chúng tôi không tiến hành truy đuổi. Bởi điều này rất nguy hiểm cho bản thân cán bộ, chiến sĩ, người đi đường và cả người vi phạm.

Chúng ta phải nhìn nhận còn những tồn tại, hạn chế của lực lượng CSGT cả nước hiện nay. Đó là cái nhìn không thiện cảm, sự kỳ thị của người dân, giảm sút về uy tín và niềm tin của nhân dân đối với lực lượng CSGT. Trong mắt nhiều người dân, hình ảnh lực lượng CSGT đang gắn liền với những hành vi giao tiếp, ứng xử thiếu văn hóa, hành vi quan liêu tham nhũng, thái độ bề trên, hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi xử phạt vi phạm giao thông... Do vậy, trong thời gian gần đây, trong khi làm nhiệm vụ, nhiều CSGT ở một số địa phương bị người vi phạm tỏ thái độ và có hành vi hành hung, chống trả. Nhưng ở nhiều trường hợp, người dân đi đường cũng tỏ ra thờ ơ, vô cảm trước việc các CSGT bị tấn công, không có hành động nào can ngăn, hỗ trợ. Do vậy, sắp tới Bộ Công an cũng cần có những giải pháp cụ thể về vấn đề này.


Không chỉ nguy hiểm, hình ảnh thế này còn gây phản cảm, không đẹp chút nào. Ảnh: TL

Thượng tá LÊ ĐỨC ĐOÀN, nguyên cán bộ Đội CSGT số 1  Công an TP Hà Nội:

CSGT không nên nhảy lên nắp capô

Thời điểm tôi được biết về vụ việc trên, cảm giác đầu tiên của tôi là rất buồn và cảm thấy thương cho anh CSGT trẻ tuổi. Bản thân tôi đã có hơn 10 năm làm nhiệm vụ trực tiếp dưới đường nên rất hiểu những rủi ro từ nghề nghiệp mang lại.

Tuy nhiên, sự việc cũng cần nhìn nhận khách quan từ nhiều phía. Trong vụ này, tài xế xe tải vi phạm là đã rõ, cần phải lên án và xử lý nghiêm hành vi sai phạm này. Nhưng sự việc cũng cần phải xem xét, nhìn nhận thấu đáo. Lái xe là công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ, rất căng thẳng, nhất là với những người trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm. Rất có thể tại thời điểm vụ tai nạn xảy ra, lái xe cuống quá, không kiểm soát được bản thân, không kịp cân nhắc trước khi hành động để rồi gây ra vụ việc nghiêm trọng như vậy.

Bên cạnh đó, trong những tình huống nguy hiểm như trên, chiến sĩ CSGT không nên nhảy lên nắp capô hoặc làm những điều tương tự, bởi còn nhiều cách giải quyết khác toàn diện hơn. Việc nhảy lên nắp capô, đu mình vào cần gạt nước… là vô cùng mạo hiểm. Làm nhiệm vụ nhưng cũng phải đảm bảo an toàn cho bản thân mình. Tính mạng con người mới là quan trọng nhất.

Theo tôi, với những trường hợp vi phạm như trên, CSGT có thể báo cho các chốt, trạm CSGT khác trong địa bàn hoặc các tỉnh lân cận để chốt chặn, xử lý xe vi phạm. Hơn thế, Hà Nội đã lắp đặt hệ thống camera giám sát và đã áp dụng hình thức phạt nguội. CSGT có thể sử dụng triệt để hình thức này để xử lý, vừa đảm bảo kết quả và an toàn cho chính cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Dễ xảy ra hậu quả đáng tiếc cho không chỉ CSGT

Hành vi của lái xe trong vụ kéo lê CSGT 20 m đáng bị xử lý nghiêm khắc để răn đe. Nhưng thời gian qua có quá nhiều vụ CSGT bị hất lên nóc capô xe, bị xe ủi trực diện nên được nhìn nhận, mổ xẻ ở góc độ khác, đó là sự cân nhắc trong hành xử công vụ của các CSGT. Việc nôn nóng bắt người vi phạm, thiếu các quy tắc an toàn trong xử lý vi phạm là điều không nên. Thử tưởng tượng, khi một CSGT từ trong lề đường đột ngột lao ra để chặn xe vi phạm thì sẽ ra sao. Ngoài việc gây nguy hiểm cho người điều khiển xe vi phạm (vì dừng xe đột ngột) và những người tham gia giao thông khác, việc làm này còn gây nguy hiểm cho chính bản thân người CSGT ấy.

Đó là chưa nói một khi lái xe vi phạm đã ngoan cố, bất chấp hiệu lệnh dừng xe mà CSGT còn bám theo, nhảy lên nắp capô xe vi phạm nữa thì nguy hiểm vô cùng. Làm như thế chưa chắc đã khống chế được lái xe vi phạm ngay lập tức nhưng hậu quả đáng tiếc cho CSGT thì có thể nhìn thấy trước.

Thiết nghĩ các cấp có thẩm quyền cần đưa ra biện pháp khả thi hơn để có thể vừa xử lý nhanh chóng, kịp thời các hành vi vi phạm giao thông, vừa đảm bảo an toàn cho người đi đường và bản thân các chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ.

Một số vụ nhảy lên nắp capô điển hình

CSGT có nên nhảy lên nắp capô xe? ảnh 4
 

- Ngày 5-2-2015, chiếc xe của Taxi Group chạy vào đường ngược chiều trên phố Tuệ Tĩnh (Hà Nội) nên bị lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe. Tài xế cho xe chạy với tốc độ thấp. Một cảnh sát ra chặn phía đầu xe nhưng chiếc xe vẫn không dừng, buộc anh này phải nhảy lên nắp capô. Chiếc taxi tiếp tục chạy, đến khi gặp đèn đỏ mới chịu dừng lại.

CSGT có nên nhảy lên nắp capô xe? ảnh 5
 

- Sáng 26-1-2014, phát hiện dấu hiệu vi phạm của xe khách do tài xế Trần Khắc Trung (45 tuổi, ở Nam Định) điều khiển, tổ tuần tra CSGT đã ra hiệu lệnh dừng để kiểm tra. Tài xế tiếp tục cho xe chạy nên đội tuần tra giao thông dùng xe chuyên dụng đuổi theo. Khi Thượng úy Đỗ Thanh Cương vượt lên trước và ra lệnh dừng xe, tài xế Trung vẫn ngoan cố cho xe chạy, bất chấp có CSGT đang ở phía trước. CSGT bèn bám vào phía trước kính cản gió.

CSGT có nên nhảy lên nắp capô xe? ảnh 6
 

- Ngày 9-4-2012, trước cổng BV huyện Ba Vì, xe khách 29B-023.04 vi phạm luật giao thông nên bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe. Tài xế xuống xe không xuất trình giấy tờ mà còn thách thức. Ngay sau đó người này nhảy lên buồng lái điều khiển xe đâm vào CSGT. Trung úy Nguyễn Mạnh Phan bèn đu bám vào cần gạt nước của xe này để tránh cú đâm trực diện. Lúc này lái xe vẫn tăng ga chạy với tốc độ cao, chỉ khi công an và người dân truy đuổi lái xe mới dừng.

CSGT có nên nhảy lên nắp capô xe? ảnh 7
 

- Ngày 11-5-2009, xe Vios 99K-3299 lưu thông trên quốc lộ 1 với tốc độ rất nhanh. Khi đến trạm soát vé Phủ Lý (Hà Nam), một CSGT ra hiệu dừng xe, tài xế vẫn cho xe bỏ chạy. CSGT nhảy lên nắp capô xe, một tay bám chặt vào xe, một tay huơ gậy yêu cầu dừng xe.

CSGT có nên nhảy lên nắp capô xe? ảnh 8
 

- Ngày 12-6-2007, xe taxi 30H-8656 chạy từ đường Lê Văn Lương về đường Láng Hạ (Hà Nội) cố tình vượt đèn đỏ. CSGT đang đứng trên bục điều khiển liền nhảy xuống thổi còi ra hiệu dừng xe. Chiếc xe vẫn tiến thẳng vào CSGT khiến CSGT này phải nhảy lên nắp capô.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…