Khi nào thì VKS phải tham gia phiên tòa?

Trong phiên tòa sơ thẩm không có đại diện VKS tham gia mà chỉ có thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân xét xử thì có đúng pháp luật hay không?

Trần Thị Vân (quốc lộ 1A, phường Xuân Bình, thị xã Long Khánh, Đồng Nai)

Luật sư TRẦN CHÍNH NGHĨA trả lời: Theo Điều 52 Bộ luật Tố tụng dân sự, hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự gồm một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân. Trong trường hợp đặc biệt thì hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân. Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự thì VKSND chỉ tham gia phiên tòa đối với những vụ án do tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, các việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, các vụ việc dân sự mà VKS kháng nghị bản án, quyết định của tòa án.

Nếu vụ án của bà không thuộc các trường hợp nêu trên thì việc VKS không tham gia phiên tòa không sai quy định.

2. Cấp dưỡng nuôi con một lần

Chồng tôi nộp đơn xin ly hôn và tự nguyện cấp dưỡng nuôi con 700.000 đồng/tháng cho đến khi con chúng tôi đủ 18 tuổi. Do anh ấy sắp đi xuất cảnh nên tôi có thể yêu cầu tòa án buộc anh ấy cấp dưỡng nuôi con một lần hay không?

phuthuy04@yahoo.com.vn

Luật sư NGÔ THỊ NGỌC THU trả lời: Theo Điều 54 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hằng tháng, quý, nửa năm, hằng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

Bà có thể thỏa thuận với cha của bé về việc cấp dưỡng nuôi con một lần. Nếu anh ấy không đồng ý thì bà có thể yêu cầu tòa án xem xét, giải quyết.

KIM PHỤNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm