Từ vụ gần 500 người bị ngộ độc: Xử lý nghiêm sai phạm về an toàn thực phẩm

(PLO)- Cần kiểm tra thường xuyên và đột xuất các loại thực phẩm ăn uống, đặc biệt những hộ kinh doanh nhỏ lẻ mới tránh được tình trạng tương tự xảy ra cho người dân. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên tục những ngày qua, thông tin xung quanh vụ gần 500 người nghi ngộ độc do ăn bánh mì tại tiệm B (Đồng Nai) thu hút đặc biệt sự quan tâm của bạn đọc. Nhiều bạn đọc bày ý kiến chỉ trích cũng như thông cảm dành cho chủ tiệm. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là quản lý an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố cũng được nhiều bạn đọc đặt ra.

Thông cảm nhưng phải cẩn trọng cho sức khỏe người tiêu dùng

“Nếu bạn ở nhà nấu ăn cho cả nhà bạn mà 1 trong số ít người trong gia đình bị tiêu chảy là nguyên nhân do đâu. Do bạn chế biến không sạch hay do một phần thực phẩm mua về nhiễm khuẩn mà bạn không biết. Mình thấy đây cũng là tiệm bánh không may nhập phải một trong số nguyên liệu nhiễm khuẩn về chế biến nên mới xảy ra sự cố này. Mong bạn đọc hãy nhìn khách quan đừng phán xét. Ngoài ra, cũng mong tiệm bánh khắc phục hậu quả và hỗ trợ các thực khách kém may mắn lỡ ăn phải bánh ngày hôm đó. Mong các thực khách nhanh chóng bình phục!”, bạn đọc Hà Vy bày tỏ.

“Đây cũng không hẳn là lỗi của chủ tiệm bánh mì. Mình cũng phải xem xét nơi sản xuất bánh mì vì nhiều khi cơ sở này cũng không đảm bảo an toàn thực phẩm về nguyên liệu. Bản thân mình tự nấu cơm ăn nhiều khi còn đau bụng gần chết, thực phẩm luôn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc tiệm ăn nào cũng vậy thôi”, bạn đọc Minh Nghĩa nhận xét.

“Trời nóng nực nên thức ăn rất nhanh ôi thiu nên cũng một phần thông cảm cho chủ tiệm. Tuy nhiên, với kinh nghiệm 20 năm bán bánh mì thì chủ tiệm cũng phải biết kiểm tra thức ăn cho bảo đảm an toàn thực phẩm rồi mới bán cho khách hàng. Sau việc này chủ tiệm nếu muốn tiếp tục thì nên đăng ký các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm để có thể phục hồi uy tín của tiệm, tránh xảy ra vụ việc đáng tiếc vừa rồi”, bạn đọc Võ Minh góp ý.

ngộ độc
Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế làm việc với chủ tiệm bánh mì B sau vụ nghi ngộ độc do ăn bánh mì, ngày 3-5. Ảnh: VH

Cần quản lý chặt chẽ an toàn thực phẩm

“Kinh doanh thực phẩm thì kinh nghiệm mấy chục năm cũng không nói lên điều gì, một lần sơ suất, mất an toàn thì gây nguy hiểm cho nhiều người khác, danh tiếng cả mấy chục năm cũng mất. Không có khâu nào có kiểm định chất lượng nên bất cứ quá trình nào cũng có thể gây ra ngộ độc: Từ nguồn gốc các loại thực phẩm, đến chế biến, bảo quản, phân phối cho khách hàng đều phải kĩ. Tôi mong Nhà nước sẽ có thêm các biện pháp quản lý tốt hơn về an toàn thực phẩm để tránh xảy ra vụ việc tương tự”, bạn đọc Văn Vũ chia sẻ.

“Bản thân chủ tiệm kinh doanh nhưng không có tiêu chuẩn hay sự kiểm soát nào, nguyên liệu đều lấy từ mối và phó mặc hết các tiêu chuẩn vệ sinh hay chất lượng cho các nhà mối, chỉ cần khách hàng không phản ánh gì ảnh hưởng đến quán thì sẽ được xem là tốt. Tôi vẫn không hiểu vì sao một ngày bán cả nghìn ổ bánh mì mà chính quyền cho là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm?”, bạn đọc Thái Bình thắc mắc.

Ngoài các ý kiến góp ý, bạn đọc Hoài Sơn bức xức: “Quy định và điều kiện sinh ra không phải để phòng ngừa, chỉ để chờ xử lý. Ban thanh tra an toàn thực phẩm đâu? Đã từng kiểm tra chưa? Nếu rồi sao không phát hiện xử lý. Nếu chưa thì tại sao? Trong lúc mỗi ngày chủ tiệm bán khoảng 1000 ổ bánh mì. Tôi đề nghị cần phải có các công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất các loại thực phẩm ăn uống, đặc biệt là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ như thế này thì mới tránh được tình trạng tương tự xảy ra cho người dân, chẳng lẽ cứ phải để ngộ độc hàng loạt như vậy rồi mới đem ra xử lý?”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm