Mượn Facebook nói xấu nhau coi chừng lãnh tội

Không đơn giản là lời qua tiếng lại

Trong đơn liệt kê hai nick Vy Hoang và Kieu Thuy đã vu khống bà H.M.T.D và Trường ĐH Prima Indonesia là cò mồi du học, mua bán bằng cấp, “nha tặc”, ăn cắp bản quyền…

Đơn vị này đã mời Văn phòng thừa phát lại quận 5 lập vi bằng. Trong đó ghi nhận những tài khoản Facebook, lượt like, share, bình luận... để phổ biến các nội dung vu khống, bôi nhọ…

Đơn vị này khẳng định trên fanpage của mình: “Văn Phòng Đại Diện Đại Học Prima sẽ khởi kiện tất cả những ai tham gia vào việc vu khống, bôi nhọ, làm mất uy tín nhà trường. Văn Phòng Đại Diện Đại Học Prima xem xét gởi công văn yêu cầu Sứ Quán Indonesia tại Việt Nam trực tiếp gởi công hàm Ngoại giao đến Bộ Công an đề nghị điều tra/khởi tố...”.

Đơn tố cáo trên không đơn độc trong cuộc chiến chống bêu xấu, vu khống trên Facebook. Cuối tuần qua, bác sĩ Hung Ngo, người có trên 71.000 lượt theo dõi trên Facebook, công khai yêu cầu nick Facebook tên NDHM phải đăng bài xin lỗi cá nhân anh và những người liên quan.

Anh viết trên Facebook của mình: “Khi cô gọi 1 người đáng kính bằng tuổi bố cô, người mà đến cả các thầy dạy cô khi gặp còn phải cúi đầu chào là thằng thì tôi quyết định không nương tay nữa. Bởi cô không biết điểm dừng. Cô H. đã... vu khống tôi ủng hộ ấu dâm chỉ vì những chia sẻ về chuyện cần thận trọng với việc chia sẻ hình ảnh chưa được kiểm chứng lên mạng. Bịa đặt tôi tấn công cô chuyện vaccine dại, đây là hành vi vu cáo có hệ thống”.

Bác sĩ Hung Ngo (người có trên 71.000 lượt theo dõi trên Facebook) đã đăng công khai quyết định của mình lên trang cá nhân

Ngoài ra, bác sĩ này cũng chụp ảnh màn hình Facebook, cho rằng nick nói trên đã “vu khống bác sĩ Trí Đoàn và Uyên Bùi ăn tiền của hãng sữa làm tổn hại uy tín của họ”. Bác sĩ Trí Đoàn (Doan Nguyen) có trên 38.000 người theo dõi trên Facebook, là một trong các bác sĩ Nhi khoa có danh tiếng. Uyen Bui là đồng tác giả quyển sách Để con được ốm với BS Đoàn, có khoảng 20.000 người theo dõi, thường viết bài về sức khỏe và giáo dục trẻ em.

Không lâu sau khi bác sĩ Hung Ngo đăng bài, tài khoản NDHM không truy cập được nữa. Tuy nhiên, bác sĩ Hung Ngo cho biết anh có thông tin cá nhân của người sử dụng tài khoản Facebook này là cô N.T.M.H, sinh năm 1984, từng học cao đẳng dược Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương, hiện ngụ Biên Hòa (Đồng Nai).

Luật pháp đã có quy định rõ

Theo Điều 5 Nghị định 72 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng quy định cấm “lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.

Tùy vào mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở mức độ xử lý hành chính, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo Điều 66 Nghị định số 174/2013. Nếu tính chất và mức độ của hành vi là nghiêm trọng và có đủ căn cứ thì sẽ bị xử lý hình sự theo các tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống.

Theo Bộ luật Dân sự, người bị hại có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu người vi phạm hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.

Nên lập vi bằng

Để ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi trái pháp luật, người bị “nói xấu” cần lưu lại các tin nhắn, bình luận có nội dung xấu, đồng thời liên hệ với các văn phòng thừa phát lại để lập vi bằng làm chứng cứ.

Vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dừng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH , Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm