Bị bêu xấu trên mạng: Cắn răng chịu đựng?

Mới đây, diễn đàn Ôtô Sài Gòn (www.otosaigon.com) của Công ty Cổ phần Ôtô Xuyên Việt bị Công ty Cơ khí ôtô Phạm Gia khiếu nại vì đã để cho thành viên của diễn đàn đăng những lời bình luận sai sự thật về dịch vụ và chất lượng của Phạm Gia trên diễn đàn. Phạm Gia cũng yêu cầu xóa các bài viết này.

Trong giai đoạn giải quyết vụ việc, ngày 5-5, diễn đàn Ôtô Sài Gòn đã tạm khóa các bài viết có liên quan đến Phạm Gia.

Trên các mạng xã hội hiện nay cũng có nhiều diễn đàn cho các thành viên thoải mái bình luận về hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp (DN). Tại các diễn đàn mạng này, không tránh khỏi tình trạng các DN hoặc sản phẩm của họ bị bêu xấu. Liệu cá nhân và đơn vị quản lý các diễn đàn có thể đưa thông tin “kể tội” DN khác lên diễn đàn hay không?

Thông tin phải trung thực

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, giảng viên khoa Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết Điều 43 Luật Cạnh tranh có quy định “Cấm DN gièm pha DN khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của DN đó”. Gièm pha DN khác là một trong các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Bị bêu xấu trên mạng: Cắn răng chịu đựng? ảnh 1

Vấn đề quan trọng nhất ở đây là thông tin được đưa ra có gian dối hay không. Nếu thông tin đưa ra là thông tin chê bai, thông tin kể xấu về DN nhưng đó là thông tin trung thực thì dù có ảnh hưởng xấu đến DN bị bêu tên cũng không bị xem là vi phạm.

DN bị coi là vi phạm ngay cả khi gián tiếp đưa thông tin. Cụ thể, chủ diễn đàn không trực tiếp đưa ra thông tin, không trực tiếp viết các phản ánh, bình luận nhưng cho phép đăng tải bài viết của thành viên trên diễn đàn nghĩa là đã gián tiếp đưa thông tin. Mức độ xử lý đối với hành vi trực tiếp đưa thông tin nặng hơn, phạt 10-20 triệu đồng, còn hành vi gián tiếp đưa thông tin thì bị phạt 5-10 triệu đồng. Đồng thời, DN vi phạm phải cải chính công khai. Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh không áp dụng đối với cá nhân. Do đó các thành viên viết bài, phản ánh, bình luận trên diễn đàn lại không bị xem là vi phạm.

Đặc biệt, hành vi gièm pha này không phân biệt DN vi phạm là DN kinh doanh lĩnh vực nào, có phải là đối thủ cạnh tranh với nhau hay không. Ngay cả khi chủ diễn đàn không kinh doanh cùng lĩnh vực với DN bị gièm pha thì vẫn bị xem là vi phạm.

Cung cấp chứng cứ: Khó!

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng cho rằng rất khó xử lý những trường hợp lợi dụng các diễn đàn để bôi xấu, gièm pha DN khác. Thực tế ở các nước cho thấy muốn xử lý một vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, DN phải tổ chức điều tra công phu như là điều tra hình sự vậy. Ví dụ, điều tra xem thành viên viết bài đó có phải là do DN đối thủ “cài cắm” vào diễn đàn để tung tin hay không; “cài cắm” nhiều thành viên để người tung, người hứng, câu khách vào xem…

Ngoài ra, DN bị gièm pha còn phải cung cấp chứng cứ chứng minh đã bị thiệt hại từ những thông tin không trung thực đó. Nếu không chứng minh được thì cũng không thể xử lý. Các thành viên khác, sau khi đọc thông tin, có thể có những bình luận như “may quá, em đang định đến công ty đó mà thấy các bác chê nó quá nên em tìm công ty khác”… Đây không được xem là chứng cứ chứng minh thiệt hại đã mất một khách hàng.

Tuy nhiên, người đưa ra thông tin và chủ diễn đàn cũng cần chứng minh thông tin của mình là trung thực.

Ông Sơn cũng cho biết, trường hợp thông tin trung thực nhưng nếu đưa vào trong quảng cáo thì có thể vi phạm Luật Cạnh tranh. Theo quy định này, việc so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của DN khác, dù thông tin so sánh là đúng cũng bị xem là quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh và bị cấm thực hiện.

Theo Nghị định 97/2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet thì diễn đàn (forum) được xem là một dạng của dịch vụ mạng xã hội trực tuyến. Nghị định này cũng quy định cấm “đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm của công dân.

Thông tư 14/2010 hướng dẫn Nghị định 97/2008 có quy định chủ diễn đàn phải “có biện pháp kỹ thuật và quy trình quản lý” để “ngăn chặn và loại bỏ những thông tin vi phạm”. Tuy nhiên, việc loại bỏ này không nhất thiết phải là kiểm duyệt trước thông tin hay là loại bỏ ngay khi thành viên của diễn đàn viết và đăng bài. Bởi lẽ thông tư này cho phép chủ diễn đàn thực hiện loại bỏ thông tin vi phạm khi tự phát hiện, khi nhận được phản ánh của người sử dụng hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.

Người tiêu dùng có quyền phản ánh về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ… của DN. Tuy nhiên, để tránh trường hợp người tiêu dùng đưa thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến DN, thậm chí là lợi dụng các diễn đàn để đưa thông tin cạnh tranh không lành mạnh thì các cơ quan truyền thông, các diễn đàn cần kiểm tra thông tin, yêu cầu cung cấp chứng cứ, nghe ý kiến các bên trước khi đăng tải các thông tin này.

Khi người mua - người bán có mâu thuẫn, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khuyến khích các bên thương lượng, hòa giải với nhau. Trường hợp thương lượng không thành mới đành đưa nhau đến các cơ quan khác để nhờ xử lý. DN không có thiện chí giải quyết thì khi đó phản ánh cũng chưa muộn.

Ông NGUYỄN NAM VINH, Chi nhánh phía Nam của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm