Tiếng nói báo chí là lực đẩy thực thi công lý

Luật sư Trần Thị Ánh, Văn phòng luật sư Nguyễn Thanh Lương, qua những lần cộng tác cùng Pháp Luật TP.HCM đã nhận định báo chí chính là lực đẩy thực thi công lý.

Vụ án mà bà ấn tượng nhất chính là hiệu quả của sự đồng hành của báo chí trong vụ án oan “Chiếc áo đỏ oan nghiệt” ở huyện Cái Nước, Cà Mau. Đến nay vụ án này vẫn còn gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân chân chất. Cơ quan chức năng của tỉnh đã rất cầu thị, lắng nghe ý kiến phản biện để từ đó kịp thời đình chỉ vụ án, tránh hậu quả pháp lý lớn hơn.

Theo hồ sơ, Lê Minh Nhựt đang học lớp 10, ngụ xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau. Mỗi tối, Nhựt phụ chạy bàn ở quán nhậu để phụ giúp cha mẹ. Bỗng một ngày công an ập vào, dẫn Nhật đi cùng hai người bạn nữa của em. Cả ba bị cáo buộc cùng nhau đi cướp điện thoại.

Cả ba bị đưa vào trại tạm giam mà hoàn toàn không hiểu tại sao mình phải ở đây. Các em phải ở đó hơn 14 tháng dù các nhân chứng như chủ quán, bạn làm chung khẳng định Nhựt liên tục phục vụ khách trong đêm mà vụ cướp được cho là đã xảy ra.

Tiếp nhận vụ việc, luật sư Ánh thấy rằng cần có thêm sự đồng hành của Pháp Luật TP.HCM để công chúng biết đến vụ án oan này.

Luật sư Trần Thị Ánh - người bào chữa miễn phí, góp phần minh oan cho ba người vô tội. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Nếu những người có thẩm quyền biết được những điều chúng tôi biết thì ngày được minh oan của các em sẽ đến nhanh hơn. Chúng tôi muốn họ biết các em hoàn toàn vô can. Tôi hiểu rằng các bài báo về vụ án này nếu xuất hiện trên Pháp Luật TP.HCM sẽ khiến công chúng chú ý, từ đó thúc đẩy cơ quan tố tụng làm việc cẩn trọng hơn” - luật sư Ánh chia sẻ.

Sau khi đọc hồ sơ luật sư cung cấp, chúng tôi lao vào vụ việc, trao đổi với thẩm phán đang giải quyết vụ án và thấy kinh ngạc với những chứng cứ khá mong manh dùng để buộc tội các em, rơi nước mắt với những lá thư gửi về nhà của các em.

Luật sư Ánh ban đầu chỉ nhận lời bào chữa miễn phí cho Nhựt, sau đó đã nhận bào chữa cho cả hai em còn lại. Những bà mẹ của các em, ban đầu còn mâu thuẫn cãi cọ, đổ lỗi qua lại nhưng đến khi được luật sư cho xem những bài viết trên Pháp Luật TP.HCM, phân tích đúng sai thì ba người mẹ đã hiểu họ là một khối và trở nên thân thiết.

Cũng nhờ báo chí, bà con biết rõ hơn về vụ việc, họ xì xào bàn tán rồi có người cũng bị oan sai tìm đến luật sư Ánh, trình bày câu chuyện của mình, nhờ giúp đỡ. Trong đó có năm người mẹ của năm thanh niên trong vụ án “Có chứng cứ ngoại phạm trong vụ chém người?”Pháp Luật TP.HCM đăng tải ngày 19-6-2017.

Trải qua ba phiên tòa, có phiên tòa kéo dài năm ngày, ba thiếu niên với mái tóc dài, bù xù. Tòa ba lần trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ những mâu thuẫn, bất nhất trong các chứng cứ buộc tội khiên cưỡng của cơ quan điều tra và VKS. Đến tháng 8-2016 vụ án chính thức được đình chỉ, như một thắng lợi của công lý, của những người đã cố gắng lên tiếng trong hoàn cảnh ngặt nghèo vì vẫn tin sự thật chỉ có một.

Có những vụ án mà số phận pháp lý của bị cáo phụ thuộc gần như hoàn toàn vào khả năng của luật sư. Vụ án oan “Chiếc áo đỏ oan nghiệt” này là một vụ án như vậy.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…