Quấy rối phiên tòa, bị xử lý ra sao?

Đến phần trình bày của nguyên đơn thì bị đơn phản ứng quyết liệt, chửi bới nhục mạ nguyên đơn khiến phiên tòa phải dừng lại. Cho tôi hỏi, việc làm của bị đơn có phạm tội hay không và pháp luật quy định việc này ra sao?

Trần Văn Long (Huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai)

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, trả lời: Việc bị đơn phản ứng quyết liệt, chửi bới nhục mạ nguyên đơn khiến phiên tòa phải dừng lại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị chủ tọa phiên tòa xử phạt hành chính hoặc đề nghị khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật căn cứ Điều 491 Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo đó, người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị chủ tọa phiên tòa xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực từ 1-1-2018 quy định các trường hợp quậy phá làm mất trật tự tại các phiên tòa, phiên họp của tòa có thể bị khởi tố về tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp theo Điều 391.

Cụ thể, người nào tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của thẩm phán, hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 178 của bộ luật này thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 1-3 năm: Dẫn đến phải dừng phiên tòa, phiên họp; hành hung thẩm phán, hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của bộ luật này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm