Cho trẻ bỏ nhà ở nhờ có bị phạt không?

(PLO)- Hiện chưa có luật xử lý hành vi cho trẻ bỏ nhà ở nhờ; tuy nhiên nếu hành vi đó bị xem là dụ dỗ, chứa chấp sai quy định thì sẽ bị xử lý theo pháp luật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Con tôi dẫn bạn về, xin cho bạn ở nhờ vài hôm. Tuy nhiên theo tôi biết thì đứa bé này đang ở tuổi ẩm ương, giận gia đình bỏ nhà đi mà không thông báo gì. Xin hỏi nếu tôi cho ở nhờ có vi phạm không? Lỡ có chuyện gì xảy ra với cháu thì tôi bị ảnh hưởng thế nào?

Bạn đọc Nguyễn Loan (TP.HCM)

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời:

Gần đây, các phương tiện truyền thông đưa tin nhiều trường hợp trẻ bỏ nhà đi với nhiều lý do như: Mâu thuẫn với cha mẹ; bị bạn bè, các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo hay là để trốn tránh một sự kỳ thị nào đó… Tuy nhiên, vì lý do gì thì việc trẻ tự ý bỏ nhà đi cũng mang lại hậu quả đối với gia đình.

Người cho trẻ bỏ nhà ở nhờ cần thông báo, khuyên răn các em trở về với gia đình để tránh những trường hợp đáng tiếc.

Pháp luật hiện hành chưa đặt ra hành lang pháp lý xử lý hành vi cho trẻ bỏ nhà ở nhờ. Do đó chưa có quy định cụ thể về các biện pháp chế tài đối với hành vi cho ở nhờ.

Tuy nhiên, trong trường hợp cho trẻ bỏ nhà ở nhờ nhưng có hành vi sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền 10-15 triệu đồng (theo Điều 24 Nghị định 130/2021 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em).

Đồng thời, người vi phạm buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với các hành vi vi phạm trên.

Ngoài ra, một số trường hợp có thể bị xem là dụ dỗ, chứa chấp người dưới 18 tuổi sẽ bị xử lý theo Điều 325 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể như sau:

Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà thực hiện một trong các hành vi như rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa, đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa, chứa chấp người dưới 18 tuổi sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức, đối với 2 người trở lên, đối với người dưới 13 tuổi, chứa chấp, rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục, đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Đồng thời người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm