Mới đây, Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Đà Lạt: 2 thanh niên đưa chó ra chiếm gốc mai, khách muốn chụp ảnh phải trả tiền” phản ánh việc gốc cây mai anh đào cổ thụ ở khu vực hồ Xuân Hương bị hai thanh niên đưa bốn con chó ra chiếm làm không gian riêng, khách muốn chụp ảnh phải trả tiền.
Nhiều bạn đọc thắc mắc hành vi dắt chó ra nơi công cộng chụp ảnh lấy tiền có phải là hành hạ động vật không?
Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời:
Điều 69 Luật Chăn nuôi năm 2020 quy định về nguyên tắc đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi, theo đó, tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi không được đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Có thể hiểu hành hạ vật nuôi là hành vi dùng bạo lực, đối xử tàn ác, làm cho vật nuôi bị đau đớn về thể xác, gây sợ hãi hoảng loạn tinh thần.
Theo Điều 29 Nghị định số 14/2021(về xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi) quy định người có hành vi đánh đập, hành hạ vật nuôi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Đối với việc dắt chó ra những khu vực công cộng, địa điểm du lịch để cho khách thuê chụp hình, người chủ không sử dụng các hình thức hành hạ, đánh đập vật nuôi thì chủ chó vẫn có thể bị xem xét xử lý khi có vi phạm khác.
Ví dụ, hành vi vi phạm thường thấy nhất đó là “Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng” thì chủ chó sẽ bị xử phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 (sửa đổi bởi Nghị định 04/2020) quy định về việc xử lý vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn.
Hoặc hành vi để cho vật nuôi phóng uế bừa bãi trên đường phố “Không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố” thì sẽ bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng theo Điều 10 Nghị định 100/2019 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).