Trắng tay vì đầu tư tài chính kiểu ‘rỉ tai’

Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Tin văn phòng đại diện chui, mất tiền tỉ”, nhiều bạn đọc gửi đơn tiếp tục phản ánh bị thiệt hại vì đầu tư tài chính. Kiểu kinh doanh này rất mơ hồ nhưng vì lợi nhuận cao nên một số người vẫn lao theo.

Nộp 20 triệu, lãi 15 triệu

Chị NPBT kể: Đầu năm nay, chị biết vợ chồng ông ĐDK (tên thường gọi là Dũng) thông qua mạng xã hội. Ban đầu, chị tiếp cận ông Dũng để học hỏi kinh nghiệm kinh doanh vì chị thấy những hình ảnh đăng tải trên Facebook thể hiện sự thành công của một doanh nhân. Từ những buổi gặp gỡ ấy, ông Dũng giới thiệu ông là nhà đầu tư tài chính, hiện có một số kênh đầu tư, ai tham gia sẽ có lợi nhuận rất cao, thời gian lấy lại vốn chỉ trong vòng một tháng. Nghe vậy, chị T. đưa cho ông Dũng 20 triệu đồng để đầu tư và đúng như lời ông nói, chỉ một tháng sau, chẳng những chị T. nhận lại tiền gốc mà còn có thêm tiền lãi 15 triệu đồng. Được một thời gian ngắn, ông Dũng nói kênh này không còn an toàn nữa, rồi hướng dẫn chị đầu tư vào các kênh A3, Payzona… Hình thức đầu tư là người chơi phải mua tiền xu tính bằng bitcoin, mỗi bitcoin có giá khoảng 12 triệu đồng. Những người tham gia sẽ được cấp một mã ID trên trang bitkingdom.org. Ban đầu, chị T. chỉ mua 3 bitcoin, có lợi nhuận là 40%. Sau khi chị lấy tiền gốc về, ông Dũng khuyên chị nên chơi tiếp sẽ được lợi nhiều. Chị T. đồng ý và bỏ ra hơn 500 triệu đồng nhưng sau khi chị đưa tiền vào thì ông Dũng báo sàn giao dịch bị sập và không chịu trách nhiệm.

Tương tự, chị HG cũng thiệt hại hơn 700 triệu đồng. Chị HG trình bày: “Tháng 2-2016, vợ chồng ông Dũng thành lập nhóm đầu tư tài chính thông minh và tự điều hành với vai trò là nhóm trưởng. Sau hơn một tháng thành lập, nhóm này có hơn 200 thành viên tham gia, trong đó có tôi. Ông Dũng giới thiệu với mọi người về các kênh tài chính, các sàn giao dịch tiền tệ để mọi người đầu tư vào. Khi các thành viên trong nhóm đầu tư vào kênh nào do vợ chồng ông Dũng giới thiệu thì phải trả tiền hoa hồng cho ông. Ông Dũng còn đảm bảo với mọi người rằng sẽ không có rủi ro. Nghe vậy, tôi đã giao số tiền hơn 700 triệu đồng cho vợ chồng ông Dũng để đầu tư. Sau mấy lần chuyển tiền đi mà không thấy chuyển về, tôi thắc mắc thì ông Dũng báo sàn giao dịch bị sập. Một số người trong nhóm cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tôi nộp đơn đến cơ quan có thẩm quyền để phản ánh cách làm ăn của ông Dũng thì bị ông đe dọa và cho người đến tận nơi làm việc của tôi để gây rối”.

Không có giấy phép, không chịu trách nhiệm (!)

Trao đổi với PV, ông Dũng cho biết: “Những người phản ánh trên chỉ nhằm mục đích hạ uy tín của tôi. Trong nhóm đầu tư thông minh này, tôi cũng chỉ là nhà đầu tư. Tôi tham gia được hai năm, mọi người thấy tôi ít bị rủi ro nên họ tự tìm đến và làm theo. Tôi hoàn toàn không đứng tên công ty nào và không cầm tiền của ai cả”.

Cũng theo ông Dũng, ông có một nhóm gồm những người thuộc nhiều ngành nghề khác nhau tập hợp lại. Khi các công ty tài chính ở nước ngoài về mở kênh đầu tư tại Việt Nam thì các công ty này liên hệ với ông. “Khi kênh A3 bị sập, tôi là người bị thiệt hại nhiều nhất. Kênh đầu tư tài chính là một kênh cộng đồng và sống hay sập là do cộng đồng, vì thế đòi hỏi người chơi phải chia sẻ rủi ro với nhau. Cách chơi này ai hiểu thì tham gia chứ hoạt động không có giấy phép (?). Hình thức kinh doanh là tiền người này luân chuyển qua người khác, người nào lập ra sân chơi thì thu tiền pin (tiền hoa hồng - PV). Việc tồn tại hay không tồn tại kênh tài chính này là do cộng đồng. Số người tham gia phải ngày càng tăng thì mới tồn tại, nếu giảm, sàn sập thì phải chịu. Thông tin tố tôi có hành vi đe dọa là hoàn toàn sai vì tôi chỉ đến nơi làm việc của người tố cáo mình để nói chuyện cho rõ với thái độ ôn hòa” - ông Dũng nói.

Một lãnh đạo Công an quận Tân Bình xác nhận đã nhận đơn của những người tố cáo và đang tiến hành xác minh.

Luật gia Vương Công Đức, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đức&Partners, lưu ý: Luật Doanh nghiệp quy định rõ hành vi đầu tư tài chính là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Nhà nước cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn hữu hiệu hoạt động đầu tư tài chính qua mạng Internet. Vì vậy, nhiều cá nhân, tổ chức không có giấy phép vẫn giới thiệu hay tổ chức thực hiện các giao dịch đầu tư tài chính với các kênh đầu tư có trụ sở ở nước ngoài. Một số người dân bị “mờ mắt” do tỉ suất lợi nhuận cao dễ dàng sập bẫy những kẻ lừa đảo hoạt động dưới danh nghĩa nhà môi giới.

Luật gia VƯƠNG CÔNG ĐỨC, Giám đốc  Công ty TNHH Tư vấn Đức&Partners:

3 dấu hiệu lừa đảo điển hình

Hiện nay tình trạng mô hình kinh doanh trên mạng trực tuyến, trong đó có đầu tư tài chính đang rất phổ biến tại Việt Nam. Tại các nước phát triển, do hành lang pháp lý chặt chẽ, khả năng kiểm soát hệ thống mạng Internet của các cơ quan bảo vệ pháp luật khá tốt nên hoạt động của loại hình kinh doanh này tương đối lành mạnh, dù thỉnh thoảng vẫn xảy ra các vụ lừa đảo. Tại Việt Nam, tuyệt đại đa số trường hợp kinh doanh đầu tư tài chính qua mạng Internet đều không lành mạnh và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tham gia. Nguyên nhân cơ bản có thể là: Thiếu hành lang pháp lý chặt chẽ; người tham gia thiếu kinh nghiệm và sự cảnh giác; các hành vi lừa đảo không được cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra đầy đủ, xử lý nghiêm minh đối với tội phạm lợi dụng công nghệ.

Một số dấu hiệu lừa đảo điển hình của hoạt động đầu tư tài chính qua mạng cần lưu ý là: 1. Không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 2. Tỉ suất lợi nhuận cao hơn bất thường - gấp vài lần thậm chí hàng chục lần so với lãi suất tiết kiệm ngân hàng; 3. Nhận tiền đầu tư của người tham gia nhưng không cung cấp hóa đơn hay biên lai được đăng ký tại cơ quan thuế.

Trong trường hợp bị lừa đảo, nạn nhân cần thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất, kèm theo toàn bộ hồ sơ, chứng cứ có liên quan. Nhất là các biên lai nhận tiền dù có hình thức không hợp lệ nhưng cũng có thể làm bằng chứng.Nói thật, khả năng khắc phục hậu quả dường như rất khó vì những kẻ lừa đảo phần lớn không có việc làm, không thu nhập ổn định, thậm chí chính họ cũng là nạn nhân của nhóm lừa đảo khác có năng lực tinh vi hơn hoặc ở nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…