Hãy “bình thường hóa” tư vấn học đường

“Vấn đề sức khỏe tâm thần học đường ngày càng gia tăng và quá tải ở bệnh viện. Chỉ năm năm nữa, bệnh viện sẽ không cáng đáng nổi nếu học sinh (HS) không được can thiệp sớm ngay trong trường học hoặc gia đình”.

Đó là chia sẻ của BS Lâm Hiếu Minh, Phó khoa Tâm lý-Tâm thần trẻ em của BV Tâm thần TP.HCM, tại tọa đàm hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động tư vấn trường học do Sở GD&ĐT TP.HCM và Hội Khoa học tâm lý TP tổ chức sáng 21-1.

BS Minh cho biết hằng năm số lượng HS đến bệnh viện thăm khám về sức khỏe tâm thần trẻ em và học đường ngày càng gia tăng, có thời gian bệnh viện thường xuyên quá tải, chưa kể các bệnh viện nhi khác. Trong năm 2011 chỉ có 25.000 lượt trẻ đến khám nhưng năm 2012 tăng lên 28.000 lượt và năm 2013 đã lên đến 32.000 lượt. Điều này cho thấy chất lượng cuộc sống của các em hiện đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ nhiều phía về cảm xúc, gia đình, hành vi và học tập… Đáng nói, trong đó có rất nhiều trường hợp không được can thiệp sớm ngay từ trong nhà trường dẫn đến quá tải ở bệnh viện và diễn biến phức tạp hơn.

“Nhiều HS nói rằng các em rất muốn chia sẻ nhưng ngại bước vào phòng tư vấn của trường vì sẽ bị dị nghị, bị cho là có vấn đề. Vậy thì trường học phải làm sao bình thường hóa công tác này ngay để HS dễ dàng tiếp cận thông qua một vài hoạt động như hướng nghiệp, hỗ trợ học tập…” - BS Minh góp ý.

Theo thầy THT, giáo viên tâm lý tại một trường THCS ở quận 5, khó khăn nhất của công việc này vẫn là thu nhập quá thấp, lương cơ bản của giáo viên tâm lý chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Khó khăn khác là nhìn nhận của lãnh đạo nhà trường về công tác tư vấn học đường còn hạn chế. Có trường xếp giáo viên tư vấn tâm lý làm giám thị, trường thì bố trí phòng tư vấn quá cách biệt với HS khiến các em e dè, không dám tiếp cận.

Ông Lê Nguyên Vịnh, Trưởng phòng GD&ĐT quận 11, đề xuất các trường có thể tự lập tổ tư vấn học đường, có sự tham gia của cả hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh để tăng lực lượng và hỗ trợ cho hoạt động này dưới dạng xã hội hóa. Tổ này phải tư vấn mọi lúc, mọi nơi chứ không phải giới hạn trong một phòng nhỏ, không máy móc cho một vài HS.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, cho hay thời gian tới Sở sẽ ký kết liên tịch với Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP để xây dựng một lộ trình hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động tư vấn trường học, làm sao hướng tới tất cả HS một cách bình thường, an toàn, thân thiện chứ không phải chỉ dành cho những HS đặc biệt. Sở sẽ tiếp tục đề xuất để giáo viên tư vấn có các chế độ, chính sách phù hợp.

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm