Chuyện hi hữu này xảy ra sau khi Bộ Giáo dục yêu cầu các nhà xuất bản phải hạ giá bán sách giáo khoa (SGK) cấp tiểu học và trung học. Cụ thể, theo yêu cầu này, giá trung bình của 99 đầu SGK của cấp trung học phải được cắt giảm 44% (từ 9.991 won xuống còn 5.560 won), các đầu SGK cấp tiểu học cũng phải được giảm 34,8% xuống còn 4.493 won. Các nhà xuất bản không chấp nhận và phản ứng bằng cách ngưng xuất bản SGK.
Hồi tháng 2, Bộ Giáo dục đã chỉnh sửa một điều khoản trong Các quy định về SGK, trao quyền yêu cầu điều chỉnh giá bán SGK cho bộ trưởng Giáo dục một khi cảm thấy giá này bất hợp lý.
Theo lời ông Cho Jae-ik, Phó Giám đốc Phòng Kế hoạch SGK thuộc Bộ Giáo dục, sau khi xem xét, tính toán, Bộ Giáo dục nhận thấy một số nhà xuất bản đã tăng giá bán một cách bất hợp lý và quyết định yêu cầu điều chỉnh. Nhà xuất bản nào không chấp hành sẽ bị rút giấy phép hoạt động.
Về phía mình, Hiệp hội Nhà xuất bản SGK Hàn Quốc (KAAT) phân trần: Chính sách tự do thiết lập mặt bằng giá thời Tổng thống Lee Myung-bak là động lực để các nhà xuất bản tự tin đầu tư rất nhiều để phát triển các đầu sách nên mức giá bán hiện tại là hợp lý. Trước khi có yêu cầu từ Bộ Giáo dục, kế hoạch của các nhà xuất bản là sẽ tăng giá bán trung bình mỗi đầu SGK lên 73% so với năm 2013.
Trong khi Bộ Giáo dục đề nghị các nhà xuất bản đồng ý mức giá điều chỉnh Bộ đưa ra để đảm bảo quyền lợi của học sinh, KAAT khăng khăng mức giá mới này chỉ bằng một nửa giá thành nên các nhà xuất bản không thể chấp nhận, cho biết sẽ chỉ xuất bản lại một khi Bộ Giáo dục “lập một mức giá mới hợp lý”. KAAT còn tuyên bố nếu Bộ Giáo dục cứ làm căng thì KAAT sẽ xúc tiến các bước đi pháp lý đối phó.
THIÊN ÂN