Phó giáo sư, tiến sĩ... “luộc” sách!

Đầu năm 2010, GS-TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thật bất ngờ khi phát hiện cuốn sách Tài chính quốc tế của nhóm tác giả đồng chủ biên: PGS-TS Phan Thị Cúc (Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), TS Nguyễn Trung Trực (Phó khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hưng (giảng viên), Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hoa (giảng viên) xuất bản năm 2006 có nội dung trùng lặp với quyển giáo trình Tài chính quốc tế của chính GS-TS Trần Ngọc Thơ và PGS-TS Nguyễn Ngọc Định đồng biên soạn, do Nhà xuất bản Thống kê xuất bản năm 1996, đến nay sách đã tái bản bốn lần.

Cuốn sách Tài chính quốc tế của nhóm tác giả PGS-TS Cúc... do Nhà xuất bản ĐH Quốc gia TP.HCM cấp phép xuất bản. GS-TS Thơ khẳng định: “Đây là cuốn sách đầu tiên về tài chính quốc tế của khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, là giáo trình chính thống đã được hội đồng khoa học trường này thẩm định và lấy làm giáo trình chuẩn giảng dạy cho bậc ĐH và sau ĐH”.

So sánh nội dung của hai cuốn sách trên, GS-TS Thơ chỉ ra rất nhiều nội dung trùng lặp nhau, từ câu chữ đến cả từng dấu chấm, phẩy, đoạn ngắt câu. Cụ thể, nội dung chương 2, chương 8, trang 125 cuốn sách của ông Thơ được lặp lại y chang trong sách của nhóm tác giả PGS-TS Cúc.

Sách của GS-TS Thơ có vài chục hình ảnh, bảng biểu, đồ thị thì được nhóm tác giả chủ biên PGS-TS Phan Thị Cúc... cóp y chang, rồi đưa vào sách của mình mà không hề có sự đầu tư chỉnh sửa, cũng như vẽ lại hoặc cập nhật số liệu cho sát với thực tế. “Điều khôi hài nhất là cuốn Tài chính quốc tế của nhóm tác giả chủ biên PGS-TS Phan Thị Cúc... cóp luôn cả những lỗi lầm ngây ngô trong sách của tôi” - ông Thơ khẳng định.

Phó giáo sư, tiến sĩ... “luộc” sách! ảnh 1

Từ trái sang phải: Cuốn giáo trình “Tài chính quốc tế” của nhóm tác giả PGS-TS Phan Thị Cúc... được “luộc” 100% nội dung từ cuốn sách Tài chính quốc tế của GS-TS Trần Ngọc Thơ biên soạn. Đến cuốn sách Tài chính quốc tế của nhóm tác giả đồng chủ biên: PGS-TS Phan Thị Cúc... cũng có nhiều nội dung trùng lặp với quyển giáo trình Tài chính quốc tế của chính GS-TS Trần Ngọc Thơ biên soạn.

Trách nhiệm thuộc về tác giả!

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Trung Trực (Phó khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) nhìn nhận: “Nội dung chương 2 trong sách của ông Thơ là do tôi lấy từ nội dung của cuốn giáo trình Tài chính quốc tế của nhóm tác giả biên soạn: PGS-TS Phan Thị Cúc, Thạc sĩ Đoàn Văn Huy, Thạc sĩ Lê Đức Thắng”. Đây là giáo trình của khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM lưu hành nội bộ. “Trước đây tôi thấy nội dung này rất hay nên lấy đưa vào sách chứ không biết nội dung này có từ sách của GS-TS Thơ!” - ông Trực giải thích.

Trong khi đó, PGS-TS Cúc cho rằng: “Cuốn giáo trình Tài chính quốc tế của nhóm tác giả biên soạn là lưu hành nội bộ nên chúng tôi đã hủy bỏ rồi. Sau này tôi có chỉ đạo Tiến sĩ Nguyễn Trung Trực nếu lấy nội dung của thầy Thơ đưa vào giáo trình thì phải xin phép tác giả. Phần nào trích dẫn của tác giả nào thì phải ghi chú rõ ràng. Nhưng thầy Trực... quên thực hiện việc này”.

Chiều 3-3, ông Huỳnh Bá Lân - Giám đốc nhà xuất bản ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết trong trường hợp này, công ty in và phát hành đứng ra ký hợp đồng tác quyền với tác giả. Nhà xuất bản chỉ cấp phép xuất bản và biên tập về những vấn đề chính trị, tư tưởng chứ không thể nắm được là tác giả có “luộc” sách hay không. Tác giả tổ chức bản thảo và chịu trách nhiệm về tác quyền, vì vậy suy cho cùng là trách nhiệm thuộc về tác giả, đạo đức của tác giả. “Thực ra các vị giáo sư, tiến sĩ ấy chôm với nhau như thế nào thì ai mà biết được. Trách nhiệm pháp lý vẫn là nhóm tác giả của cuốn sách” - ông Lân nhận định.

Không đăng ký bản quyền nên sách bị “luộc”?

Ở khía cạnh khác, PGS-TS Cúc cho rằng xưa nay hầu hết sách giáo trình của các trường đều biên soạn từ nguồn kinh phí của nhà nước. Thậm chí có những sách dịch lại của học giả nước ngoài rồi... thành sách của mình. Đồng thời, sách biên soạn ra không có đăng ký bản quyền sở hữu. Vì vậy, sách này có thể thành sách chung, mọi người có thể tham khảo được.

Còn phía ông Thơ cho rằng: “Nếu nói sách có đăng ký bản quyền hay không thì ngành giáo dục hiếm có sách nào đăng ký bản quyền. Nhưng cuốn sách của tôi đã được hội đồng khoa học Trường ĐH Kinh tế TP.HCM công nhận, đối với giáo dục thì xem đó là bản quyền”.

Tác phẩm ra đời, tác giả đã có quyền, không cần đăng ký!

Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định - không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký quyền tác giả. Do vậy, không cần ông Trần Ngọc Thơ phải đăng ký quyền tác giả thì ông mới có quyền đối với tác phẩm của mình.

Quyền tác giả gồm hai nội dung: quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân gồm các quyền như: đứng tên tác giả, đặt tên cho tác phẩm, công bố tác phẩm… Quyền tài sản gồm các quyền như: làm tác phẩm phái sinh, phân phối, truyền đạt tác phẩm đến công chúng, cho thuê…

Như vậy, có thể thấy nhóm tác giả “sao chép” đã vi phạm cả quyền nhân thân lẫn quyền tài sản đối với tác phẩm bài giảng của ông Trần Ngọc Thơ. Trong trường hợp này, ông Thơ có quyền yêu cầu những người vi phạm tác quyền phải công khai xin lỗi, chấm dứt hành vi vi phạm (tức là không được tiếp tục tái bản sách “nhái”, thu hồi sách đã in) và thậm chí là phải bồi thường thiệt hại (nếu có).

Qua thông tin, chúng ta thấy phía nhà xuất bản có ý  né tránh trách nhiệm liên đới của mình. Lẽ ra khi in, nhà xuất bản phải yêu cầu các tác giả nộp giấy chứng nhận quyền tác giả, hoặc phải có bản cam kết xác định nội dung giáo trình là do chính minh biên soạn (sáng tác) ra.

Qua đây cũng cho thấy tuy việc đăng ký quyền tác giả là không bắt buộc nhưng tác giả nên đăng ký để có cơ sở và bằng chứng pháp lý rõ ràng, giúp thuận lợi hơn trong việc bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.  

Luật sư Trần Hồng Phong, Công ty Luật hợp danh Ecolaw (Đoàn Luật sư TP.HCM)

TRƯƠNG HIỆU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm