Hôm nay, 22-11, Quốc hội (QH) sẽ thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Dự luật này có ý nghĩa lịch sử đối với Quảng Ninh. Bởi đây là dự luật kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng, mang tính đột phá để trên cơ sở đó ba đặc khu kinh tế gồm Vân Đồn của Quảng Ninh, Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) chính thức cất cánh. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế đơn thuần mà còn gợi mở các mô hình thể chế mới, đủ sức cạnh tranh với thế giới bên ngoài.
Cuộc chơi lớn
Với Quảng Ninh, ý tưởng về một khu kinh tế Vân Đồn đã có từ lâu, ít nhất là khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 2009, xác định Vân Đồn là khu kinh tế tổng hợp được vận hành theo quy chế riêng; là trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp của vùng Bắc bộ và các nước lân cận.
Ý tưởng này trở nên rõ nét hơn ở khóa trước, khi ông Phạm Minh Chính về làm bí thư tỉnh ủy. Một trọng tâm công tác được ông thúc đẩy ngay những ngày đầu là cùng thường vụ tỉnh ủy thuyết phục Chính phủ, kiến nghị, đề xuất để Bộ Chính trị tháng 10-2012 chính thức cho Quảng Ninh xây dựng đề án đặc khu kinh tế.
Từ đây, nhiều hãng tư vấn, chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới được mời gọi tới Vân Đồn nghiên cứu, đề xuất hướng phát triển. Nhiều nhà đầu tư được mời gọi, tới nay thu hút được 2,5 tỉ USD cam kết rót vốn. Đặc biệt, sau khi được Thủ tướng phê duyệt bổ sung quy hoạch cao tốc Hải Phòng-Hạ Long, Hạ Long-Móng Cái và sân bay Vân Đồn thì Quảng Ninh đã kêu gọi được một số nhà đầu tư chiến lược rót vốn vào các dự án động lực này.
“Đầu tư vào hạ tầng giao thông hiện là ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Các công trình giao thông lớn mang lại một cam kết với các nhà đầu tư rằng đặc khu Vân Đồn là triển vọng ngay tương lai gần” - ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Quảng Ninh, nói.
Trong các dự án động lực này, điểm nhấn là sân bay trên hòn Cái Bầu, đảo lớn nhất của Vân Đồn. Được sự ủng hộ, đồng lòng của người dân, một cuộc giải phóng mặt bằng thần tốc đã diễn ra chỉ vài ngày trước Tết Ất Mùi, đầu năm 2015. “Thu hồi hơn 284 ha đất, ảnh hưởng tới hơn 500 hộ dân mà không có đơn khiếu kiện nào. Thế mới biết người dân đặt niềm tin, kỳ vọng vào đặc khu kinh tế tương lai ra sao” - ông Hoàng Trung Kiên, Phó ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh, bình luận.
Có mặt bằng sạch, dự án sân bay với đường băng 3.600 m đã nhanh chóng được nhà đầu tư chiến lược Sun Group triển khai. Với tổng mức đầu tư gần 7.500 tỉ đồng. Đến nay công trình này đã hoàn thành phi đạo, đường nối, sân đỗ và đang gấp rút xây dựng nhà ga. “Dự kiến sáu tháng nữa, các công trình chính sẽ hoàn tất. Tiếp đó là kiểm tra kỹ thuật, hoàn tất thủ tục pháp lý để ngay trong năm 2018 là có thể bay thương mại. Giai đoạn đầu này, cảng hàng không Quảng Ninh sẽ có công suất đón hai triệu khách và 10.000 tấn hàng hóa/năm” - ông Thành cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành chia sẻ về tương lai đặc khu ngay tại công trường sân bay Vân Đồn đang gấp rút xây dựng. Ảnh: N.NHÂN
Bản quy hoạch đảo Cái Bầu - đảo chính, lớn nhất của đặc khu Vân Đồn trong tương lai gồm một quần thể khu vui chơi, giải trí đẳng cấp. Ảnh: N.NHÂN
Để đánh thức tiềm năng khu kinh tế Vân Đồn cũng như vịnh Bái Tử Long hoang sơ, bí ẩn, với cơ chế riêng được Chính phủ cho phép, ngoài đầu tư lớn của doanh nghiệp, Quảng Ninh cũng đã rót vào đây hàng ngàn tỉ đồng. “Chỉ riêng cây cầu mới trên đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, nối đảo Cái Bầu với đất liền, ngân sách tỉnh đã phải bỏ ra cả 1.000 tỉ đồng. Rồi các khoản giải phóng mặt bằng sân bay, đường sá, các hạ tầng giao thông, kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, tổng cộng ngàn tỉ nữa. Thực sự tỉnh đang dồn sức cho giấc mơ đặc khu” - Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND tỉnh Quảng Ninh Lê Hữu Phúc cho hay.
Con gà - quả trứng
Theo lẽ thường, bài bản nhất thì thể chế, khuôn khổ pháp lý cho đặc khu phải có trước rồi mới kêu gọi đầu tư. Nhưng với trường hợp Vân Đồn, mọi chuyện được tiến hành theo cách khác. Cả tỉ USD đã được đổ vào đây, tỉnh cũng đi khắp nơi mời gọi đầu tư trong lúc dự luật khu hành chính-kinh tế đặc biệt tháng 10 này mới trình QH lần đầu, vậy có rủi ro không?
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thành trả lời: “Đúng là chúng tôi đang vừa chạy vừa xếp hàng”.
Ông cho biết ý tưởng về các đặc khu kinh tế với thể chế, cơ chế pháp lý đặc thù, riêng biệt, có tính chất đột phá so với mặt bằng chung cả nước thì đã có từ lâu. Nhưng mỗi khi đi vào bàn bạc cụ thể thì người này, người kia lại băn khoăn: Đề xuất của Quảng Ninh hay đấy nhưng một Vân Đồn hoang sơ, đi lại khó khăn thế này, đường chưa có, sân bay cũng không thì làm sao thành đặc khu. Rồi chưa có gì chứng minh tư duy phát triển của tỉnh đến tầm có thể đảm bảo đặc khu sẽ thành công. Chưa thấy diện mạo nhà đầu tư nào cả.
“Tư duy kiểu con gà-quả trứng như vậy thì rất khó nên tỉnh vừa kêu gọi các nhà tư vấn vào nghiên cứu, vừa xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đề án khu hành chính-kinh tế đặc biệt, vừa kiến nghị khuôn khổ pháp lý. Đồng thời cũng chủ động sử dụng nguồn lực của tỉnh kêu gọi, hỗ trợ cho các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp vào trước một bước. Như thế sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho cả nhà quản lý lẫn nhà đầu tư về hiện thực và tương lai đặc khu Vân Đồn.
Tôi nghĩ đây là phương thức, là cách làm rất Việt Nam. Tỉnh đã triển khai rất thận trọng, nghiêm túc, trách nhiệm và hy vọng QH sẽ đồng thuận, sớm thông qua thể chế pháp lý phù hợp, mở đường cho hình thành các khu hành chính-kinh tế đặc biệt ở Việt Nam” - ông Thành nói.
Tiếp cận thị trường ASEAN-Trung Quốc hơn 3 tỉ người Vân Đồn là quần đảo nhỏ, diện tích đất hơn 580 km2 cùng 1.589 km2 biển. Mặt bằng tập trung ở đảo lớn Cái Bầu, chiếm non nửa diện tích toàn huyện. Tất cả nằm trong vùng vịnh Hạ Long-Bái Tử Long, là di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới. Với hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, đường biển đang triển khai thì khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn trong tương lai sẽ là trung tâm của hành lang Móng Cái - Hải Phòng - Hà Nội. Và chỉ trong năm giờ bay là có thể tiếp cận thị trường ASEAN-Trung Quốc hơn 3 tỉ người. Vấn đề chúng tôi lo nhất là kéo dài quá trình ban hành thể chế pháp lý cho đặc khu thì nhà đầu tư có thể mất đi phần hào hứng, kỳ vọng mà họ cũng như địa phương đang đồng điệu. Hiện tại mới chạy đà nhưng đã thu hút được 2,5 tỉ USD rồi. Nếu luật được thông qua với cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội thì chắc chắn sẽ có một làn sóng đầu tư mạnh vào đây. Ông NGUYỄN VĂN THÀNH, Đột phá với thiết chế đặc khu trưởng? Trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp QH lần này, rất nhiều người dân mong muốn Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt sớm được thông qua. Tỉnh đã nghiên cứu rất kỹ, thấy rằng luật cần thể hiện rõ thiết chế quản lý, vận hành đặc khu hiệu quả, đủ sức cạnh tranh với các đặc khu kinh tế khác trong khu vực. Mô hình trưởng đặc khu mới đáp ứng yêu cầu ấy. Và như những gì tỉnh đã thí điểm trong đổi mới tổ chức, bộ máy mấy năm qua, vận hành đặc khu phải theo mô hình lãnh đạo công - quản trị tư. Tức là bộ máy chính quyền Vân Đồn tương lai cần có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược. Có vậy mới bật lên được. Đây chính là giá trị về thể chế mà tỉnh hy vọng khi đi vào vận hành sẽ chứng minh được hiệu quả, có giá trị tham khảo cho cả nước. Bà Đỗ Thị Lan, Trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh Quảng Ninh |