SƠN LA TRƯỚC KHI "NÚI BIẾN THÀNH HỒ"

Mang theo một chút hồn Mường

Nhà cửa có thể chuyển đi, nhưng cả một miền văn hóa - tâm linh như phù sa lắng đọng trên dưới một ngàn năm qua bên bờ bãi sông Đà của người Thái thì sẽ ít nhiều chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện...

Mang theo một chút hồn Mường ảnh 1

Một góc bản tái định cư Na Lát (Mường Lay), mọi thứ vẫn còn ngổn ngang - Ảnh: Đ.Bình

Trở lại “rừng ma”

Chúng tôi tìm đến bản Huổi Luông gần thị trấn Phong Thổ (Lai Châu), nơi có hơn 200 hộ dân phần lớn từ xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ) chuyển đến. Tuy đã ăn một cái tết ở Huổi Luông, nhưng cụ già Lò Văn Tam vẫn cứ say sưa kể với chúng tôi những câu chuyện nơi quê cũ ở lòng chảo Sìn Hồ: “Dưới đó ruộng nhiều, cá nhiều, trâu lợn đều to, tết đến mổ trâu, múa xòe vui lắm. Lên đây cũng mổ lợn mổ trâu, mời cả người Mông xuống cùng ăn tết nhưng không vui bằng”.

Lòng cụ Tam đang như lửa đốt, phân vân không biết có nên trở lại bản cũ đưa mồ mả bố mẹ và vợ lên quê mới hay không. “Chắc mấy ngày nữa phải trở lại “rừng ma”, đưa mồ mả ông bà với vợ mình lên đây, chứ để chìm dưới nước thì thương lắm” - ông già 78 tuổi vừa nói vừa đưa mắt xa xăm hướng về quê cũ.

Với người Thái, chết nghĩa là đến sống ở một thế giới khác, là đến cư ngụ tại “Mường Trời”. Người Thái không có tục cải táng mà chỉ chôn một lần. Mỗi bản định ra một địa điểm phía đầu nguồn để chôn người chết, gọi nơi ấy là “rừng ma”. Một người chết, cả bản sẽ làm thủ tục tiễn đưa người ấy đến “rừng ma” để họ được đến ở “Mường Trời”.

“Rừng ma” thiêng lắm, nếu không phải vì tiễn đưa người chết thì người Thái không ai dám vào. Nhưng nay cả bản phải chuyển đi, không thể để “Mường Trời” chìm trong biển nước, người Thái đành phải phá bỏ tục lệ mà trở lại “rừng ma” đón ông bà tổ tiên lên quê mới...

Ngoài “rừng ma”, người Thái trước đây còn có các khu “rừng măng cấm”, “rừng thiêng” ở phía đầu nguồn. “Rừng măng cấm” là những rừng vầu, rừng nứa, rừng tre chỉ dành để hái măng về ăn mà không được chặt phá. Trong bữa ăn của người Thái không thể thiếu món măng chua nên không ai được vào chặt phá “rừng măng cấm”. “Rừng thiêng” là rừng trú ngụ của thần linh, cũng là những cánh rừng che chở người Thái trước những trận thịnh nộ của mưa rừng, lở núi.

Cụ Tam giải thích nhà của người Thái nằm ở ngay dưới chân núi, giữa những thung lũng nhỏ hẹp, nếu không giữ những cánh “rừng thiêng” ở đầu nguồn thì núi lở đè lên mái nhà sàn, lũ sẽ cuốn trôi cả bản, thần linh sẽ về bắt người, trâu, bò, lợn... mang đi. “Bây giờ rừng bị phá nhiều rồi. Không còn chỗ mà đi săn con thú. Lấy cái măng chua cũng khó hơn ngày xưa. Nhớ rừng lắm...” - cụ Tam nói giọng buồn thiu...

Gội đầu... lần cuối

Ai đã từng lên miền Tây Bắc, ngược các dòng sông Đà, sông Mã, sông Hồng chắc hẳn không ít lần chết lặng trước vẻ đẹp mê hồn của những cô gái Thái tắm bên bờ sông, bờ suối hoang sơ. Vẻ đẹp ấy giờ này cũng chỉ còn trong ký ức của phần lớn những di dân. Ngồi hàn huyên với ông La Văn Vỷ ở Phiêng Lanh - trung tâm mới của huyện lỵ Quỳnh Nhai (Sơn La), ông kể: “Trước khi di chuyển về bản mới, tết năm 2009 cả bản đã làm lễ gội đầu lần cuối bên sông”.

Ngày cuối cùng của năm cũ, người Thái có tục gội đầu, già trẻ gái trai ra bến tắm cùng nhau tắm gội để những bụi bặm, muộn phiền năm cũ theo dòng nước trôi xa, đón một năm mới sạch sẽ an lành. Thị trấn cũ huyện Quỳnh Nhai bằng phẳng, nên thơ là bãi phù sa bên cạnh sông Đà, vẻ đẹp ấy đã đi vào bao vần thơ, áng văn, điệu hát.

Từ tháng 7-2009, ông Vỷ cùng mấy trăm hộ dân phải dỡ bỏ nhà cửa, kéo nhau đến thị trấn Phiêng Lanh nằm ở trên cao. Để tưởng nhớ bến sông, con nước, bãi bồi, cả bản đã tổ chức lễ gội đầu lần cuối. “Chuyển đến thị trấn mới ở vùng đất cao, xa sông xa suối, phải tắm giặt bằng nước máy ngay dưới sàn nhà, làm sao gìn giữ được tục lệ ngày xưa!” - ông Vỷ tiếc nuối.

Nhớ điệu xòe hoa

Bữa ở bản Xá Đán (Mường Lay, Điện Biên), chúng tôi có mong muốn được xem người Thái múa điệu xòe hoa tại bản cuối cùng phải di dời này. Nhưng bà chủ tịch hội người cao tuổi Lò Thị Làn nói rằng không thể thực hiện được, vì hạn cuối cho việc di chuyển đang đến gần, cả bản rất bận rộn. Bản có gần 200 hộ dân thì phải chuyển đến ba, bốn địa điểm tái định cư khác nhau, phải xa nhau nên dân bản thấy tình cảm cũng có phần mất mát.

“Bận rộn thì múa xòe không đẹp, ăn cái rượu không vui. Đêm nay không múa được rồi. Hẹn nhà báo tết này lên bản mới nhé, bà sẽ cho đám thanh niên mổ trâu, múa xòe để nhà báo chụp ảnh nhé” - bà Làn an ủi chúng tôi.

Nói đến văn hóa Thái không thể không nhắc đến điệu múa xòe. “Không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái khó thành đôi” - người Thái nói như vậy. Tết đến là múa xòe, mừng mùa màng bội thu là múa xòe, mừng nhà mới cũng múa xòe...

Ánh lửa bập bùng làm ửng hồng đôi má cô gái, rực sáng ánh mắt chàng trai Thái, men rượu làm ngất ngư lòng người, có thêm người thì vòng xòe thêm rộng, đám xòe thêm vui. Chủ khách đã đứng trong vòng xòe là bình đẳng như nhau. Những đêm xòe tan, ánh trăng lấp ló đầu ngọn cây là lúc trai gái yêu nhau ra bờ suối tâm tình...

Xòe Thái đẹp là thế, vui là thế, giàu ý nghĩa là thế. Nhưng những người già ở bản Quan Chiêng bên này, bản Na Lát bên kia lo ngại điệu xòe đang dần mai một.

“Bây giờ lên bản mới, đất ở đất làm còn chưa ổn định, đâu đã có bãi đất để tổ chức các sinh hoạt cộng đồng. Trẻ em lớn lên đi học rồi đi làm ở xa, thanh niên ở bản cũng rủ nhau đi tìm việc ở ngoài, ngày ngày nói chuyện với nhau bằng điện thoại. Hip hop cũng theo cái tivi và cái băng đĩa về bản rồi... Chỉ khi có người lớn đứng ra tổ chức thì thanh niên mới chịu múa xòe thôi. Nhưng không trách được họ đâu, cuộc sống thay đổi rồi mà” - câu nói ấy của anh Vàng Văn Vượng, bí thư chi bộ bản, rót vào lòng chúng tôi nỗi hoài niệm miên man trên suốt đoạn đường dài trở về Hà Nội.

Theo ĐỨC BÌNH - LÊ KIÊN (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm