Người nâng giấc cho những tử tù tột cùng bấn loạn

Nhìn những tử tù lầm lụi, lẩy bẩy được áp tải ra pháp trường, đại úy Đinh Công Tiến chỉ biết thầm mong những linh hồn ấy sẽ được siêu thoát và có thể trả ơn cuộc đời trọn vẹn ở kiếp sau.

Từ xa xưa cho tới tận hôm nay, màu đen đặc kịt của bóng tối đã trở thành nỗi ám ảnh của con người. Riêng đối với những người tử tù, bóng tối trở thành nỗi khiếp đảm hoang mang tột độ. Ai biết được qua đêm nay, ngày mai họ có còn được nhìn thấy ánh sáng? Từ khi bước chân vào phòng biệt giam, họ làm quen với ánh sáng của ngọn đèn vàng từ hành lang hắt qua khe cửa sổ nhỏ hẹp. Ngọn đèn ấy trở thành thứ ánh sáng diệu huyền, tươi sáng nhất trong đoạn đời còn lại của những người tử tù.

Bước chân vào khu buồng giam tử tù, ám ảnh tôi là ngọn đèn hắt bóng lên bức tường bê tông chắc nịch, xám xịt, buồn tẻ, lạnh lẽo ám ảnh tới gai người. Hình như cái lạnh lẽo, u ám ở khu biệt giam tử tù ở các trại giam đều giống nhau. Nó là sự leo lắt của những số phận con người chập chờn chờ ngày cuộc sống kết thúc.

Đối với mỗi con người trong cõi nhân gian này, từng khoảnh khắc trôi qua đều đáng được nâng niu, gìn giữ tựa báu vật, đặc biệt đối với những kẻ tử tù, từng khoảnh khắc sống lại càng được chăm bẵm, trân trọng hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, ngày hôm nay họ tỉnh giấc, còn thấy được chút ánh sáng tỏa từ ngọn đèn vàng vàng nơi buồng tối, họ biết rằng mình có thể sống thêm một ngày nữa. Ai dám chắc, ngày mai, họ vẫn còn cơ hội nhìn ngắm cuộc đời này, dù chỉ là sự mường tượng về một thế giới tươi đẹp bên ngoài song sắt. Khi án tử đã tuyên, những tử tù biết chắc ngày đền tội của mình đang tới rất gần - cái chết đã được dựng sẵn kịch bản và con đường duy nhất của họ là tuân thủ đúng quy trình ấy.

Người nâng giấc cho những tử tù tột cùng bấn loạn ảnh 1

Đại úy Đinh Công Tiến

Không ai có thể phủ nhận một điều: Sống ở trên đời ai chẳng ham sống sợ chết. Đến cỏ cây, muông thú còn muốn sống, muốn tự do, huống hồ là con người bằng xương, bằng thịt. Thế nhưng bởi những sai lầm tày trời trong quá khứ không thể dung thứ, họ phải đền tội bằng chính mạng sống của mình. Đó là luật nhân - quả, là sự công bằng của luật đời, luật pháp.

Trong quá khứ, có thể những kẻ tử tù kia là những đại ca cộm cán có số, có má, tự cho mình quyền sinh, quyền sát đồng loại, là những sát thủ máu lạnh giết người không gớm tay…nhưng khi đã lãnh án tử hình vào buồng biệt giam thì kẻ nào kẻ nấy chẳng thể nào bình thản đón nhận cái chết. Niềm hối hận, niềm tiếc nuối chật chội cả bốn bức tường giam lạnh ngắt, vô hồn. Chỉ khi sự sống được đếm ngược từng giờ, từng phút thì khao khát sống, khao khát được làm người lương thiện mới trỗi dậy mạnh mẽ trong những tên tội phạm tay súng, tay dao khét tiếng một thời.

Theo bước đại úy Đinh Công Tiến - quản giáo tử tù trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An tới khu biệt giam tử tù, trong tôi trỗi lên một cảm giác gờn gợn chạy dọc sống lưng. Suốt 4 năm quản lý những con người đặc biệt trong thế giới đặc biệt, với anh mỗi ngày qua đi đều thật ngắn ngủi. Anh không nhớ chính xác con số tử tù do chính anh trông giữ, song mỗi mảnh đời qua đi để lại cho anh những nỗi niềm riêng.

Nơi đây, anh đã chứng kiến những cuộc đời khác thường, dị biệt, mòn mỏi, thậm chí điên loạn chờ đợi ngày ra pháp trường. Khi mang trên cổ mức án tử, mỗi tử tù có những cách biểu hiện khác nhau, nhưng điểm chung giữa những con người đó là niềm tiếc đời, là sự thèm sống tới cuồng dại, khiến tất cả mọi trạng thái cảm xúc dường như được đẩy lên tới cực điểm. Tất thảy họ đều ân hận khi chính tay mình chứ không phải ai khác, tự tước đi quyền sống của bản thân mình.

Nếu không phải tận mắt chứng kiến phút hấp hối yếu ớt của ngọn lửa tàn trước lúc tắt ngấm, có lẽ thật khó hình dung công việc vất vả, khổ cực của những người làm công tác quản giáo, lại là quản giáo tử tù như anh.

 Trước khi công tác tại trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, anh đã từng nhiều năm làm quản giáo tại trại Thanh Phong (Thanh Hóa), theo anh tính chất của trại cải tạo và trại tạm giam khác nhau rất nhiều. Ở trại cải tạo, những phạm nhân có án, có số, có cơ hội được phấn đấu, rèn luyện, hưởng khoan hồng của pháp luật. Họ vào tù, ra khám nhưng còn có ngày về. Còn đối với những tử tù, tia nắng mỗi ngày cũng trở nên huyền diệu, thiêng liêng, bởi cánh cửa được trở về đã đóng khép vĩnh viễn.

Theo anh, việc khó nhất trong công tác quản lý tử tù đó là nắm bắt tâm lý của những đối tượng đang cận kề cái chết. Những tâm hồn luôn bất định, luôn biến đổi theo từng ngày, từng giờ. Có khi thoắt vui lại thoắt buồn. Có thể vừa cười nói râm ran, nghêu ngao vài câu hát bỗng ôm mặt khóc nức nở như đứa trẻ. Còn có những trường hợp sẵn sàng phá phách, tìm mọi cách gây khó dễ với những người quản giáo như anh. Đối với những kẻ tử tù ấy, anh không chỉ tuân thủ đúng quy định trại giam, đúng vai trò của cán bộ quản giáo với tử tù mà còn bằng tình cảm của con người đối với con người.

Nơi trại tạm giam anh đang công tác, những phạm nhân lãnh án tử cũng rất đa dạng. Có những người tử tù là người dân tộc, vùng cao không được học hành tới nơi tới chốn, hành vi chống đối quản giáo của họ không đáng sợ, nham hiểm bằng những giang hồ cộm cán đất thành phố. Nhưng dù họ là ai, xuất thân ra sao đều bộc lộ những cảm xúc mãnh liệt nhất khi gặp người thân.

Đại úy Đinh Công Tiến đã từng chứng kiến những cuộc gặp gỡ thăm thân của những người tử tù với người thân qua tấm kính trắng. Cuộc gặp gỡ nào cũng ngập chìm trong nước mắt. Anh kể, mới ngày hôm qua, có gia đình người Lào sang thăm tử tù Xồng Xái Kỷ. 2 năm sau ngày ly biệt, 2 năm tạm giam ở trại, Xồng Xái Kỷ mới được gia đình sang thăm. Có ai ngờ được rằng Xồng Xái Kỷ từng là một tên trùm ma túy cực kỳ xảo quyệt với chiến tích buôn bán ma túy xuyên quốc gia, gieo rắc cái chết trắng cho đồng loại. Nhìn Xồng Xái Kỷ gầy gò, gương mặt thảm sầu nức nở khi gặp lại vợ con sau 2 năm trời xa cách, thấy những giọt nước mắt đắng đót không ngừng tuôn rơi, bản thân anh Tiến cũng không khỏi xót xa, thương cảm.

Khó có thể đếm định cảm xúc của kẻ trong - người ngoài, ai mạnh hơn ai, song cái ám ảnh, chua chát của tấm kính trắng chắn giữa đôi bên mà tựa xa cách nghìn trùng day dứt anh bấy nhiêu năm trông phạm. Chỉ một tấm kính trắng nhưng là hai thế giới khác nhau, là sự sống và cái chết, là kẻ ở - người đi, là hai thế giới không thể song hành tồn tại. 4 năm chứng kiến những cuộc gặp gỡ thăm thân của những tử tù qua tấm kính trắng, cũng là ngần ấy năm anh Đinh Công Tiến nhận rõ sự rành mạch nhưng cũng rất đỗi mong manh giữa cõi sinh và cõi tử.

Đối với anh, để quản lý những kẻ đứng bên bờ vực của cái chết, người quản giáo cần sự khéo léo, thần kinh luôn vững vàng, có những biện pháp ứng phó nhanh trước mọi hành vi, biến đổi của họ. Phương châm của anh là "lạt mềm buộc chặt". Với những người không còn gì để mất, hãy dành cho họ chút hơi ấm tình người, tình đồng loại một cách thành thực và cởi mở trước khi họ phải đền tội cho những tội ác của mình trong quá khứ.

Công việc hàng ngày của quản giáo Đinh Công Tiến không đơn thuần chỉ là đóng và mở cánh cửa buồng biệt giam. Có người hiểu giản đơn, bảo đó là trách nhiệm, bổn phận của những người làm nghề quản giáo tử tù. Nhưng có những người đồng cảm, hiểu sâu xa về công việc âm thầm, vất vả không ít căng thẳng của những người như Tiến, thấy đó là công việc của những con người tận tâm tiễn biệt những kẻ sai phạm sang bên kia thế giới.

Sẽ chẳng ai trách cứ anh nếu như trong đầu anh nảy sinh suy nghĩ, một tử tù tới giờ hành quyết đồng nghĩa gánh nặng của mình sẽ vợi đi bội phần. Nhưng cùng là con người, cũng bộn bề bao tình cảm, suy nghĩ, anh chưa bao giờ lóe lên ý nghĩ tội lỗi đó. Đinh Công Tiến kể, tới ngày ra pháp trường, họ vẫn gật đầu, nén sự hoảng sợ, bấn loạn, lí nhí: "Chào cán bộ. Em đi". Nhìn những tử tù lầm lụi, lẩy bẩy được áp tải đi, đại úy Đinh Công Tiến chỉ biết thầm mong những linh hồn ấy sẽ được siêu thoát và có thể trả ơn cuộc đời trọn vẹn ở kiếp sau.

Chưa bao giờ anh thấy cuộc đời đáng sống hơn lúc này. Có lẽ, từ ngày làm công tác trông giữ tử tù, anh cảm nhận trọn vẹn và đủ đầy hơn những giây phút quý giá của cuộc sống. Những tia nắng ban mai ấm áp báo hiệu ngày mới, những giọn gió ngọt lịm êm ả, hay cả tiếng còi xe ồn ã trong giờ tan tầm náo nhiệt đều đáng để nâng niu và cảm nhận.

Một ngày nữa lại qua đi, bóng tối bắt đầu lan tỏa khắp buồng giam tử tù. Tiếng kiểm tra ổ khóa lách cách cuối ngày khô khốc, lạnh lẽo báo hiệu công việc một ngày dài đã kết thúc, anh đứng lặng nhìn chiếc bóng của mình đổ dài trên nền hành lang dài hun hút. Đêm nay, một tử tù nữa sẽ ra đi.

Theo Huyền Trang (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm