Người thổi tiêu bên hồ Hoàn Kiếm

Người thổi tiêu bên hồ Hoàn Kiếm ảnh 1

"Tiếu ngạo giang hồ" ở bờ hồ - Ảnh: L.Q.Phổ

Ông tên Lê Quang Châu và người ta thường gọi là ông già thổi tiêu bên hồ Hoàn Kiếm.

Tôi tình cờ gặp ông trong một sáng mùa đông lạnh giá. Trong cái âm u sương khói của hồ Gươm, trong giai điệu bài hát Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong trầm lắng cất lên từ ống tiêu rất lớn trong tay ông. Mặc cho nhiều người đứng nghe và chụp ảnh, ghi âm, ông bình thản chơi hết bản nhạc rồi lấy chai nước trong túi vải ra chiêu một ngụm.

“Tiêu Lang” thời hiện đại

Từ trong cái túi vải còn ló ra những tấm ảnh kèm các bức thư người ta chụp ông khi đi thăm hồ Gươm và gửi về từ khắp bốn phương. Ông Lê Quang Châu nói nhà ông vốn ở Hàng Gai, là con một gia đình khá giả, có bốn đời ở Hà Nội. Cạnh nhà có cửa hàng nhạc cụ của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước nên ông được học nhạc khá cẩn thận và biết nhiều nhạc cụ. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, cây sáo là nhạc cụ theo ông đi tản cư.

“Khi còn bé, mẹ tôi thường kể rằng thuở xưa, một người con của vua Hùng là Tiêu Lang đã từng thổi tiêu, mười ngón tay người lướt như múa trên cây tiêu trúc. Tôi nghĩ tại sao mình không cải tiến chiếc tiêu truyền thống có sáu lỗ cách xa nhau thành mười lỗ cho khỏi thừa các ngón tay nhỉ? Từ đó tôi đục thêm lỗ để tạo ra các bán cung. Mày mò và thử nghiệm rồi cũng thành công, tôi tạo ra chiếc tiêu 10 lỗ có đủ nốt thăng giáng, chơi được các bản nhạc viết theo lối Tây phương”, ông Châu kể.

Theo ông Châu, chiếc tiêu 10 lỗ đã được ông truyền cho nghệ sĩ sáo trúc Đinh Thìn và góp phần làm cho nghệ sĩ này thêm nổi tiếng. Ông còn sáng tạo ra loại tiêu 11 lỗ, nhưng chưa phổ biến cho ai cả.

Ông nói rằng ngày xưa giao thông khó khăn, làm gì có nhiều trúc đẹp để làm tiêu, làm sáo như bây giờ. Một lần đi bơi ngoài sông Hồng với chúng bạn, ông nhặt được trong đám rác rến từ trên thượng nguồn trôi xuống có đoạn ống trúc hình như là cái chấn song cửa của người miền ngược đã lên nước bóng loáng, có màu nâu rất đẹp, mang về làm thành một cái tiêu giữ đến bây giờ.

Gần đây, kẻ trộm trèo tường vào nhà ông lấy đi chiếc xe đẩy của đứa cháu nội, chẳng hiểu vội vàng, sợ hãi thế nào, chúng bỏ lại chiếc gậy trúc rất đẹp. Thế là ông chế luôn thành tiêu, một lần đến đây ngồi thổi, ông rùa bỗng nổi lên, bơi bên cạnh mấy vòng. Thấy lạ, ông về nhà ngẫm ngợi, rồi đặt tên cho cây tiêu ấy là Quy Tâm. Quy là rùa, quy tâm cũng là quy về với nhân tâm. Tổng cộng, ông có tới 6 chiếc tiêu đại, trong đó có một bộ Long, Ly, Quy, Phượng.

Người thổi tiêu bên hồ Hoàn Kiếm ảnh 2

Ông Lê Quang Châu trong mắt một du khách 

“Tiêu sĩ” tiếu ngạo giang hồ

Đi ra đường, tiêu bỏ vào cái túi thổ cẩm đeo sau lưng, nhiều người tưởng đó là thanh kiếm của samurai Nhật Bản. Đám thanh niên gọi ông là “tiếu ngạo giang hồ” phần vì ông thích ngao du đây đó.

Chiếc tiêu ông đang cầm dài đến tám mươi phân, đường kính 3 phân, nên khi ông chơi bản Lá đổ muôn chiều của Đoàn Chuẩn, trong tiếng ồn ào của phố phường, cây tiêu đại vẫn truyền trong không gian những lời thổn thức yêu đương thật sâu lắng. “Tôi thuộc nhiều bài của các ông Văn Cao, Hoàng Giác, Dương Thiệu Tước… vì hồi đó nó cứ ngấm vào mình. Thuộc rồi thì cứ chơi tùy hứng thế thôi”, ông nói.

“Ngày xưa chắc bà nhà yêu ông vì tiếng tiêu này, khi đó, ông mang tiêu đứng trước cửa sổ nhà bà và gửi lời yêu trong tiếng nhạc?”. Tôi hỏi vậy và ông Châu cười: “Không, không có chuyện lãng mạn như Romeo và Juliet ấy đâu. Tôi và bà ấy tình cờ quen nhau khi cùng dạy học dưới Thường Tín.

Hồi còn trẻ, bà ấy thích nghe, bây giờ có tuổi rồi, tiếng sáo kêu to và chói làm bà ấy không chịu được. Đó cũng là lý do tôi chuyển sang tiêu đại, tiếng nó trầm không ảnh hưởng đến ai! Tôi đã tám mươi, nhưng hứng lên có khi chơi liền mươi, mười lăm bài”.

Nhà ông Châu ở dưới Kim Ngưu, cách bờ Hồ chục cây số. Thời gian trước mỗi tuần ông đến đây vài ba buổi, nay tuổi đã cao, mỗi sáng thứ bảy ông mới đi xe buýt tuyến 36 lên một lần. Ngoài bờ Hồ, những nơi thanh vắng như Đoan Môn hay Quảng An, Bách Thảo, Thủ Lệ cũng là những chỗ đẹp của Hà Nội để cho ông đến ngồi chơi, thổi tiêu và tĩnh dưỡng.

Ông kể, có một đoàn du khách Mỹ, sau khi xem truyền hình CNN, thấy ông, khi đến Hà Nội, họ xin gặp ông già thổi tiêu. Hướng dẫn viên du lịch nhờ ông tới biểu diễn phục vụ. Ông từ chối và bảo ai muốn gặp xin mời ra bờ Hồ. Khách đến thật, nghe ông chơi xong vài bài, họ góp tiền tặng, ông không nhận. Ông không phải là nghệ sĩ biểu diễn, ai muốn nghe tiếng tiêu Việt Nam chơi nhạc Việt Nam thì cứ việc nghe miễn phí thôi.

Có lần ở Đoan Môn, một Việt kiều Mỹ gốc ở phố Hàng Bông sau khi nghe ông thổi tiêu cũng tặng một ít đô-la. Nài nỉ mãi ông không nhận, bèn bảo thế thì ông cầm cho con tờ một đô-la lấy may vậy. Một đô là đồ lưu niệm thì nhận, ông Châu cười rồi mở ví, trong đó có đồng một đô thật!

Ngừng giai điệu réo rắt trong ca khúc Thiên thai của Văn Cao, ông Châu bảo “mỗi lần tiếng tiêu này cất lên, tôi thấy mình tan vào thiên nhiên, trời đất. Nhưng không chỉ có thế, anh hãy nhìn kia. Trước tôi là cây tháp bút ở cửa đền Ngọc Sơn, bên trái là mặt nước hồ Gươm, bên phải có dòng người đi lại, sau lưng, tôi có tháp Rùa che đỡ.

Phong thủy chỗ này rất đẹp. Chỗ tôi ngồi đây là linh địa lắm. Một ngày trong năm, cái bóng nắng tháp bút kia chiếu vào nghiên mực, có phải ngẫu nhiên mà đất trời trùng hợp thế đâu”.

Khi chia tay, ông Châu hẹn khi nào tới nhà chơi sẽ cho xem bộ tiêu đại mà ông chế tác và gìn giữ qua nửa thế kỷ, chứ hôm nay thì chỉ mang đi có một...

Theo Lưu Quang Phổ (TNTNCT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm