Tôi đến toà án Campuchia làm nhân chứng

Để có quyết định này, tòa án đã đưa ra các bằng chứng về tội ác diệt chủng và đặc biệt là tư liệu về nhà tù Tuol Sleng mà các nhà báo Việt Nam đã ghi được đầu tháng 1-1979. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà biên kịch phim tài liệu Đinh Phong - người đã tham gia ghi lại tội ác của bọn diệt chủng và trở thành nhân chứng tại Pnôm Pênh khi Tòa án quốc tế Campuchia bắt đầu xét xử và buộc bọn diệt chủng cúi đầu nhận tội.

Tôi đến toà án Campuchia làm nhân chứng ảnh 1
Tác giả trước Tòa án quốc tế Campuchia

Tháng 1-1979, Phạm Khắc và tôi theo chân các đơn vị bộ đội tiến vào Pnôm Pênh thủ đô Campuchia giúp nhân dân chùa Tháp đánh đuổi bọn diệt chủng Pôn Pốt.
Được sự thông báo của các trinh sát, chúng tôi dẫn anh em quay phim của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đến nhà tù Tuol Sleng - nơi có dấu vết của một trại giam, bốc lên mùi hôi thối. Đặc biệt các chiến sĩ trinh sát báo cáo: từ phía trong rào sắt còn có tiếng khóc yếu ớt của trẻ con.

Sau khi các chiến sĩ trinh sát rà soát mìn, lựu đạn địch có thể gài ở cửa, chúng tôi ùa vào và tỏa đi các hướng.

Ngoài cửa sắt là bảng hiệu trường Tuol Sleng bằng tiếng Khơ-me, tiếng Pháp, tiếng Anh. Trước mặt chúng tôi là ngôi nhà nhiều tầng của một trường học. Chạy theo hướng trái - nơi có tiếng trẻ em - chúng tôi phát hiện bốn em nhỏ đang nằm bên rìa nhà bếp. Em nhỏ nhất đã chết, mình đầy vết muỗi cắn. Ba em còn lại thở thoi thóp bên cạnh các xoong nồi trống rỗng. Các chiến sĩ quân đội đưa ngay các em ra ngoài giao cho các chiến sĩ Campuchia chuyển về bệnh viện. Đó là một căn bếp đã tắt lửa từ lâu. Trên nóc bếp là những bó dây lưng của bộ đội - những chiến sĩ và chủ đã bị giết hại.

Vòng bên phải, chúng tôi gặp các xưởng thủ công đúc tượng Pôn Pốt bằng thạch cao, bằng đồng. Kế đó là phòng chụp ảnh vương vãi hàng ngàn ảnh của nạn nhân. Có nhiều hồ sơ lưu giữ ảnh. Mỗi người bị giết đều có ba tấm ảnh: chụp thẳng, chụp nghiêng và cảnh đã bị chặt đầu. Chúng tôi bàng hoàng: ngôi trường học đã được xây dựng thành các phòng giam giữ, tra tấn và giết hại người tù. Trên nền gạch là những xác chết đã trương phình, dòi bọ lúc nhúc, cạnh đó là những dụng cụ giết người như xẻng, búa, gậy sắt... Có một số xác chết lăn dưới đất nhưng cũng có một hai xác chết còn bị còng trên giường sắt. Hầu hết các phòng tầng dưới đều có xác chết. Tầng trên là các phòng giam đầy rẫy các dụng cụ tra tấn...

Những thước phim chúng tôi quay được hôm đó tức khắc chuyển về thành phố Hồ Chí Minh in tráng và phát sóng trên Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và trên các đài truyền hình của một số nước. ĐóÁ là những tư liệu vô giá chúng tôi giữ gìn cho đến hôm nay.

Thế rồi, Chính phủ Campuchia quyết định khởi tố vụ án diệt chủng của bọn Pôn Pốt. Nhiều tên cầm đầu chế độ Pôn Pốt đã chết như Pôn Pốt, Tà Mốc, Xôn Xen... Tòa án chỉ còn đưa ra xét xử một số tên cầm đầu còn sống như Nuon Chea, leng Sary, leng Thirith, Khieu Samphan, Duck - giám đốc nhà tù Tuol Sleng. Kẻ bị xét xử đầu tiên là Duck.

Trước tòa án Campuchia do Liên hiệp quốc bảo trợ, Duck phải trả lời về tội ác của mình.

Tòa án Campuchia đề nghị Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh cung cấp tư liệu để có bằng chứng cho tòa xét xử. Chúng tôi đã in toàn bộ các thước phim đã ghi được trong tháng 1-1979. Khi Tòa án Campuchia đưa ra hình ảnh tội ác của bọn Pôn Pốt thì xảy ra dư luận rêu rao rằng: đó là những thước phim do Campuchia tạo dựng. Vì vậy các bạn Campuchia đã mời chúng tôi đến Pnôm Pênh để chứng minh về những thước phim này.

Một cuộc họp báo quốc tế với hàng trăm nhà báo trong nước và ngoài nước đã đến dự. Chúng tôi đã kể về lai lịch những thước phim đã quay vào lúc nào, ngày nào tại nhà tù Tuol Sleng. Chúng tôi cũng đưa trước cuộc họp báo một thanh niên - một trong bốn em bé đã được cứu thoát ngày đó. Cuối cùng chúng tôi chỉ rõ: đó là những thước phim do chúng tôi ghi được bằng loại phim 16 ly của hãng OWO sản xuất 1978. Chúng tôi đã khẳng định về pháp lý, về kỹ thuật rằng không có việc dựng lại những thước phim này. Tôi cũng đã đến dự các phiên tòa của tòa án để xác nhận trước công luận về những tư liệu mà chúng tôi đã đưa ra.

Từ sự phủ định, cho rằng đó là những thước phim giả, cuối cùng trước các thước phim, trước các nhân chứng, tên đao phủ Duck đã cúi đầu nhận tội và xin được khoan hồng vì y chỉ là một tên tay sai. Tòa án Campuchia đã kết án Duck 30 năm tù.

*

Chúng tôi đã đến Campuchia lần thứ hai theo lời mời của Thủ tướng Hun Sen. Tại cuộc gặp gỡ Thủ tướng Hun Sen đã cám ơn Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và những người thực hiện những thước phim quý giá tháng 1-1979. Ông nói: nhờ những thước phim đó, bọn diệt chủng không còn đường chối cãi.

Trước dư luận từ trong nước, thế giới, nghi ngờ về xuất xứ của những thước phim, trước những lời vu cáo của các thế lực ủng hộ Pôn Pốt định phá hoại các phiên tòa xét xử tội ác diệt chủng - những thước phim về nhà tù Tuol Sleng và sự có mặt của các nhà làm phim Đài truyền hình thành phố trước Tòa án Campuchia đã làm cho bọn diệt chủng phải cúi đầu.

Đó là sự phối hợp tốt đẹp giữa các nhà báo hai nước đã giúp Tòa án Campuchia có thể xét xử đúng đắn nghiêm túc một tội ác khủng khiếp mà loài người đã lên án.
  

Theo ĐINH PHONG  (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm