Dán tem cây xăng để trị gian lận

UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu” trên địa bàn. Theo đó, sẽ dán tem tại tất cả doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP.HCM.

Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

UBND TP nhận định xăng dầu là một trong những nguồn nguyên liệu quan trọng phục vụ cho nhu cầu đời sống, kinh tế-xã hội và được Nhà nước quan tâm quản lý về giá cũng như chất lượng. Tuy nhiên, ý thức chấp hành tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, về hóa đơn, chứng từ của các cơ quan nhà nước, của người tiêu dùng và của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu còn hạn chế. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng trong kinh doanh, gây tổn hại đến các cơ sở kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.

Do vậy, việc thực hiện các biện pháp nói trên nhằm chống thất thu thuế đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các cửa hàng kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người mua xăng.

Chủ trương trên được các DN ủng hộ. Đại diện Công ty Xăng dầu khu vực II cho biết sẽ triển khai thực hiện chủ trương trên. Theo đó, 100% cửa hàng bán xăng dầu trực thuộc sẽ được dán tem trong thời gian tới.

TP.HCM sẽ dán tem tất cả cây xăng để chống thất thu thuế và bảo vệ người mua xăng. Ảnh: HTD

Đại diện một công ty xăng dầu khác ở TP.HCM cũng cho biết trước đây ngành thuế quản lý các cửa hàng xăng dầu theo hóa đơn đầu vào. Tuy nhiên, giải pháp này không hiệu quả vì thời gian qua đã phát hiện nhiều cửa hàng mua xăng trôi nổi không hóa đơn để né thuế. Do vậy, việc dán tem sẽ kiểm soát được lượng hàng bán ra để làm cơ sở tính thuế, tránh thất thu ngân sách.

“Việc dán tem không làm phát sinh thêm chi phí của DN. Chúng tôi chỉ phải thực hiện bảo quản tem cho tốt, tránh việc bị nghi ngờ phá tem, can thiệp vào đồng hồ để gian lận là ổn” - đại diện DN trên khẳng định.

Một chuyên gia tính toán xăng dầu lậu ngoài chênh lệch về giá còn trốn được thuế khủng. Bởi mỗi lít xăng nếu thẩm lậu vào các cây xăng sẽ trốn được nhiều loại thuế như tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu…, trong đó chỉ riêng thuế bảo vệ môi trường là 3.000 đồng/lít. Điều này đã tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN, làm méo mó môi trường kinh doanh. Do vậy việc dán tem là cần thiết.

Dưới góc nhìn của người tiêu dùng, chị Nguyễn Hà Diễm (quận 12, TP.HCM) nói: “Bình thường mỗi lần đi đổ xăng tôi cũng lo lắng không biết cây xăng có đổ đủ số lượng và chất lượng xăng có tốt hay không. Do vậy, nếu các cây xăng đều dán tem giúp người dân mua đúng chất lượng xăng, số lượng xăng thì quá tốt. Bởi khi nguồn xăng dầu trôi nổi không có cơ hội tuồn vào các cây xăng thì người tiêu dùng sẽ không còn lo ngại bị ảnh hưởng đến sự an toàn cũng như tuổi thọ phương tiện giao thông khi mua phải xăng dầu không rõ nguồn gốc”.

Giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết ngày 18-7 tới đây cục thuế sẽ làm việc với 29 tổng công ty xăng dầu đầu mối để triển khai chủ trương dán tem, dán tem mã vạch trên các cột đo xăng dầu… theo đề án mà UBND TP.HCM đã phê duyệt. Tất cả nguồn kinh phí này đều do TP hỗ trợ, DN không chịu bất kỳ chi phí nào.

“Việc dán tem ở cây xăng không ảnh hưởng gì đến các hoạt động kinh doanh của DN, cửa hàng xăng dầu. Chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ngành tiến hành dán tem cho khoảng 500 điểm bán lẻ xăng dầu với tổng cộng 3.400 cột xăng. Dự kiến đến ngày 30-9 sẽ hoàn tất việc dán tem” - ông Minh cho biết.

Cũng theo ông Minh, TP.HCM đang xây dựng chương trình quản lý hoạt động của từng cây xăng thông qua tem mã vạch. Theo đó, khi các cửa hàng xăng dầu bơm xăng cho người tiêu dùng số lượng bao nhiêu, có đúng không… thì những thông tin này đều được cục thuế xử lý bằng chương trình phần mềm để đảm bảo dữ liệu được chính xác. Đây là biện pháp quản lý chặt chẽ, minh bạch để các cây xăng khi bán cho khách hàng phải bán đúng, bán đủ số lượng chứ không thể bớt xén.

“Trong cuộc họp với UBND TP.HCM mới đây, lãnh đạo TP đã khẳng định qua giám sát nếu phát hiện cây xăng nào gian lận thì cơ quan thuế đề xuất thu hồi giấy phép kinh doanh” - ông Minh nhấn mạnh.

Đại diện Tổng cục Thuế tại cuộc họp báo mới đây cũng khẳng định việc dán tem đã mang lại lợi ích cho ba bên gồm: DN, người tiêu dùng và Nhà nước. Cụ thể, sau khi hơn 30.000 cây xăng tại 46/63 tỉnh, thành được dán tem, số tiền thuế thu được từ bán lẻ đã tăng thêm bình quân 10%-15% so với khi chưa thực hiện, cá biệt có tỉnh tăng trên 20%. Khi tem được dán, đồng nghĩa với việc người bán sẽ không thể tự ý thay đổi chỉ số lượng xăng dầu đã bán ra. Bởi chỉ cần một tác động nhỏ, chiếc tem sẽ bị rách và chủ cửa hàng sẽ bị phạt.

“Chiếc tem này là một giải pháp chống thất thu thuế khá tiết kiệm, hiệu quả. Ví dụ như tại tỉnh Bắc Ninh, chi phí thiết kế, in tem chỉ khoảng 5 triệu đồng nhưng đã giúp tỉnh này thu thêm 4 tỉ đồng thuế bảo vệ môi trường một tháng sau khi dán tem” - đại diện Tổng cục Thuế khẳng định.

Tuy vậy, một số ý kiến băn khăn về tính bền vững của giải pháp dán tem. Đại diện một DN lo ngại về lâu dài các cơ sở kinh doanh xăng dầu có thể sẽ dùng các biện pháp tinh vi để can thiệp vào đồng hồ đã được dán tem để gian lận nhằm né thuế và móc túi khách hàng. Do vậy, cần phải hoàn thiện đề án dán tem và công tác này phải được kiểm soát tốt, chế tài mạnh để răn đe.

Gắn chip chống bớt xén xăng

Ghi nhận thực tế trên địa bàn TP.HCM cho thấy hiện nay một số công ty xăng dầu đã sử dụng phần mềm hay gắn chip để quản lý hệ thống cây xăng trực thuộc. Qua đó mọi thông tin như lượng xăng từng trụ bơm bán ra cho người tiêu dùng bao nhiêu, có chính xác không… đều được “trực tuyến online” về trụ sở công ty.

Nhiều ý kiến nhận xét nếu giải pháp này được áp dụng rộng rãi thì có thể đảm bảo được tính minh bạch và đảm bảo được quyền lợi cho người tiêu dùng.

Hiện nay TP.HCM có khoảng 532 cửa hàng xăng. Kế hoạch từ nay đến năm 2030, TP sẽ phát triển thêm 372 cây xăng. Việc phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng khi dân số của TP.HCM tăng lên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm