Đầu năm, nhiều đơn hàng tốt

Đầu năm, nhiều đơn hàng tốt ảnh 1
Cải tiến sản xuất để bù đắp số lao động thiếu. Ảnh: Q.NHƯ

Đơn hàng tăng, sản xuất ổn định

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết tình hình đơn đặt hàng năm nay khả quan hơn nhiều so với năm 2009. Khoảng 80% doanh nghiệp tại TP.HCM đã có đơn hàng để làm đến hết tháng 6, giá đơn hàng cũng tăng 20% so với giá đầu năm 2009. Đặc biệt, nếu đầu năm ngoái đơn hàng cho thị trường Mỹ (thị trường trọng điểm của dệt may) giảm 30% thì đầu năm nay đã tăng trở lại. Thêm vào đó, nhờ ảnh hưởng của Hiệp định Đối tác kinh tế Việt-Nhật mà các doanh nghiệp Nhật chuyển đơn hàng từ một số nước khác sang đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam, giúp tăng đơn hàng cho thị trường này.

Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Sài Gòn, cũng cho biết vào thời điểm sau tết của những năm trước thì công ty chỉ mới đảm bảo có đơn hàng làm đến tháng 4, tháng 5. Tuy nhiên, hiện nay công ty đã “đầy nhóc” đơn hàng cho sản xuất cả năm 2010. Công ty cũng đã mở rộng sản xuất, xây dựng thêm một nhà máy mới ở Bà Rịa-Vũng Tàu để đáp ứng nhu cầu đang tăng của thị trường.

Không riêng gì ngành dệt may, năm nay ngành da giày cũng có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2009. Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (tỉnh Bình Dương), cho biết đơn hàng năm nay tăng khoảng 20% so với năm 2009 và công ty đã có đơn hàng để làm trong nửa năm đầu. Với mức tăng của đơn hàng, trước tết công ty đã thiếu cả ngàn lao động nhưng vẫn chưa tìm được đủ số công nhân. Dự báo sau tết sẽ còn thiếu hụt lao động hơn nữa.

“Năm nào cũng vậy, cứ tết xong là thiếu lao động. Người cũ nghỉ, người mới vào làm nhưng không đủ số, mỗi năm hụt đi chừng 10% lao động” - bà Liên cho biết.

Tăng năng suất, thuê gia công bên ngoài

Ông Phạm Xuân Hồng cho biết phải đến đầu tuần sau, khi các doanh nghiệp làm việc trở lại thì mới biết công nhân có quay lại hay không và thiếu đủ lao động thế nào. Thị trường năm 2009 không mấy sáng sủa, không đảm bảo thu nhập nên sau tết công nhân bỏ việc khá nhiều. Tuy nhiên, tình hình năm 2010 khá thế này, hứa hẹn công việc ổn định, tăng thu nhập. Do đó, hy vọng không chỉ lao động quay trở lại mà có thể còn kéo thêm bạn bè đầu quân cho doanh nghiệp nên cũng không quá lo ngại về nhân lực.

Ông Nguyễn Ân cho rằng ngành dệt may luôn trong tình trạng không ổn định về số lượng lao động. Do đó, doanh nghiệp cũng phải biết cách “sống chung với lũ”, giải quyết hai vấn đề là thu nhập cho công nhân và không tăng ca quá mức. May Sài Gòn đã có chính sách không tăng ca quá 6 giờ chiều, không làm việc vào ngày Chủ nhật nên lâu nay giữ chân công nhân khá tốt. Tuy nhiên, do năm nay mở rộng sản xuất nên công ty cũng đang lo thiếu lao động. Để giải quyết vấn đề này, May Sài Gòn xây dựng hẳn một khu nhà ở cho công nhân để thu hút lao động về nhà máy mới. Đồng thời, công ty cũng có chính sách tăng thu nhập cho công nhân, đưa mức lương (lương cứng, chưa kể các khoản thưởng) trung bình từ 2,5 triệu đồng/tháng lên trên 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty cũng đưa ra chương trình “mỗi công nhân - một sáng kiến” nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí đầu vào khác để có thể tăng thêm thu nhập cho lao động.

Sau những biện pháp nội bộ như tăng năng suất, cải tiến quy trình sản xuất, thay đổi kỹ thuật, cải tiến quản lý mà vẫn bị thiếu hụt lao động thì doanh nghiệp phải tính đến các biện pháp khác. Bà Thúy Liên cho biết để giải quyết tình trạng thiếu lao động, công ty phải chọn giải pháp thuê gia công ngoài trong những lúc cao điểm để kịp tiến độ giao hàng.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm