Lập ngân hàng có thể tốn 5.000 tỷ đồng

Đến năm 2015, yêu cầu này sẽ được nâng lên 10.000 tỷ đồng, thay vì mức tối thiểu 3.000 tỷ đồng của năm nay.

Theo dự kiến của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã được cấp phép thành lập và hoạt động phải có biện pháp bảo đảm số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu tương đương 5.000 tỷ đồng chậm nhất vào 31/12/2012 và 10.000 tỷ đồng chậm nhất vào 31/12/2015.

Với các ngân hàng thành lập sau 31/12/2012 hoặc sau 31/12/2015, phải có ngay mức vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu là 5.000 hoặc 10.000 tỷ đồng.

Danh mục mức vốn pháp định được Ngân hàng Nhà nước đề cập trong bản sơ thảo nghị định hướng dẫn thực hiện Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi (dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối tháng này).

Ban soạn thảo cho biết đề xuất về mức vốn pháp định bắt buộc được đưa ra dựa trên các tiêu chuẩn an toàn vốn cũng như tốc độ tăng trưởng tài sản có của các tổ chức tín dụng. Bình quân tăng trưởng tài sản có của các ngân hàng thời gian qua vào khoảng 25-30% một năm. Để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vốn, dù không có quy định bắt buộc, các ngân hàng cũng phải tăng vốn theo cho phù hợp với tốc độ tăng trưởng tài sản, nếu không sẽ phải giảm tài sản có - điều không ai mong muốn.

Theo quy định của Chính phủ, chậm nhất vào 31/12 năm nay, các ngân hàng phải tăng đủ vốn lên tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Trong số gần 40 ngân hàng cổ phần đang hoạt động, khoảng 20 trường hợp chưa đảm bảo đủ vốn.

Danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng:

(Nguồn: Dự thảo nghị định về việc ban hành Danh mục mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, hướng dẫn dự thảo Luật các tổ chức tín dụng)

STT Loại hình tổ chức tín dụng Mức vốn pháp định áp dụng
cho đến năm
(Đơn vị: tỷ đồng)
2012 2015
1 Ngân hàng
a Ngân hàng thương mại 5.000 10.000
b Ngân hàng hợp tác xã 5.000 10.000
2 Tổ chức tín dụng phi ngân hàng
a Công ty tài chính 1.000 3.000
b Công ty cho thuê tài chính 500 1.000
3 Quỹ tín dụng nhân dân 0,5 1
4 Tổ chức tài chính vi mô 10 20

Theo Song Linh ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm