Các công ty tài chính, tổ chức tín dụng thường tuyển những nhân viên có ngoại hình xinh đẹp, ưa nhìn có mặt ở các siêu thị, trung tâm thương mại để tư vấn, cung cấp các dịch vụ cho vay tiêu dùng, trả góp.
Các nhân viên này thường đưa ra lời chào mời hấp dẫn về lãi suất cho vay từ 2% đến 3%/tháng, đối tượng tập trung chủ yếu là sinh viên, người lao động thu nhập thấp cần mua sắm tiêu dùng cá nhân. Sau khi ký hợp đồng, người vay mới tá hỏa nhận ra lãi suất cho vay có khi lên đến 84%/năm.
Đây là thực tế được các chuyên gia tài chính đưa ra tại hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng tránh các rủi ro trong cho vay tiêu dùng”, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 13-7 ở Hà Nội.
Lãi suất cho vay cắt cổ 84%/năm
Ông Hồ Tùng Bách, phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), cho biết tín dụng tiêu dùng là các khoản vay ngắn hạn, cho phép người tiêu dùng có thể mua sắm hàng hóa, dịch vụ cho mục đích sử dụng cá nhân hoặc gia đình như mua xe máy, điện thoại, máy tính.
“Đây cũng là vấn đề có số lượt phản ánh, khiếu nại cao nhất lĩnh vực tài chính ngân hàng. Trong đó các khiếu nại của người tiêu dùng chủ yếu tập trung vào câu chuyện các đơn vị cho vay không cung cấp đủ thông tin thiết yếu, cung cấp thông tin sai lệch, đánh lạc hướng người tiêu dùng về lãi suất, thời hạn cho vay hay quá hạn sẽ chịu phạt ra sao” - ông Bách nêu thực tế.
Đáng chú ý theo thống kê của cơ quan quản lý cạnh tranh, lãi suất cho vay mà người tiêu dùng phải chịu có thể tới 72%-84%/năm. Đây là con số vượt mức trần lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước và sai lệch 20%-30% so với lời chào mời từ bên cho vay.
Khi có nhu cầu, người tiêu dùng cần lựa chọn các công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay có uy tín. Ảnh: HTD
Đặc biệt, để đưa được khách hàng vào bẫy lãi suất cao, một số công ty tài chính luôn có những hợp đồng in sẵn với những điều khoản có lợi cho bên cho vay và bỏ trống hoặc viết mập mờ mức lãi suất cho vay khiến người vay phải ngậm đắng khi hợp đồng được thực hiện. Điều này luôn đẩy người tiêu dùng vào tình cảnh “bút sa gà chết”. Đến khi cơ quan quản lý nhận được khiếu nại chủ yếu là các hợp đồng đã được ký với lãi suất cắt cổ, coi như việc đã rồi.
Ông Bách dẫn chứng khi vay tiêu dùng, người vay còn phải khai cả thông tin người thân trong gia đình. Đến khi nợ quá hạn, công ty cho vay tiêu dùng đã tìm đến người nhà để hăm dọa, nhắn tin đe dọa đòi nợ. Có trường hợp người vợ mang bầu bốn tháng bị các đối tượng đòi nợ ép ký vào giấy cam kết trả nợ cho chồng do anh này mua điện thoại, không trả được nợ và đã bỏ trốn. Chị vợ này sau đó liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn từ số lạ với những lời đe dọa từ sáng đến tối.
Thủ tục vay siêu tốc
Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết báo cáo tài chính của một công ty hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng cho thấy chỉ trong hai năm (2013-2014), mức lợi nhuận của công ty tăng 38,7%. Lợi thế của hình thức cho vay tiêu dùng là không cần tài sản thế chấp, thủ tục xét duyệt cho vay nhanh, có khi chỉ trong vòng 15-30 phút.
“Công ty tài chính thường thuê người phát tờ rơi, dán giấy quảng cáo trên tường ở những nơi công cộng với nội dung: Cho vay trả góp lãi suất thấp, không giới hạn khoản vay, không cần chứng minh thu nhập, chỉ cần gọi điện là vay được ngay. Nhưng rất nhiều gia đình đã phải bán cả nhà khi tham gia những vụ việc cho vay không đúng” - ông Tuấn cảnh báo.
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bà Phạm Quế Anh, chuyên gia của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), đánh giá Việt Nam là thị trường mới nổi và có tiềm năng lớn về tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường mà khung pháp lý chưa hoàn thiện, cơ quan bảo về quyền lợi người tiêu dùng còn rất mới và chính bản thân người tiêu dùng cũng chưa nhận thức đúng về quyền lợi của mình.
Từ những bất cập trên, bà Quế Anh đề xuất các cơ quan quản lý phải xây dựng thêm những quy định pháp lý để áp dụng một cách có hiệu quả vào thực tế lĩnh vực tín dụng tiêu dùng. Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tín dụng tiêu dùng, cho vay trả góp. “Dù pháp luật có đầy đủ, cơ chế giải quyết khiếu nại có rộng khắp thì quyền lợi người vay vẫn có thể bị xâm hại nếu họ không biết quyền và lợi ích chính đáng của mình” - bà Anh nói và cho rằng việc người Việt Nam phải vay với lãi suất lên tới 84% thể hiện sự thực thi pháp luật không tốt bởi Nhà nước đã có mức trần lãi suất 20% từ trước.
Minh bạch hóa vay tiêu dùng Bà Định Thị Thanh Nhàn, khoa Kinh tế và Luật Trường ĐH Thương mại, nhìn nhận luật pháp hiện nay chưa có quy định riêng về bảo vệ quyền lợi người vay trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Do đó, các công ty tín dụng tiêu dùng sẽ vẫn có nhiều cách để lách quy định về giới hạn trần lãi suất 20%. Mặt khác, các quy định về hạn mức cho vay tiêu dùng không rõ ràng, chủ yếu vẫn dựa vào các quy định cho vay từ các ngân hàng thương mại, trong khi mỗi loại hình tín dụng có những tính đặc thù riêng. Trong khi đó, theo ông Hồ Tùng Bách, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng là việc rất quan trọng để họ hiểu rõ bản chất cho vay tiêu dùng và có phương án lựa chọn phù hợp. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý về tín dụng cũng cần tăng cường giám sát, minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng. Các công ty tài chính cần công khai quy trình ký kết hợp đồng và quá trình xử lý các khiếu nại. Để không phạm sai lầm Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh những mặt hạn chế, thị trường cho vay tiêu dùng phát triển mạnh góp phần không nhỏ vào việc hạn chế “tín dụng đen”, kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, khi có nhu cầu vay tiền, người tiêu dùng cần lựa chọn các công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay có uy tín. Đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng, đặc biệt lưu ý các điều khoản về lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt để không phạm phải những sai lầm đáng tiếc. |