Tấm rào chắn với thương mại tự do Việt Nam - EU dần được dỡ bỏ

Tấm rào chắn với thương mại tự do Việt Nam - EU dần được dỡ bỏ ảnh 1
Việt Nam đã ký FTA với nhiều nước song không phải FTA nào cũng mang lại lợi ích mong muốn cho Việt Nam (Ảnh minh họa).
Trong hơn 2 năm trở lại đây, vấn đề thực hiện đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) luôn là một vấn đề “nóng”, được các bên nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Những cản trở đối với một FTA vẫn quanh quẩn với những “ván cờ” lợi ích, bởi rõ ràng, trong rất nhiều FTA mà Việt Nam đã ký kết không phải không có những trường hợp gây bất lợi cho phía Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây, các tính toán và những nghi ngại đã phần nào được “gỡ nút” và các cơ hội trở nên rõ ràng hơn. Theo đó, mới đây, Cao ủy Thương mại châu Âu Karel De Gucht và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã kết thúc những công việc chuẩn bị để bắt đầu các vòng đàm phán cho một hiệp định thương mại tự do song phương. Gặp gỡ bên lề của Hội nghị Kinh tế ASEAN – EU lần thứ 11, Cao ủy Karel De Gucht và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã kết thúc văn bản xác định phạm vi đàm phán trong tương lai. Việc kết thúc công việc chuẩn bị này được đánh giá là một bước tiến quan trọng tiến tới việc khởi động các vòng đàm phán thương mại với Việt Nam bởi sự kiện này đặt ra khuôn khổ cho các vòng đàm phán. Phía EU khẳng định, “Trong việc thúc đẩy mối quan hệ thương mại từ hai phía, chúng tôi sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho các nhà nhập khẩu, các nhà xuất khẩu và những người tiêu dùng cũng như đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng ở cả hai nền kinh tế.” Các vòng đàm phán sắp tới dự kiến sẽ bao gồm một lọat các nội dung rộng lớn bao gồm xóa bỏ các thuế nhập khẩu, thương mại dịch vụ, hàng rào phi thuế quan đối với thương mại (như các hàng rào kỹ thuật hoặc các quy định về đồ thực phẩm) và các quy tắc thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ và cạnh tranh. Mục đích của công việc chuẩn bị là để đảm bảo rằng cả hai bên bắt đầu các vòng đàm phán với các mục tiêu chung. EU đã tiến hành công việc chuẩn bị tương tự, được biết tới như là “văn bản xác định phạm vi đàm phán” với các nước khác. Văn bản này đã chứng minh được sự hữu ích cho các vòng đàm phán tiếp theo như là những thông số cơ bản được đưa ra từ đầu. Ủy ban châu Âu sẽ tham vấn với các nước thành viên trước khi EU và Việt nam khởi động đàm phán. Như vậy, Việt Nam sẽ là đối tác thứ ba của EU trong khối ASEAN, sau Singapore và Malaysia, bắt đầu các vòng đàm phán cho một hiệp định thương mại tự do. Khối các nước ASEAN đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU bên ngoài châu Âu với thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương hàng năm vào khoảng 175 triệu Euro. Sau khi việc đàm phán FTA giữa EU và nhóm các nước ASEAN bị trì hoãn, vào tháng 12/2009 các nước thành viên EU đã bật đèn xanh cho Ủy ban châu Âu tiến hành các vòng đàm phán hướng tới các hiệp định tự do thương mại với từng nước ASEAN, bắt đầu là với Singapore vào tháng 3/2010, tiếp theo là Malaysia vào tháng 10/2010. Đồng thời, EU vẫn hướng tới mục tiêu cuối cùng là đạt được một hiệp định trong khuôn khổ khu vực. Vào năm 2011, thương mại hàng hóa giữa EU và Việt Nam đạt hơn 18 tỷ Euro với gần 13 tỷ Euro xuất khẩu từ Việt Nam sang EU, mang lại 7,6 tỷ Euro thặng dư thương mại cho Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm giầy da, dệt may, cà phê, thủy sản, đồ nội thất da trong khi EU xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm công nghệ cao như máy móc, thiết bị điện, máy  bay, ô tô, xe máy, dược phẩm, sắt và thép. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 5 của EU trong khối ASEAN (và thứ 35 trong tổng thương mại của EU). Ngược lại, EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ). Đầu tư của EU chiếm 12% tổng FDI cam kết cho Việt Nam năm 2011. Đến 2012, hai bên mới bắt đầu ký tắt Hiệp định Hợp tác và Đối tác năm 2012.
Theo Bích Diệp ( Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm