4 nước muốn thay đổi trật tự kinh tế thế giới

4 nước muốn thay đổi trật tự kinh tế thế giới ảnh 1
Tổng thống Nga, Tổng thống Brazil, Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Ấn Độ chụp ảnh trong hội nghị thượng đỉnh BRIC tại thủ đô Brasilia của Brazil vào ngày 15/4. Ảnh: AP.

Các nhà kinh tế học gọi đó là các nước BRIC - gồm các nền kinh tế phát triển nhanh nhất và có tiềm năng trở thành lớn nhất thế giới.

Người nghĩ ra từ “BRIC” là nhà kinh tế học hàng đầu của Goldman Sachs – Jim O’Neil. Năm 2001, ông đã nhận định rằng: “Trong 10 năm tới, đóng góp của các nước BRIC, đặc biệt là Trung Quốc, vào GDP của thế giới sẽ tăng, dẫn đến việc các diễn đàn quyết định chính sách của thế giới sẽ được tổ chức lại để phù hợp với lợi ích của các nước BRIC”.

Kể từ đó, khối kinh tế này bắt đầu gia tăng tầm quan trọng của họ và đỉnh điểm là hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào năm ngoái tại Nga. Bốn cường quốc đã họp bàn về việc làm thế nào để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới một cách tốt nhất.

Tối 15/4, hội nghị thượng đỉnh BRIC bế mạc tại thủ đô Brasilia (Brazil). Đây là hội nghị lần thứ hai của bốn nước BRIC trong vòng chưa đầy một năm.

Địa điểm của hội nghị lần thứ nhất bị nhiều người chỉ trích, vì họ cho rằng nền kinh tế của Nga không đủ mạnh để tham gia vào nhóm này. Một số người khác thì nghi ngờ liệu các nước BRIC có một chương trình nghị sự chung hay không.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Dimitry Medvedev đã lên tiếng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự liên kết này: “Trong những năm gần đây, các nước BRIC đóng góp hơn 50% vào tốc độ tăng trưởng GDP thế giới, hơn nữa GDP của 4 nước cũng chiếm gần 15% GDP toàn cầu”.

Ông còn nói thêm: “Bằng việc củng cố nền tảng kinh tế của một thế giới đa cực, một cách khách quan, nhóm BRIC đang giúp tạo ra các điều kiện nhằm tăng cường an ninh thế giới”. Vì vậy, cho dù ý định ban đầu là thành lập một khối kinh tế, nhưng nhiều người nghĩ rằng Nga đang cố biến nhóm BRIC thành một đồng minh chính trị.

Mới đây người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, ông Andrei Nesterenko, gọi nhóm BRIC là “một trụ cột vững chắc trong việc hình thành trật tự thế giới đa cực, công bằng và dân chủ”.

Ông Arkady Dvorkovich, cố vấn kinh tế hàng đầu của tổng thống Nga, phát biểu rằng ông muốn những hội nghị như thế trở thành một sự kiện thường xuyên.

Hy vọng được nhen nhóm

Sức mạnh của nền kinh tế Nga phụ thuộc chủ yếu vào các loại hàng hóa như dầu, và do vậy nó chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm ngoái, GDP của Nga giảm 8%, trong khi các nước BRIC khác vẫn tiếp tục tăng.

Một vài chuyên gia cho rằng Nga là “kẻ ngoại đạo trong nhóm BRIC” và nói rằng sự phát triển kinh tế của Nga “đã khựng lại một cách đột ngột”.

Tuy nhiên, ông O’Neil vẫn giữ nguyên quan điểm xếp Nga vào nhóm các nền kinh tế mới nổi. Ông nói với tờ Financial Times rằng, mặc dù Nga làm mọi người thất vọng, nhưng nước này xứng đáng đứng trong nhóm BRIC nếu nền kinh tế của họ tăng trưởng mạnh vào năm 2010 và 2011.

Trong khi GDP của Nga được dự báo tăng 3,1% trong năm nay thì Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại cho rằng nền kinh tế nước này sẽ tăng khoảng 3,6% năm 2010, con số dành cho Trung Quốc là 10%, Ấn Độ là 7,7% và Brazil là 4,7%.

Nếu những dự đoán trên chính xác thì nền kinh tế của Nga sẽ có thể sẽ nhanh chóng trở lại vị thế thời tiền khủng hoảng và đánh bại tốc độ tăng trưởng của các nước phát triển khác, bất chấp việc nước này hứng chịu tình trạng sụt giảm nghiêm trọng vào năm ngoái.

Hơn nữa, đây có thể sẽ là cơ hội cho Matxcơva bịt miệng những kẻ luôn nói rằng Nga đang sử dụng BRIC làm bệ đỡ để xúc tiến và đẩy mạnh chương trình nghị sự của riêng họ trong cuộc họp thượng đỉnh lần thứ nhất của BRIC, trong khi nước này không xứng đáng có một vị trí trong đó.

Xung đột lợi ích

Mặc dù trong nhiều năm qua, bốn nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc thường được đề cập đến như một nhóm, nhưng nhiều chuyên gia nói rằng chương trình nghị sự của những nước này không giống nhau. Nga và Brazil hưởng lợi từ việc giá các loại hàng hóa tăng, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ thì không. Một quan chức cấp cao của Nga cho biết, Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong số 23 quốc gia đang hạn chế các công ty Nga tham gia thị trường hai nước này một cách tự do. Cách đây vài ngày Trung Quốc cũng đã áp thuế lên mặt hàng thép điện nhập khẩu của Nga và Mỹ, đồng thời kết tội hai nước này bán phá giá.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega cũng cho rằng các nhà sản xuất nước ông đã phải chịu thiệt hại do các chính sách tiền tệ của Bắc Kinh gây ra, dù Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của họ.

Tuy nhiên, những khác biệt đó không có nghĩa là khối này sẽ bị xóa sổ.

Ông Vladimir Portyakov, phó giám đốc Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Học viện khoa học Nga cho biết, nhóm BRIC đã cố gắng tìm ra “những yếu tố tạo nên vị thế chung”. Đầu tiên, họ đồng ý rằng các nền kinh tế mới nổi nên tăng cường vai trò của mình trong các định chế tài chính thế giới. Portyakov cũng nói với BBC rằng họ có ý định sử dụng đơn vị tiền tệ của các nước BRIC trong giao dịch với nhau và trong tương lai có thể biến chúng trở thành đồng tiền dự trữ của toàn thế giới.

Số phận của đồng USD

Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất của BRIC, các nước thảo luận về vị thế của đồng USD - một trong những đồng tiền giao dịch chính trên thế giới. Và chủ đề ấy đã được thảo luận lại trọng hội nghị lần thứ hai.

Cố vấn Tổng thống Nga, ông Arkady Dvorkovich, khẳng định lại rằng các nước thành viên BRIC sẽ thảo luận về khả năng sử dụng đơn vị tiền tệ riêng của IMF, gọi là Hóa đơn tiền gửi đặc biệt (SDRs) làm đồng tiền chung cho toàn thế giới.

“Tuy vậy, tôi không nghĩ chúng tôi có thể đưa ra được một quyết định cụ thể nào về vấn đề tiền tệ trong cuộc họp họp lần này”, ông thừa nhận.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Brazil, ông Roberto Jaguaribe, cũng nói rằng “Các thành viên của BRIC đều đồng ý là trong tương lai việc từ bỏ đồng USD trong giao dịch chung sẽ mang lại lợi thế cho họ. Tuy nhiên họ cũng ý thức được rằng sự gấp gáp trong việc này sẽ chỉ gây ra tổn thất mà thôi”.

Ông Evgeny Yasin, giám đốc nghiên cứu của trường Trung học Kinh tế ở Matxcơva, nói trên tờ Nezavisimaya Gazeta rằng các kế hoạch thảo luận về việc từ bỏ đồng USD tại hội nghị là một nỗ lực nhằm gây sức ép lên các cường quốc hàng đầu thế giới. Ông cũng chỉ ra rằng bất kì sự biến động nào của đồng USD cũng có khả năng gây thiệt hại cho Trung Quốc vì nó sẽ tác động lên các mặt hàng xuất khẩu của nước này.

Những nhận định của ông Jaguaribe cũng có vẻ như ủng hộ quan điểm đó. Ông nói: “Không một nước BRIC nào hứng thú với việc gây ra quá nhiều biến động, tất cả đều chuộng đồng USD và đều dựa vào nó”.

Vai trò của các nền kinh tế đang phát triển

Một chủ đề được nêu ra vào năm ngoái và tiếp tục được thảo luận vào năm nay là vai trò của các nước đang phát triển trong nền kinh tế thế giới.

“Chúng tôi kêu gọi một cuộc cải tổ sâu rộng đối với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhằm giúp các nước đang phát triển chủ động hơn trong việc tự định đoạt tương lai của mình”, hãng Xinhua dẫn lờiTổng thống Brazil Lula da Silva .

Ông Jim O'Neill nói với tờ The Times sau cuộc họp lần thứ nhất của BRIC: “Ngày nay, người ta cảm thấy bối rối khi nói rằng họ (các nước BRIC) không tham gia vào phiên bản mới của G7 hay G8. Dĩ nhiên, IMF và WB cũng cần phải thay đổi mạnh mẽ cơ cấu điều hành của họ để thích ứng với việc này”.

Các chuyên gia đều đồng ý rằng các nước BRIC hiện đang nói nhiều hơn làm. Nhưng nếu những dự báo về việc bốn quốc gia này sẽ vượt mặt sáu nền kinh tế lớn nhất phương Tây trong vòng hai đến ba thập kỉ tới là chính xác thì rất có thể họ sẽ biến những lời nói này thành hành động.

Ông Portyakov nhận định: “Tôi cho rằng tiềm năng hợp tác của các nước BRIC không nên bị thổi phồng quá mức và chúng ta cũng không nên trông đợi vào các kết quả nhanh chóng, nhưng chắc chắn là tiềm năng này vẫn đang tồn tại”.

Theo Hà Thu (VNE/ BBC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm