GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI:

Băn khoăn việc tòa hủy phán quyết trọng tài

Thu phí cao hơn để tránh câu giờ

Theo dự án này (cũng như quy định lâu nay), phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm. Tuy nhiên, một bên trong vụ tranh chấp vẫn có thể nộp đơn yêu cầu tòa án hủy phán quyết của trọng tài. Tòa án có thể thụ lý và xem xét (chỉ xem xét về hình thức mà không xem xét về nội dung vụ việc) để hủy hoặc không hủy phán quyết của trọng tài.

Luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM, cho biết bên thua thường lạm dụng quy định này để kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp. Nếu tòa án hủy phán quyết của trọng tài thì vụ việc sẽ được đưa về cho trọng tài giải quyết lại mà các bên không phải trả phí trọng tài lần nữa.

Ông Phan Gia Quí, Chánh tòa Tòa Kinh tế (TAND TP.HCM), cho biết hiện nay, mức phí cho một vụ yêu cầu hủy phán quyết của trọng tài chỉ có 500.000 đồng mà thôi. Sau khi nghe thông tin này, ông Trần Du Lịch, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng nên chăng thu phí đối với yêu cầu này theo phần trăm giá trị vụ tranh chấp nhằm ngăn chặn việc lợi dụng thủ tục này để “câu giờ” thi hành án.

So với Pháp lệnh Trọng tài thương mại hiện hành thì dự án này bỏ một trường hợp hủy quyết định trọng tài và được nhiều trọng tài viên ủng hộ. Cụ thể, theo pháp lệnh, tòa án có thể hủy quyết định của trọng tài nếu bên yêu cầu hủy chứng minh được rằng trọng tài viên đã không “vô tư, khách quan trong việc giải quyết vụ tranh chấp”.

Băn khoăn việc tòa hủy phán quyết trọng tài ảnh 1

Thật vậy, nhiều trọng tài viên cho biết có những vụ mà trọng tài chỉ liếc mắt một chút, giọng hơi to một chút, hỏi hơi nhiều một chút... là bên thua vin vào đó cho là trọng tài không vô tư. Thậm chí quy định này được một số người tận dụng tối đa nhằm gây khó khăn cho quá trình giải quyết tranh chấp. Ông Phạm Văn Chắt, trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết có lần ông nhận giải quyết một vụ tranh chấp mà luật sư của một bên tranh chấp là một cậu trẻ măng. Ông Chắt kể lại: “Cậu ấy bước vào phòng và cảnh cáo ngay rằng quý vị trọng tài mà hỏi chúng tôi nhiều quá là chúng tôi yêu cầu hủy quyết định trọng tài đấy nhé!”.

Cần thông báo cho thi hành án

Luật sư Trương Thị Hòa cũng cho biết hiện nay khi bên thắng trong vụ tranh chấp nộp đơn yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành phán quyết trọng tài thì thường bị cơ quan thi hành án yêu cầu nộp bản xác nhận của tòa án rằng tòa án không thụ lý vụ việc hủy phán quyết này. “Điều này đã gây cản trở cho bên thắng”. Do đó, luật sư Hòa góp ý rằng cần bổ sung quy định buộc bên nộp đơn yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài phải đồng thời có nghĩa vụ gửi thông báo cho cơ quan thi hành án biết. Như vậy, cơ quan thi hành án luôn có thông tin sẵn về việc một phán quyết của trọng tài có bị hủy hay không. Nhờ đó mà bên thắng kiện không mất công đi xin xác nhận nữa.

Dự thảo lần này cho phép chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn cũng có thể được chọn làm trọng tài viên tuy chuyên gia này không tốt nghiệp đại học. Một số trọng tài viên không ủng hộ quy định này. Ông Phạm Văn Chắt, cho biết chuyên gia đóng vai trò quan trọng. Ông đã từng giải quyết một vụ trong đó có liên quan đến việc đốt hạt điều mà các trọng tài viên thì không thể biết phải đốt bằng gì, cách đốt như thế nào, vì vậy mà phải trưng cầu ý kiến chuyên gia. Tuy nhiên, ông cho rằng trường hợp cần những chuyên gia này thì có thể trưng cầu ý kiến của họ chứ không nhất thiết đưa họ vào làm trọng tài viên.

Một số trọng tài viên khác thì cho rằng ngoài kiến thức chuyên môn chuyên ngành thì trọng tài viên phải có am hiểu về pháp luật thì mới có thể giải quyết tranh chấp đúng hình thức, nội dung. Hơn nữa, nếu không tốt nghiệp đại học thì khó mà khiến cho các bên tranh chấp tâm phục khẩu phục!

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm