Ngày 3-5, Bộ Công Thương cho biết tại cuộc họp với lãnh đạo bộ này về tình hình triển khai xăng sinh học E5 vừa diễn ra, ông Trần Minh Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), đề nghị nên sớm triển khai bán xăng sinh học E5RON95 và chỉ kinh doanh hai loại xăng sinh học toàn quốc là E5RON92 (xăng E5) và E5RON95. Ông Hà nhấn mạnh: “Nếu không cải thiện về chính sách, sản lượng xăng sinh học bán ra sẽ không được như kỳ vọng”.
Theo Bộ Công Thương, đề xuất trên của Phó Tổng Giám đốc Saigon Petro Trần Minh Hà đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại diện doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao và khẳng định sẽ tổng hợp để báo cáo lãnh đạo Chính phủ.
Điều này cũng đồng nghĩa nếu đề xuất trên được chấp thuận thì xăng A95, mặt hàng đang được tiêu thụ phổ biến trên thị trường, sẽ bị kết liễu.
Đừng ép người tiêu dùng
Ông Ngô Thành Nhân, chủ một đại lý xăng dầu ở Bình Chánh, TP.HCM, cho biết hiện nay tỉ lệ tiêu thụ xăng sinh học E5 đạt thấp, chỉ khoảng 20%, trong khi tỉ lệ tiêu thụ xăng A95 chiếm tới 80%. Vì vậy, việc đề xuất xóa hoàn toàn xăng A95 là rất khó, không khả thi. “Người tiêu dùng thích mua xăng A95 dù mặt hàng này đắt hơn xăng sinh học” - chủ đại lý này khẳng định.
Lượng xăng RON 95 bán ra trong hai tháng đầu năm chiếm tỉ trọng 58%, áp đảo so với xăng sinh học. Ảnh: HTD
Ở góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Quốc Hùng (Tân Bình, TP.HCM) kể trước đây có đổ xăng E5 nhưng xe chạy không bốc, giật cục… nên lại chuyển qua dùng xăng A95. Do đó, nếu tới đây xóa bỏ luôn xăng A95 thì ép người tiêu dùng quá mức. “Phải có vài loại xăng để chọn lựa. Cần phải đặt lợi ích và quyền lợi người tiêu dùng lên hàng đầu. Đồng thời hãy chứng minh, nghiên cứu nghiêm túc xăng sinh học có hại cho động cơ xe không. Khi đó mới được quyền bán chỉ xăng sinh học. Đừng chỉ vì lợi nhuận của một nhóm lợi ích nào đó mà ép người dùng chỉ được mua xăng sinh học. Hiện nay khi người dân còn đang đón nhận xăng sinh học bằng sự thờ ơ, thiếu tin tưởng mà lại bắt buộc sử dụng nó thì phản tác dụng và càng làm cho người dân xa lánh với sản phẩm này” - ông Hùng nêu quan điểm.
Tương tự, anh Nguyễn Tuấn (ở quận Tân Phú, TP.HCM) bày tỏ: “Tại sao không đặt câu hỏi vì sao người tiêu dùng không mặn mà với xăng sinh học E5? Giá chỉ một phần nhưng chất lượng và niềm tin mới là quan trọng”.
PGS-TS Huỳnh Quyền, nhà nghiên cứu nhiều năm về nhiên liệu sinh học thuộc Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng không nên vội vàng khai tử xăng A95. “Đề xuất của các nhà kinh doanh xăng dầu về việc khai tử xăng A95, thay vào đó chỉ bán xăng E5 và E5RON95 cần phải rất thận trọng. Nếu quyết định vội vàng sẽ đưa đến tính thiếu bền vững cho loại nhiên liệu này, đồng thời sẽ khiến người tiêu dùng nghĩ rằng đó là sự ép buộc, không có sự lựa chọn nào khác cho loại nhiên liệu mình muốn sử dụng”.
Hơn nữa, theo PGS-TS Huỳnh Quyền, việc đề xuất tiếp tục khai tử xăng A95 (sau khi đã loại bỏ xăng A92) và thay bằng E5RON95 đáng lẽ ra phải xuất phát từ sự thành công của xăng sinh học E5 chứ không phải từ sự chưa thành công của loại xăng này.
“Trước khi khai tử A95 cần phải có sự đồng tình, ủng hộ của người dùng. Đặc biệt, nó phải được dựa trên khảo sát phương tiện giao thông đang lưu hành tại Việt Nam và cần phải có ý kiến của các nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu xăng tại Việt Nam” - PGS-TS Huỳnh Quyền nhấn mạnh.
Trước hết phải tạo được niềm tin
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), ông Trần Ngọc Năm, thừa nhận những khó khăn trong quá trình triển khai kinh doanh xăng E5. Tỉ trọng bán xăng E5 chưa đạt mức kỳ vọng. Nguyên nhân do người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng sử dụng xăng E5 bởi dư luận trong xã hội còn có nhiều ý kiến trái chiều.
“Bên cạnh đó, độ chênh giá giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng A95 chưa đủ lớn để hấp dẫn người dùng. Việc triển khai của nhiều thương nhân đầu mối chưa thực sự quyết liệt” - ông Trần Ngọc Năm nói.
Bàn thêm về việc người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng sử dụng xăng E5, ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc PV Oil, cho rằng muốn hiểu đúng về xăng E5 cần có kiến thức, cần tuyên truyền, định hướng dư luận một cách đúng đắn. Ông Dương cũng đề xuất khoảng cách chênh lệch về giá giữa xăng sinh học E5 và A95 là 1.800-2.000 đồng thì sẽ tạo được sự hấp dẫn đối với xăng E5 nhiều hơn nữa.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận sau thời gian triển khai, dù sản lượng xăng sinh học E5 được tiêu thụ đã có bước tăng trưởng đáng kể nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Từ đó Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp phải nghiêm túc, kiên trì triển khai và tiếp tục có những biện pháp tích cực hơn, quyết liệt hơn nhằm đẩy mạnh, tăng thị phần kinh doanh xăng sinh học.
Liên quan đến nguồn cung E100 để phối trộn xăng E5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu Công ty TNHH Tùng Lâm và một số nhà máy sản xuất etanol khác phải giảm tối đa, hợp lý chi phí đầu vào. Qua đó tạo ra sản phẩm E100 cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, góp phần tạo ra sản phẩm xăng sinh học có sức cạnh tranh, hấp dẫn người tiêu dùng. Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng ghi nhận những kiến nghị của các doanh nghiệp xoay quanh vấn đề về thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với xăng sinh học hiện nay còn bất cập.
“Giá sắn tăng không phải do độc quyền” Theo Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex, giá sắn trong nước đang tăng cao làm tăng giá thành nguyên liệu đầu vào để sản xuất cồn E100 khiến mức giá bán E100 gần đây tăng lên. Điều này khiến chi phí phối trộn xăng sinh học E5 cũng bị tăng lên, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đây cũng là vấn đề lo ngại lớn của các thương nhân đầu mối xăng dầu. Hiện nay chỉ có nhà cung cấp cồn E100 là Công ty TNHH Tùng Lâm. Nói về vấn đề này, ông Vũ Kiên Chỉnh, Tổng Giám đốc công ty, giải thích: Trong 10 tháng qua, giá sắn đã tăng thêm 2.000 đồng/kg, từ mức 3.600 đồng lên 5.600 đồng. Ông Vũ Kiên Chỉnh khẳng định việc tăng giá E100 là bắt buộc, không phải vì lý do công ty độc quyền. Xăng A95 áp đảo xăng sinh học Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong hai tháng đầu năm, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa đạt khoảng 1.429.905 m3. Trong đó xăng E5 đạt khoảng 593.609 m3, chiếm tỉ trọng khoảng 42%; xăng A95 đạt khoảng 836.296 m3, chiếm tỉ trọng khoảng 58%. |