TP.HCM: Nguy cơ quá tải ôtô cá nhân

Nếu giữ tốc độ phái triển như vậy, mỗi năm thành phố sẽ có thêm khoảng 50.000 xe ôtô.

Lỗi đâu chỉ riêng xe buýt

Lâu nay cứ kẹt đường vì ôtô là người ta “đổ” cho ông xe buýt; nào là xe buýt giành đường, lấn tuyến, vượt ẩu, dàn hàng ngang; nào là xe buýt lớn chạy trên đường nhỏ là bất hợp lý, nên hạn chế… Có lẽ vì đây là đối tượng “đổ tội” thì có người chịu trách nhiệm.

Thực tế, các loại ôtô khác như taxi, xe con, xe tải… cũng không hề kém trong khoản lấn tuyến, vượt ẩu, dàn hàng ngang… Về diện tích chiếm đường của mỗi đơn vị phương tiện thì không khác gì xe buýt. Mà lượng xe này lại lớn gấp trăm lần xe buýt.

Toàn TP chỉ có gần 3.300 xe buýt. Trong khi đó, các loại ôtô khác có hơn 330.000 chiếc. Như vậy, chiếm đường nhiều, gây ùn tắc giao thông chủ yếu phải là xe ôtô nói chung chứ không riêng gì xe buýt.

Trong một hội thảo về sự phát triển của giao thông công cộng, TS Khuất Việt Hùng cho rằng: “Hiện TPHCM là đô thị phụ thuộc xe máy, nhưng tác nhân gây ra ùn tắc giao thông kéo dài kế tiếp sẽ là ôtô cá nhân”.

Tại TPHCM, lớp thị dân trung lưu ngày càng nhiều, số người có điều kiện để sở hữu ôtô riêng ngày càng đông. Tỷ lệ số ôtô bình quân đăng ký mỗi ngày tại TPHCM tăng hàng năm: trước 2007- 100 chiếc/ngày, 2007-120 chiếc/ngày, đầu 2008-150 chiếc/ngày. Trong khi đó, xe máy gần như đã bão hòa.

Theo Sở Giao thông Công chính TPHCM: để đảm bảo lưu thông, một môtô cần 8-10m2 đường, còn một ôtô cần 30m2 đường. Như vậy, tuy số ôtô chỉ bằng 1/10 số môtô (340 ngàn/3,4 triệu) nhưng diện tích chiếm đường của nó gần bằng 1/2 số môtô.

Ngoài ra, tại các điểm ùn tắc thì các xe chen chúc nhau, diện tích chiếm đường của một ôtô nhỏ nhất cũng bằng 6 môtô. Nhưng mỗi ôtô con chở nhiều nhất cũng chỉ 3 người, đa số chỉ chở 1 người. Như vậy, ôtô phục vụ lưu thông ít lại chiếm đường nhiều.

Tăng đường cho ôtô hay hạn chế phương tiện?

Hiện nay, đường phố tại TPHCM phân theo kiểu: đường 2 chiều có 2 làn thì ôtô và môtô dùng chung, 4 làn thì 2 làn cho ôtô, 6 làn thì 4 làn dành cho ôtô. Diện tích đường dành cho ôtô cao hơn cho môtô (không kể các tuyến hẻm ôtô không vào được).

Ngày 10/4/2008, đại diện Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết: Khu đang kiến nghị thu hẹp diện tích dành cho môtô để tăng thêm một làn xe ô tô trên 10 tuyến đường tại trung tâm TP có bề rộng từ 8 đến 10m để giải quyết kẹt xe. Nếu thực hiện, phần đường dành cho xe gắn máy và xe thô sơ chỉ còn vỏn vẹn 2m.

Như vậy, ôtô đang có xu hướng chiếm dần phần đường của môtô. Thế nhưng, vấn đề của TPHCM là thiếu đường, không chỉ đường dành cho ôtô thiếu mà xe máy cũng thiếu. Tăng đường cho ôtô giải quyết được gì?

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng: nên hạn chế xe cá nhân bằng nhiều biện pháp, thu phí sử dụng là giải pháp tốt nhất. Ông Nguyễn Thế Trung - Chánh văn phòng Sở GTCC, cho biết: “Phải thu phí xe cá nhân để làm đường, vừa góp phần hạn chế nó. Đường xá, cầu cống chúng ta làm bằng vốn vay mãi thì sau này con cháu chúng ta phải è cổ ra trả”.

Năm qua, TPHCM cũng đã đề xuất biện pháp này, nhưng gặp phản ứng gay gắt. Bởi nó đụng đến đại bộ phận người thu nhập thấp, chủ nhân của gần 20 triệu xe gắn máy trên cả nước, hầu hết là xe Trung Quốc giá dưới 10 triệu/chiếc. Theo ông Trung thì nên đánh thuế sử dụng mạnh vào các loại xe đắt tiền, đặc biệt là xe ôtô con.

Như thế, chúng ta sẽ có thêm nguồn thu để bảo dưỡng, mở rộng đường xá, góp phần hạn chế sự gia tăng xe cá nhân trong điều kiện đường phố chúng ta còn hạn hẹp, kinh phí ít chưa thể mở rộng hệ thống giao thông.

Theo Dân Trí

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm