Cầm dao chặn xe xin tiền giữa đêm, tội gì?

Ngày 7-3, TAND tỉnh An Giang đã hoãn xử phúc thẩm vụ Hồ Văn Mạnh cùng tám đồng phạm bị truy tố về tội cướp tài sản vì kiểm sát viên giữ quyền công tố bị bệnh đột xuất. Tòa thông báo sẽ mở lại phiên xử vào ngày 6-4.

Cầm dao chặn xe giữa đêm “xin tiền”

Theo cáo trạng, chiều 28-10-2015, Mạnh cùng năm thanh niên uống cà phê tại một quán ở thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn). Tại đây, Mạnh rủ cả nhóm đi chặn xe kiếm tiền xài.

Đến 22 giờ cùng ngày, cả nhóm mang theo dao tự chế rồi đi về hướng Bình Thành nhưng không chặn được xe nào nên quay về cầu kênh F trên đoạn đường tỉnh lộ 943 thuộc xã Đình Thành (Thoại Sơn). Gặp ông PVDE chạy xe máy chở bạn đi từ hướng Long Xuyên vào thị trấn Núi Sập, một người trong nhóm Mạnh cầm dao tự chế ra chặn, Mạnh và một người khác đi xung quanh. Nghe ông E. nói “Nhầm rồi, mấy bồ ơi!” và thấy ông E. cùng bạn ăn mặc như dân đi lao động về, có vẻ không có tiền nên nhóm Mạnh thả cho đi.

Sau đó, nhóm Mạnh di chuyển tiếp khoảng 700 m để chờ chặn xe thì gặp lực lượng công an đi tuần. Thấy nghi ngờ, công an mời nhóm Mạnh về trụ sở làm việc và tất cả đều khai nhận hành vi.

Qua điều tra, công an xác định tối 18-10-2015, Mạnh và năm thanh niên khác cũng rủ nhau mang dao tự chế đi chặn xe kiếm tiền. Khoảng 22 giờ, cả nhóm đến cầu kênh F chờ xe chặn. Gặp ông NTP chạy xe máy một mình, một người trong nhóm cầm dao bước ra chặn rồi để dao lên đầu xe kêu ông P. đưa tiền. Mạnh và một người khác đứng sát hông xe. Sợ hãi, ông P. lấy 1,8 triệu đồng cùng sáu tờ vé số đưa cho Mạnh. Sau đó Mạnh chia cho mỗi người 300.000 đồng và một tờ vé số.

Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm ngày 15-12-2017. Ảnh: CTV

VKS nói cướp, tòa bảo cưỡng đoạt

VKSND huyện Thoại Sơn truy tố chín người trong nhóm Mạnh về tội cướp tài sản trong vụ chặn xe lấy tiền tối 18-10-2015.

Tại phiên xử sơ thẩm của TAND huyện tháng 12-2017, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo phạm tội cướp tài sản và phạt các bị cáo từ ba năm tù đến tám năm sáu tháng tù theo khoản 2 Điều 133 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Trong khi đó, có bốn luật sư bào chữa đề nghị tòa chuyển tội danh cho các bị cáo sang tội cưỡng đoạt tài sản.

Theo HĐXX, trong vụ chặn xe lấy tiền tối 18-10-2015, tuy các bị cáo có sử dụng hung khí nhưng khoảng cách giữa người cầm dao tự chế đưa ngang ra đe dọa đến nơi bị hại P. dừng xe lên đến khoảng 3-4 m. Ngoài lời nói của một số bị cáo như “Lấy tiền ra”, “Có nhiêu tiền móc ra”, “Sao vé số không à?”, “Sao không kêu ổng móc bóp ra?” thì các bị cáo không có hành vi nào khác thể hiện sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc đối với ông P.

Tại phiên tòa, ông P. khai lúc đó ông cũng sợ nhưng vẫn bình tĩnh không móc hết tiền trong túi ra. Ông móc trong túi áo trên lần đầu sáu tờ vé số, sau đó móc túi áo lần sau lấy 1,8 triệu đồng đưa cho Mạnh và còn bình tĩnh nói “Thôi anh đi công chuyện, còn nhiêu tiền nè mấy đứa lấy uống cà phê đi”. Ngay sau đó các bị cáo cho ông đi mà không có một hành vi nào khác. Điều này cho thấy hành vi đe dọa của các bị cáo không thể hiện sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc đối với ông P. và chưa đến mức làm tê liệt ý chí của ông P. Ông P. hoàn toàn bình tĩnh và có thời gian để lựa chọn.

Từ đó, HĐXX cho rằng hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 135 BLHS 1999 và phạt Mạnh ba năm tù, một bị cáo một năm tù treo, trả tự do ngay tại tòa cho bảy bị cáo còn lại do mức án tù bằng thời gian tạm giam.

VKS huyện kháng nghị

Sau đó, VKSND huyện Thoại Sơn đã kháng nghị một phần bản án về trách nhiệm hình sự và áp dụng BLHS đối với các bị cáo, đề nghị TAND tỉnh An Giang xử phúc thẩm theo hướng kết án các bị cáo phạm tội cướp tài sản và tăng hình phạt đối với tám bị cáo.

Theo VKS huyện, trong vụ án, Mạnh đã rủ rê, lôi kéo tám đồng phạm cùng phạm tội. Khi thực hiện tội phạm, các bị cáo tích cực tham gia, mang theo dao tự chế là loại hung khí, phương tiện nguy hiểm, sử dụng đe dọa trực tiếp khi chặn đường người điều khiển xe máy để chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo chọn thời điểm phạm tội lúc đêm khuya, đường vắng, lợi dụng số đông về tương quan lực lượng để áp đảo, thực hiện hành vi quyết liệt đến cùng…

Do đó, bản án sơ thẩm kết án chín bị cáo về tội cưỡng đoạt tài sản là chưa đúng diễn biến vụ án. Mặt khác, hình phạt đối với 8/9 bị cáo là nhẹ, thiếu tính thuyết phục, giáo dục, răn đe, phòng ngừa, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về phiên xử phúc thẩm.

Phân biệt hai tội danh

Theo Điều 133 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi phạm tội cướp tài sản. Còn theo Điều 135 thì người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản.

Theo ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao), người phạm tội đều có thể có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực trong hai tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, đối với tội cướp tài sản thì hành vi đe dọa dùng vũ lực có tính chất quyết liệt hơn, nếu bị hại không đưa tài sản thì lập tức người phạm tội dùng vũ lực ngay. Trong khi đó ở tội cưỡng đoạt tài sản, nếu bị hại không đưa tài sản thì bị cáo không dùng ngay vũ lực, chỉ dọa chứ không có ý định dùng vũ lực.

Trong cả hai tội, người phạm tội đều có thể dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần bị hại nhưng đối với tội cướp tài sản, người phạm tội chỉ có hành vi chứ không có thủ đoạn khác. Hành vi khác của người phạm tội cướp phải làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự. Đối với tội cưỡng đoạt tài sản, nếu người phạm tội có dùng thủ đoạn khác cũng chỉ nhằm uy hiếp tinh thần nạn nhân chứ không làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm