Chiêu đối phó của ủy ban khi bị kiện

Theo bà Trần Thị Mát (ngụ huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu), năm 2008 Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Đất Đỏ và chủ đầu tư là một công ty xây dựng dự án sân golf đã đến khu đất của gia đình bà kiểm kê đất. Đến tháng 1-2010, UBND huyện Đất Đỏ đã ban hành quyết định thu hồi hơn 16.000 m2 đất của gia đình bà.

Cứ bị kiện là thu hồi quyết định

Cũng theo bà Mát, trong biên bản kiểm kê đất năm 2008 thì chỉ có tên một mình bà nhưng sau đó bà lại thấy trong biên bản này có tên ông Nguyễn Văn Trang và ghi chú là “đất đang có tranh chấp”.

Sau khi ra quyết định thu hồi, UBND huyện Đất Đỏ ra quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho hộ bà Mát và ông Trang (gọi tắt là QĐ số 1). Do đất đang có tranh chấp nên số tiền đền bù được huyện gửi vào ngân hàng đứng tên bà Mát.

Bà Mát khiếu nại quyết định QĐ số 1, cho rằng việc ông Trang được nhận tiền là sai vì toàn bộ diện tích đất bị thu hồi là của gia đình bà. Sau đó, UBND huyện Đất Đỏ giải quyết khiếu nại, xác định việc bồi thường cho cả bà Mát lẫn ông Trang đều sai nên ra quyết định bác khiếu nại, hủy bỏ QĐ số 1 (gọi tắt là QĐ số 2).


Mảnh đất bị UBND huyện Đất Đỏ thu hồi của bà Mát. Ảnh: TT

Năm 2011, bà Mát khởi kiện QĐ số 2 của UBND huyện Đất Đỏ. Trong quá trình TAND huyện đang giải quyết, tháng 9-2011, UBND huyện Đất Đỏ lại ra quyết định mới có nội dung hủy bỏ QĐ số 1 với lý do hủy theo QĐ số 2 (gọi tắt là QĐ số 3). Tòa huyện đình chỉ giải quyết vụ kiện của bà Mát vì khi QĐ số 1 bị hủy bỏ thì QĐ số 2 (về giải quyết khiếu nại sau QĐ số 1) cũng không còn giá trị, tức đối tượng khởi kiện không còn.

Tháng 7-2013, UBND huyện Đất Đỏ lại ra quyết định thu hồi, hủy bỏ QĐ số 3 với lý do việc giải quyết khiếu nại chưa đúng trình tự, thủ tục (gọi tắt là QĐ số 4). Cuối năm 2013, UBND huyện Đất Đỏ tiếp tục ra quyết định thu hồi QĐ số 1 với lý do diện tích đất thu hồi là đất của Nhà nước nên việc bồi thường cho bà Mát và ông Trang là sai (gọi tắt là QĐ số 5).

Cuối năm 2013, bà Mát khởi kiện QĐ số 5 và được TAND huyện Đất Đỏ thụ lý, giải quyết. Khi tòa chuẩn bị đưa vụ kiện ra xét xử thì ngày 5-5 vừa qua, UBND huyện này lại ra quyết định thu hồi, hủy bỏ QĐ số 5 với lý do việc ban hành QĐ số 5 có sai sót về thẩm quyền (gọi tắt là QĐ số 6). Một lần nữa, tòa huyện lại phải đình chỉ giải quyết vụ kiện vì đối tượng khởi kiện đã không còn.

Làm sao để hạn chế?

Việc mỗi khi bị kiện, phía ủy ban lại thu hồi, hủy bỏ quyết định để tòa phải đình chỉ giải quyết vụ án, sau đó mới ban hành quyết định khác với nội dung y như cũ là không hiếm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia nhận xét đây là một dạng mà cơ quan công quyền lách luật để làm khó, “hành” người khởi kiện, khiến người khởi kiện mệt mỏi, chán nản rồi bỏ cuộc không kiện tụng nữa. Nó cũng giống chuyện sau khi bị tòa xử thua kiện, buộc ủy ban phải hủy bỏ quyết định hành chính bị kiện, một số ủy ban chấp hành nhưng sau đó lại ban hành quyết định mới với nội dung y chang quyết định bị kiện, bị hủy ban đầu. Lúc này người dân lại phải khởi kiện một vụ án hành chính mới.

Điều đáng nói là cách hành xử mang tính chất đối phó dân như thế càng khiến người dân thêm mất lòng tin vào cơ quan công quyền. Vậy phải làm sao để ngăn chặn hoặc hạn chế tình trạng này?

Một số ý kiến cho rằng nên sửa đổi Luật Tố tụng hành chính theo hướng sau khi tòa đã thụ lý thì phía bị kiện không có quyền thu hồi quyết định hành chính bị kiện nữa mà phải để tòa giải quyết, phân xử. Mặt khác, trong trường hợp tòa hủy quyết định hành chính vì có nội dung trái pháp luật (không phải vì có sai sót về hình thức như trình tự, thủ tục) và bản án có hiệu lực pháp luật thì phía bị kiện không được ban hành quyết định mới với nội dung trái pháp luật đó nữa. Nếu phía bị kiện có ban hành quyết định mới thì phải áp dụng đúng pháp luật để tránh lặp lại sai sót mà tòa đã kết luận trong bản án.

TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) lại cho rằng không nên quy định theo các hướng trên bởi nó can thiệp quá sâu vào quyền của các chủ thể tham gia tố tụng hành chính. Hơn nữa, án hành chính luôn đề cao và ghi nhận sự tự nguyện của các cơ quan nhà nước trong việc sửa sai (nếu có) đối với quyết định hành chính của mình. Xét về bản chất, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước vẫn là phục vụ nhân dân chứ không phải tìm mọi cách kéo dài, đối phó với dân. Thực tế thì có nhiều trường hợp việc rút quyết định của cơ quan nhà nước có lợi cho người dân nếu như nó xuất phát từ thiện chí sửa sai và vì quyền lợi của người dân.

“Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan nhà nước thiếu thiện chí thì công lý cũng phải có điểm dừng chứ không thể cứ để họ chơi trò trốn tìm mãi với người dân được” - TS Tiến nói. Từ đó ông đề xuất nên quy định cơ quan nhà nước cấp trên phải can thiệp vào việc xử lý của cơ quan cấp dưới trực thuộc. Chẳng hạn khi gặp trường hợp tương tự, cơ quan nhà nước cấp trên phải trực tiếp giải quyết khiếu nại của người dân và có ý kiến trên cơ sở rà soát, kiểm tra nội dung quyết định bị kiện của cơ quan cấp dưới. Sau đó, cơ quan cấp trên này phải có ý kiến kết luận về việc cơ quan cấp dưới ban hành quyết định đó là đúng hay sai cả về trình tự, thủ tục lẫn nội dung.

Tòa không nên đình chỉ ngay

Cách tốt nhất có thể áp dụng ngay để ngăn ngừa, giải quyết dứt điểm tình trạng trên là dựa vào vai trò của thẩm phán. Thẩm phán phải có bản lĩnh và dứt khoát khi giải quyết vụ kiện.

Cụ thể, sau khi thụ lý vụ án mà người bị kiện cho biết sẽ rút quyết định hành chính vì lý do nào đó thì thẩm phán không nên vội đình chỉ vụ án ngay. Thay vào đó, thẩm phán phải trao đổi, yêu cầu, ấn định cho người bị kiện một thời gian nhất định để khắc phục bằng cách ban hành quyết định mới. Sau khi người bị kiện ban hành quyết định mới và người khởi kiện đồng ý với quyết định này thì tòa mới đình chỉ vụ án. Trong trường hợp người khởi kiện không đồng ý với quyết định mới thì tòa sẽ thụ lý luôn yêu cầu khởi kiện quyết định mới và xem xét tính hợp pháp của cả hai quyết định cũ và mới. Lúc này quá trình tố tụng sẽ được diễn tiến liên tục mà không bị gián đoạn. Như vậy, trước sau vẫn chỉ có một vụ kiện và tòa có thể xem xét nhiều quyết định trong trường hợp người bị kiện không sửa sai hoặc dùng cách này cách khác để kéo dài vụ kiện.

Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm