Ngày 15-1, phiên xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và các đồng phạm cố ý làm trái quy định gây thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục phần xét hỏi. HĐXX tập trung vào việc làm rõ số tiền 4.500 tỉ đồng dùng tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này đi về đâu.
Không thể thu hồi, không rõ ở đâu?
Tại tòa, đại diện VNCB cho biết không thể trả lời liền về vấn đề này mà phải xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và sẽ trả lời chậm nhất vào chiều 16-1.
Còn điều tra viên tại tòa xác định trong quá trình điều tra giai đoạn 1, 2 đại án này, CQĐT đã truy nguồn tiền 4.500 tỉ đồng. Kết quả là số tiền trên sau khi không được góp vào tăng vốn điều lệ do NHNN không chấp thuận đã hòa chung dòng tiền Ngân hàng VNCB và các bị cáo Danh, Mai... đã dùng cho nhiều việc khi điều hành ngân hàng.
Khi luật sư hỏi có thu hồi được số tiền trên, giảm thiệt hại cho các bị cáo không thì điều tra viên cho biết chỉ khắc phục được khi thu hồi được dòng tiền này. Nhưng theo kết quả điều tra, đúng là có việc tiền của cổ đông góp tăng vốn nhưng thời điểm đó các cổ đông không có tiền. Nhóm bị cáo Danh đã huy động tiền vay để góp tiền vào tăng vốn điều lệ (việc mua ngân hàng bà Hứa Thị Phấn cũng vậy). Tiền này là huy động thị trường 1.
Trước đó, luật sư hỏi bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) là có phải như đại diện VNCB nói số tiền vay BIDV chuyển qua các ngân hàng khác cuối cùng về tài khoản VNCB đã hòa vào dòng tiền chung để tiêu hết.
Bị cáo Mai không đồng ý và xin giải thích. Theo Mai, trước khi bị khởi tố và bắt giam thì số tiền này bị cáo dùng để gửi trên liên ngân hàng tức thị trường 2 lấy lãi. Tiền dùng chung là hòa chung để tính chi phí của ngân hàng và chủ yếu là tiền huy động từ thị trường 1.
Bị cáo Phan Thành Mai, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng VNCB. Ảnh: QUỐC VŨ
Luật sư hỏi đại diện VNCB: “4.500 tỉ nằm ở đâu mà các vị không trả lời được?”. Cụ thể, luật sư nói sau khi không tăng được vốn từ 3.000 tỉ lên 7.500 tỉ, số tiền 4.500 tỉ không được coi là vốn điều lệ, cũng không trả lại 22 người góp vốn. VNCB cho rằng số tiền đó tồn tại trước khi mua lại 0 đồng, sau khi mua 0 đồng thì không quan tâm nữa đúng không?
Đại diện VNCB đáp: “Đó là quan điểm luật sư chứ không phải quan điểm của VNCB”.
Luật sư truy tiếp: Vậy 4.500 tỉ đã gửi vào ngân hàng nhưng chưa trả lại cho 22 người góp vốn. Ngân hàng Xây dựng hạch toán khoản tiền đó theo cơ chế nào? Nghe xong, đại diện VNCB cho là sẽ xin ý kiến NHNN. Trước đó, đại diện này cũng cho biết tại thời điểm NHNN mua VNCB có xác định là vốn điều lệ âm. Nhưng khoản 4.500 tỉ đồng không hạch toán vào nợ phải trả.
HĐXX nhắc nhở phía đại diện Ngân hàng VNCB cần xin ý kiến NHNN để làm rõ khoản tiền này vì tòa cần biết cụ thể ra sao.
Vay 1.700 tỉ để làm gì?
Tại tòa, HĐXX cũng làm rõ khoản vay tín dụng 1.700 tỉ đồng mà Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cho 11 công ty con của Danh vay để làm gì.
Theo hồ sơ, 11 công ty đã chuyển toàn bộ tiền này cho Tập đoàn Thiên Thanh. Ông Danh rút ra trả nợ bà Hứa Thị Phấn (mua Ngân hàng TrustBank), trả nợ cũ cho Tập đoàn Thiên Thanh, chi chăm sóc khách hàng... Số tiền này không có khả năng thu hồi, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỉ đồng. Đoàn giám định NHNN đã kết luận về sai phạm trong quá trình thẩm định, xét duyệt, ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố bảo lãnh và kiểm tra sau cho vay.
TPBank có hai cán bộ hầu tòa là bị cáo Đinh Việt Cường (nguyên giám đốc khối doanh nghiệp TPBank), Đặng Thị Bích Thủy (nguyên giám đốc Trung tâm Kinh doanh hội sở TPBank). Tại tòa, đại diện Ngân hàng TPBank mong HĐXX trong quá trình xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các cán bộ này. Lý do là hoàn cảnh hai bị cáo rất khó khăn, các bị cáo này không được hưởng lợi gì…
Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) thừa nhận thực hiện chỉ đạo của ông Danh khi đã ký các hợp đồng tiền gửi với TPBank. Ông Mai khai biết rõ việc làm này là sai cả chủ trương đến nghiệp vụ vì bản chất là cấp tín dụng vòng từ VNCB sang Tập đoàn Thiên Thanh. Nhưng sau khi TPBank giải ngân, bị cáo Mai không rõ ông Danh sử dụng số tiền này chi cho ai.
Còn về việc vay tiền, Mai khai do có quan hệ trước với Nguyễn Việt Hà (tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt) nên khi Mai đặt vấn đề vay tiền cho VNCB, ông Hà kết nối Mai với Đinh Việt Cường (nguyên giám đốc khối doanh nghiệp TPBank).
Được TPBank đồng ý cho vay, ông Mai giao cho cấp dưới triển khai soạn thảo hồ sơ, hợp đồng và xúc tiến vay tiền. Ông Danh dùng 1.700 tỉ đồng của VNCB gửi tại TPBank bảo lãnh cho 11 công ty vay của TPBank rồi mua trái phiếu không có thật, sau đó giúp ông Danh rút tiền sử dụng cá nhân.
Hôm nay (16-1), tòa tiếp tục phần xét hỏi.
Ông Danh luôn nói trí nhớ kém Khi HĐXX hỏi về số tiền 4.500 tỉ đồng, bị cáo Phạm Công Danh luôn nói “điệp khúc”: Xin phép không trả lời câu hỏi vì đã lâu, trí nhớ kém. Tuy nhiên, bị cáo này khẳng định: “Quan điểm của tôi là việc tăng vốn thì tôi đã bỏ vào, tất cả cổ đông không ai bỏ vào. Tiền tăng vốn là sai nhưng các cổ đông đã ký để bỏ tiền vào đấy. VNCB có nhận số tiền 4.500 tỉ đồng từ nhóm cổ đông nhằm tăng vốn điều lệ”. Trong khi đại diện Ngân hàng VNCB từ chối trả lời câu hỏi là có trả lại cho ông Danh số tiền này cùng với lãi phát sinh để bị cáo này khắc phục hậu quả hay không. Theo VNCB, việc liên quan đến số tiền 4.500 tỉ đồng thì nên hỏi cơ quan chủ quản là NHNN mới có câu trả lời chuẩn xác được. |