Doanh nghiệp kêu cứu vì ‘lệnh cấm vận’ lạ

Ngày 13-4, trình bày với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Tùng (Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Bắc, tọa lạc xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) bức xúc: “Chỉ từ một lá đơn tố cáo của đối tác, chúng tôi bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an “cấm vận” gần như mọi hoạt động. Chúng tôi rất bức xúc và vừa gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến bộ trưởng Bộ Công an cùng một số cơ quan chức năng ở trung ương”.

Yêu cầu ngăn chặn chuyển dịch tài sản

Theo hồ sơ ông Tùng cung cấp, trước đây ông và bà NTB hợp tác làm dự án khu đô thị mới Bạch Đằng tại xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau). Đến cuối năm 2017, hai bên phát sinh mâu thuẫn. Ông Tùng cho rằng bà B. đã chuyển toàn bộ dự án cho mình, trong khi bà B. nói không phải vậy.

Đầu năm 2018, bà B. làm đơn tố cáo ông Tùng đến Công an tỉnh Cà Mau với nội dung ông Tùng làm giả hồ sơ giấy tờ để chiếm đoạt tài sản của bà. Tháng 2-2018, Công an tỉnh Cà Mau có công văn trả lời đơn tố cáo của bà B., nội dung là qua xác minh không thấy dấu hiệu ông Tùng vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, đầu tháng 4, ông Tùng bất ngờ khi các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau từ chối thực hiện các giao dịch chuyển nhượng nhà đất của Công ty Nam Bắc tại dự án khu đô thị mới Bạch Đằng. Lý do là Cơ quan CSĐT Bộ Công an có công văn yêu cầu không giải quyết mọi thủ tục liên quan đến việc sang nhượng, tặng cho, thế chấp tài sản từ dự án này.

Ông Tùng tìm hiểu thì được biết trước đó, ngày 23-3-2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C45-P8) có Công văn số 872 gửi Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đai TP Cà Mau. Theo đó, C45-P8 đang tiến hành giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố của bà NTB. “Từ đó, để phục vụ công tác xác minh, giải quyết đơn, làm rõ vụ việc, đảm bảo tài sản hợp pháp của tổ chức công dân và phòng ngừa tội phạm, C45 yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai TP Cà Mau không làm thủ tục tặng cho, thế chấp khi chưa có ý kiến bằng văn bản của C45, đối với các tài sản sau: Toàn bộ lô đất thuộc dự án khu đô thị mới Bạch Đằng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau. Và hai lô đất thuộc thửa số 62 và thửa số 1037” - công văn nêu rõ.

Các lô nhà của Công ty Nam Bắc đã bán, đang chờ có giấy đỏ mới được trả đủ tiền. Ảnh: T.VŨ

“Tôi sẽ kêu cứu, phản biện tới cùng”

Ông Tùng bức xúc nói: “Quá vô lý, quá oan ức cho tôi. Làm gì có chuyện chỉ một lá đơn tố cáo, chưa được xác minh làm rõ, chưa khởi tố vụ án mà C45-P8 đã cấm vận gần như mọi hoạt động của công ty chúng tôi tại dự án khu đô thị mới Bạch Đằng. vụ việc của tôi là quan hệ kinh tế nên không thể có chuyện chưa khởi tố vụ án mà công an đã dùng các biện pháp ngăn chặn như vậy. Tôi sẽ kêu cứu, phản biện tới cùng”.

Theo ông Tùng, từ khi bị C45-P8 ngăn chặn việc làm thủ tục chuyển nhượng nhà đất, công ty của ông gần như hoàn toàn tê liệt, trong khi nợ đến hạn gồm nợ thuế sử dụng đất và nợ ngân hàng hàng chục tỉ đồng. “Mọi nguồn doanh thu của chúng tôi bị triệt tiêu. Khách hàng đã ký hợp đồng mua nhà, đất không làm được thủ tục giấy tờ nên không những không trả tiền mà còn làm khó chúng tôi. Khách hàng mới đặt hàng mua nhà, đất nhưng với tình trạng này thì chúng tôi không thể bán được lô nào nữa. Nếu không sớm được bộ trưởng Bộ Công an và các cơ quan trung ương xem xét, giải quyết thì chúng tôi sẽ phá sản trong nay mai” - ông Tùng bức xúc.

Luật quy định sao?

Ở đây, chúng tôi không bàn về tranh chấp giữa ông Tùng và bà B. Vấn đề pháp lý đáng chú ý trong vụ việc này là theo quy định hiện hành, cơ quan công an có quyền yêu cầu ngăn chặn việc chuyển dịch tài sản để phục vụ cho công tác xác minh, giải quyết đơn tố giác hành vi lừa đảo hay không.

Theo TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM), Điều 128 BLTTHS 2015 quy định biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Như vậy, luật chỉ cho phép CQĐT được kê biên tài sản, đảm bảo tài sản không bị tẩu tán khi có đủ căn cứ xác định đó là tội phạm bằng việc ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Điều này nhằm hạn chế thiệt hại cho bị can, bị cáo nếu việc kê biên không có căn cứ.

“Không có điều luật nào trong BLTTHS 2015 cho phép cơ quan công an được ra văn bản yêu cầu tạm ngưng thực hiện thủ tục chuyển dịch tài sản trong giai đoạn tiền tố tụng. Do đó, việc C45-P8 có công văn yêu cầu Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Cà Mau không làm thủ tục tặng cho, thế chấp đối với các tài sản của Công ty Nam Bắc khi vụ việc đang nằm trong giai đoạn tiền tố tụng, chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can là không đúng” - TS Tuấn khẳng định.

Đồng tình, luật sư Trịnh Văn Hiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam) cũng phân tích: Điều 128 BLTTHS 2015 đã xác định rất rõ cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được kê biên tài sản đối với bị can, bị cáo. Mà bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự (Điều 60 BLTTHS 2015), bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị tòa án quyết định đưa ra xét xử (Điều 61 BLTTHS 2015). Để xác định là bị can thì trước đó CQĐT phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can. “Vì vậy, việc C45-P8 yêu cầu ngăn chặn chuyển dịch tài sản trong khi chưa khởi tố vụ án là trái luật” - luật sư Hiệp nhấn mạnh.

Chúng tôi sẽ liên hệ Cơ quan CSĐT Bộ Công an để tìm hiểu căn cứ pháp lý của việc yêu cầu ngăn chặn chuyển dịch tài sản nói trên và thông tin tới bạn đọc.

Có quyền tạm hoãn xuất cảnh

BLTTHS 2015 đã bổ sung một biện pháp ngăn chặn mới trong giai đoạn tiền tố tụng là biện pháp tạm hoãn xuất cảnh (Điều 124). Đối tượng áp dụng của biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh rộng hơn biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản (Điều 128). Bởi lẽ nó không chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo như biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản mà áp dụng với cả người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố (mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ).

Điều này phù hợp với tình hình thực tế nhằm tránh những trường hợp sau khi thực hiện hành vi phạm tội, trong quá trình cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ, nghi can lợi dụng việc xuất cảnh để trốn ra nước ngoài, gây cản trở cho việc điều tra.

Do đó, trong trường hợp giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố ở giai đoạn tiền tố tụng, CQĐT có quyền tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, CQĐT không có quyền yêu cầu ngăn chặn chuyển dịch tài sản liên quan đến người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố vì luật không có quy định.

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm