Hà Văn Thắm: ‘Trustbank và Trung Dung đã lừa Oceanbank’

Theo cáo buộc của VKS, Hà Văn Thắm đã cho Công ty Trung Dung vay 500 tỉ đồng, trong khi tài sản bảo đảm tại thời điểm giải ngân chỉ có giá trị hơn… 70 tỉ đồng.
"Danh là khách hàng tốt nhất của Oceanbank"
HĐXX đã yêu cầu cách ly cựu TGĐ Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu và phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Hoàn.
Hà Văn Thắm khai năm 2003, bị cáo mua 62,9% cổ phần (2.500 tỉ đồng) của  Ngân hàng Thương mại Cổ phần nông thôn Hải Hưng, đến năm 2004 được bầu làm chủ tịch của ngân hàng này. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước chấp nhận chuyển đổi mô hình hoạt động của ngân hàng này từ ngân hàng nông thôn sang ngân hàng thành thị, được tăng vốn điều lệ. Năm 2008, Oceanbank gặp khó khăn về thanh khoản nhưng ngân hàng vẫn vượt qua được.
“Bị cáo xác định cần có đối tác mạnh nên đã tiếp xúc mời Tập đoàn Dầu khí quốc gia làm cổ đông chiến lược. Tập đoàn Dầu khí quốc gia góp 800 tỉ đồng, tương đương 20% cổ phần” - Thắm cho biết.
Năm 2012, Thắm thừa nhận có tiếp xúc, đàm phán với bà Hứa Thị Phấn, có ký bản thỏa thuận (theo lời Thắm chỉ là “thỏa thuận dân sự, không mang tính pháp lý”) về việc mua lại Ngân hàng Đại Tín - Trustbank. “Bị cáo ghi rõ nếu như việc mua bán được thực hiện phải có sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước nhưng bị cáo đã từ chối do phát hiện có nhiều khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi” - Thắm khai tại tòa. Thắm cũng khai tại tòa đã chuyển cho bà Thắm số tiền tương đương 80% cổ phần Trustbank (hơn 5 tỉ đồng), sau đó bà Thắm đã chuyển trả lại. Thắm khai số tiền này là tiền cá nhân của bị cáo, nếu mua Trustbank, bị cáo còn có nghĩa vụ trả các khoản nợ của ngân hàng này, tương đương khoảng 3.500 tỉ đồng.
Trong mối quan hệ với Phạm Công Danh, Thắm khai biết Danh khoảng năm 2010- 2011. Danh là bạn của cựu TGĐ Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn. Sơn đưa Danh đến vay khoảng 1.500 tỉ đồng để đầu thầu dự án sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng). “Sau đó, Danh vay nhiều lần, hàng ngàn tỉ đồng nhưng đều tất toán đầy đủ, đúng hạn. Danh là một trong những khách hàng tốt nhất của Oceanbank” - Thắm nói.

Hà Văn Thắm tại tòa. Ảnh: Đ.MINH
Hà Văn Thắm tại tòa. Ảnh: Đ.MINH

“Trustbank và Trung Dung đã lừa Oceanbank”
. “Bị cáo xác định cho Phạm Công Danh hay cho Công ty Trung Dung vay 500 tỉ đồng?” - HĐXX hỏi.
+ Oceanbank cho Trung Dung vay nhưng bị cáo biết Danh sở hữu Trung Dung - Thắm đáp.
Thắm cho biết Oceanbank có thể cho Trung Dung vay bởi: Dù 250 tỉ đồng vốn điều lệ không có cơ sở xác định là có thật hay không nhưng bị cáo không đánh giá dựa trên số tiền góp vốn mà đánh giá giá trị thương mại của công ty đó.
“Đây là thông lệ trên thế giới và Việt Nam. Hoàn toàn có thể dựa theo nguồn thu của DN để định giá DN đó” - Thắm nói. Ngoài ra, tài sản thế chấp tài sản khác còn có cổ phiếu và các bất động sản của Công ty Địa ốc và Xây dựng SSG. Thắm cho biết tổng số tài sản thế chấp được Oceanbank định giá khoảng 750 tỉ đồng, hoàn toàn phù hợp với khoản vay.
Tại tòa, Thắm khẳng định mục đích của khoản vay này thể hiện trong hồ sơ là để đầu tư vào sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng). Thắm đánh giá đây là dự án tốt, trước đây Phạm Công Danh đã vay Oceanbank để đầu tư cho dự án này. “Bị cáo yêu cầu phải sử dụng đúng mục đích này mới cho vay” - Thắm cho biết.
Cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank cũng khai, do còn “lăn tăn” về tài sản bảo đảm nên đã yêu cầu Trung Dung phong tỏa tài khoản ở Oceanbank, bao giờ có chứng từ gốc mới giải ngân. Tuy nhiên, lúc đó Trustbank đang có khó khăn nên Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ về mặt thanh khoản, bị cáo đồng ý cho Trung Dung được phong tỏa tài khoản tại Trustbank.
“Trách nhiệm của Trustbank là phải phong tỏa số 500 tỉ đồng này, chỉ được giải ngân khi có đủ các điều kiện là có chứng từ gốc, có sự đồng ý của Oceanbank. Khoảng sau đó một năm, bị cáo yêu cầu anh em kiểm tra tài khoản đó, Trustbank cung cấp số tài khoản vẫn còn 500 tỉ đồng, dù cáo trạng thể hiện số tiền đó đã được giải ngân cách đó một năm rồi. Như vậy rõ ràng Trustbank và Trung Dung đã lừa Oceanbank để lấy số tiền đó. Nếu bị cáo thỏa thuận với ông Danh thì bị cáo đã không làm việc đó. Bị cáo nắm cổ phần lớn ở Oceanbank, không có lý do gì bị cáo đi giúp khách hàng chiếm đoạt tài sản của Oceanbank” - Thắm khai.
“Như bị cáo trình bày thì ông Phạm Công Danh và Trustbank đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của bị cáo?” - chủ tọa hỏi. “Đúng thế” - Thắm khẳng định một lần nữa.
“Đây là lỗi của Đại Tín (Trustbank) đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Trung Dung không sử dụng đúng mục đích. Mong HĐXX xem xét nguyên nhân thực tế. Lỗi của bị cáo và anh Hoàn (cựu Phó TGĐ Oceanbank) không phải là lỗi dẫn đến Oceanbank không thu được nợ” - Thắm khẳng định tại tòa.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm