Ngày 16-3, TAND tỉnh Bình Dương xử sơ thẩm vụ Trần Quốc Luật (giám đốc Công ty TNHH MTV Trần Quốc Luật) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó tòa từng ba lần trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vì bị cáo kêu oan nhưng VKS tỉnh vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.
Bị hại nói... không tố cáo
Tại phiên tòa này, bị hại Nguyễn Công Hữu nói mình không quen biết Luật. Luật tự giới thiệu là có lô đất 15.000 m2 tại huyện Tân Uyên do người nhà Luật đang đứng tên giùm, nay Luật muốn bán lại phân nửa lô đất với giá 2,85 tỉ đồng. Do ông Hữu đang ở Hà Nội nên nhờ ông Trần Văn Nứa đi coi đất và kiểm tra giấy tờ đất. Ông Nứa báo lại là đất mua được nên ngày 5-9-2011 ông Hữu đưa cho ông Nứa 1,1 tỉ đồng để thanh toán cho Luật. Phần còn lại ông Hữu nhờ người chuyển vào tài khoản công ty của Luật. Tiếp đó, ông Hữu nhận đất và đầu tư gần 500 triệu đồng để san lấp mặt bằng, xây tường rào, trồng cây...
Tòa chất vấn vì sao tại CQĐT, ông Hữu khai trước đây có vài lần mua đất của Luật, giờ lại nói không quen biết. Ông Hữu giải thích rằng trước đó nữa thì không quen, qua người khác giới thiệu thì mới quen và mua của Luật nhiều lô đất. Tổng cộng ông đã giao cho Luật hơn 16 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Tuy nhiên, hiện ông chỉ yêu cầu Luật trả lại 2,85 tỉ đồng cho lô đất này.
Theo ông Hữu, đợi mãi không thấy Luật làm thủ tục sang tên, ông tìm hiểu thì được biết lô đất là của vợ chồng bà Phan Thị Nguyệt, không phải của Luật. Giữa tháng 6-2013, ông Hữu làm đơn tố cáo Luật đến CQĐT.
Bị cáo Trần Quốc Luật tại phiên xử ngày 16-3. Ảnh: T.VÂN
Tại tòa, ông Hữu nói mong muốn nhận lại 2,85 tỉ đồng cùng chi phí đầu tư trên đất chứ không yêu cầu xử lý hình sự Luật. Chủ tọa thắc mắc: “Nếu chỉ đòi lại tiền, tại sao từ đầu không khởi kiện dân sự mà lại làm đơn tố giác?”. Ông Hữu trả lời là vì không biết hành vi của Luật như vậy là có tội hay không.
Đại diện VKS đọc lại đơn tố cáo của ông Hữu thể hiện nội dung có yêu cầu xử lý hình sự Luật về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Hữu lý giải do trong lúc bực tức viết ra như vậy chứ mục đích của ông chỉ muốn lấy lại tiền. “Còn bị cáo có tội hay không là chuyện của CQĐT, tòa…, tôi làm sao có quyền”. HĐXX giải thích theo quy định của pháp luật, công dân có quyền tố giác tội phạm, yêu cầu xử lý hình sự người phạm tội. Ông Hữu vẫn khăng khăng “tôi chỉ muốn lấy lại tiền thôi” nên HĐXX tiếp tục làm việc.
Nhân chứng: Có chuyện giả cách
Tại phiên tòa, HĐXX tập trung xét hỏi nhằm làm rõ bản chất lô đất nói trên thuộc quyền sử dụng của ai.
Luật luôn khai vay tiền của bà Nguyệt và bảo đảm bằng cách để bà Nguyệt đứng tên đất. Trong khi đó, vợ chồng bà Nguyệt được tòa triệu tập nhiều lần nhưng vắng mặt. Lời khai của họ tại CQĐT thì cho rằng lô đất trên Luật đã bán lại cho họ và hai bên không có quan hệ vay mượn.
Một người tự xin làm chứng Đọc bài viết về vụ án trên Pháp Luật TP.HCM, một người đã tự tìm đến tòa xin làm nhân chứng. Tại phiên xử, người này khai chính mình cũng vay tiền của bà Nguyệt bằng hình thức tương tự Luật. Tài sản của người này đã bị bà Nguyệt bán hết nhưng hiện không cách nào tìm được bà Nguyệt ở đâu. |
Tại phiên tòa, Luật trình bày việc vay mượn tiền hai bên có trao đổi qua email. Sau khi Luật bị bắt, người nhà Luật có in nội dung trao đổi từ email để nộp cho CQĐT. Điều lạ là ngay sau hôm đó email của Luật không mở được. Tòa nhiều lần trả hồ sơ đề nghị CQĐT làm rõ chi tiết này nhưng đến nay CQĐT vẫn chưa cho kỹ thuật kiểm tra.
Cạnh đó, trước khi bị bắt, Luật có tìm bà Nguyệt trao đổi nội dung thể hiện việc Luật vay tiền, bảo đảm khoản vay bằng cách để bà Nguyệt đứng tên đất và có ghi âm lại bằng điện thoại di động. Khi Luật bị bắt, chiếc điện thoại này bị CQĐT thu giữ. Luật có đề nghị trích xuất điện thoại để làm chứng cứ nhưng không được CQĐT chấp thuận.
Luật cũng cho rằng ông Nứa là người biết rõ sự việc. Do ông Nứa không được CQĐT cũng như tòa triệu tập nên sau khi được tại ngoại, Luật đã liên lạc với ông Nứa. Ông Nứa đang ở nước ngoài và hứa sẽ thu xếp về Việt Nam để làm chứng cho Luật.
Cạnh đó, Luật nói nhờ được tại ngoại mà Luật tập hợp được nhiều tài liệu chứng minh mình còn có đến 17 tài sản và năm giấy đỏ thế chấp cho bà Nguyệt vay tiền. “Bà Nguyệt tranh thủ trong thời gian tôi bị tạm giam để bán hết khối tài sản này của tôi. Lô đất đang tranh chấp cũng đã được chuyển nhượng sang tên cho ông Hữu. Ông Hữu đã bán lại cho người khác với giá hơn 7 tỉ đồng” - Luật khai.
Đáng chú ý, người đại diện theo ủy quyền của công ty do chồng bà Nguyệt làm giám đốc khai có biết chuyện bà Nguyệt cho Luật vay tiền nhiều lần và đảm bảo cho các khoản vay bằng việc đứng tên tài sản. Cạnh đó, nhiều nhân chứng như người môi giới cho Luật mua lô đất từ chủ cũ, người đi cùng Luật giao dịch mua đất, vay tiền của bà Nguyệt cũng có mặt làm chứng về lời khai của Luật.
Ngày 19-3, tòa sẽ tiếp tục làm việc.
Kêu oan bị hình sự hóa Từ đơn tố cáo của ông Nguyễn Công Hữu, tháng 6-2014, Luật bị khởi tố, bị bắt tạm giam, truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo VKSND tỉnh Bình Dương, khi giao dịch chuyển nhượng 1/2 lô đất diện tích hơn 15.000 m2 (tại huyện Tân Uyên) với ông Hữu, Luật nói lô đất là của Luật, nhờ vợ chồng bà Nguyệt đứng tên giùm và Luật sẽ làm thủ tục sang tên cho ông Hữu. Tuy nhiên, Luật không cho ông Hữu biết việc vợ chồng bà Nguyệt ủy quyền cho Luật toàn quyền định đoạt, tìm người bán lại mảnh đất. Sau khi nhận tiền, Luật tiêu xài hết và không sang tên đất cho ông Hữu. Tại các phiên tòa, Luật kêu oan rằng lô đất do Luật mua trước đó từ người khác với giá 4,1 tỉ đồng. Do không đủ tiền mua đất, Luật vay của bà Nguyệt 2 tỉ đồng. Để đảm bảo khoản vay này, bà Nguyệt yêu cầu đứng tên trên hợp đồng chuyển nhượng có công chứng và đứng tên trên giấy đỏ. Thỏa thuận này không lập thành văn bản nhưng hai bên có trao đổi qua email. Bà Nguyệt cũng làm giấy ủy quyền cho Luật toàn quyền định đoạt, tìm người bán lại lô đất này nhằm có tiền trả cho bà. Luật đã nhiều lần thương lượng việc trả nợ với bà Nguyệt nhưng chưa thành, do đó việc sang tên một nửa lô đất cho ông Hữu mới bị chậm trễ... |