Ngày 11-1 tới, TAND tỉnh Bình Dương sẽ mở phiên xử sơ thẩm (lần ba) vụ Trần Quốc Luật (giám đốc Công ty TNHH MTV Trần Quốc Luật, trụ sở ở huyện Thuận An) bị VKSND tỉnh này truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, TAND tỉnh Bình Dương từng hai lần mở phiên xử sơ thẩm nhưng đều trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì Luật kêu oan, các căn cứ kết tội bị cáo cũng chưa rõ.
Lừa bán đất để chiếm đoạt 2,85 tỉ?
Theo hồ sơ, từ đơn tố cáo của ông NVH rằng Luật đã lừa bán đất của người khác cho ông để chiếm đoạt 2,85 tỉ đồng, tháng 6-2014, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố, bắt tạm giam Luật để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 10-2015, VKSND tỉnh có cáo trạng truy tố Luật về tội này theo khoản 4 Điều 139 BLHS (khung hình phạt từ 12 năm tù đến 20 năm tù hoặc tù chung thân).
VKS nhận định khi tiến hành giao dịch chuyển nhượng 1/2 mảnh đất diện tích hơn 15.000 m2 (tọa lạc tại huyện Tân Uyên, Bình Dương) với ông H., Luật nói với ông H. rằng mảnh đất này là của bị cáo, có nhờ vợ chồng bà PTN đứng tên giùm và Luật sẽ làm thủ tục chuyển nhượng lại cho ông H. Tuy nhiên, Luật không cho ông H. biết việc vợ chồng bà N. đã viết giấy ủy quyền cho Luật toàn quyền định đoạt, tìm người để bán lại mảnh đất này. Sau khi nhận được tiền, Luật đã tiêu xài hết và không tiến hành sang tên đất cho ông H.
Từ đó, VKS kết luận là Luật có hành vi đưa ra thông tin không đúng sự thật và có thủ đoạn gian dối trong việc thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng 1/2 mảnh đất cho ông H. để chiếm đoạt 2,85 tỉ đồng. Hành vi phạm tội của Luật đã hoàn thành từ khi Luật nhận được tiền của ông H. và không thực hiện việc sang tên cho ông H.
Trần Quốc Luật, người kêu oan về tội lừa đảo. (Ảnh do gia đình bị cáo cung cấp)
Tòa hai lần trả hồ sơ
Trong tháng 4-2016 và tháng 7-2016, TAND tỉnh Bình Dương đã hai lần mở phiên xử sơ thẩm nhưng đều trả hồ sơ yêu cầu VKS điều tra bổ sung vì bị cáo kêu oan, nhiều tình tiết quan trọng trong vụ án chưa được làm rõ để chứng minh hành vi lừa đảo của bị cáo.
Cụ thể, tại các phiên tòa, bị cáo đều kêu oan rằng không lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông H. Bị cáo khai năm 2011 có hùn hạp làm ăn với ông H. và một người khác. Sau một thời gian, hai bên tính toán thì bị cáo còn nợ ông H. 2,85 tỉ đồng. Ông H. đồng ý nhận một nửa mảnh đất có diện tích hơn 15.000 m2 của bị cáo để cấn trừ nợ. Bị cáo đã bàn giao đất cho ông H. để quản lý, canh tác từ năm 2011.
Nguồn gốc của mảnh đất này là do bị cáo mua trước đó từ người khác với giá 4,1 tỉ đồng (có hợp đồng giấy tay ban đầu, có các chứng từ thanh toán tiền mua đất). Do không đủ tiền mua đất, bị cáo đã vay của bà N. 2 tỉ đồng. Để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của bị cáo, bà N. yêu cầu được đứng tên trên hợp đồng chuyển nhượng có công chứng và đứng tên trên giấy đỏ mảnh đất. Thỏa thuận này không lập thành văn bản nhưng hai bên có trao đổi qua hộp thư điện tử (email). Bà N. cũng làm giấy ủy quyền cho bị cáo toàn quyền định đoạt, tìm người để bán lại mảnh đất này nhằm có tiền trả cho bà. Bị cáo đã nhiều lần thương lượng việc trả nợ với bà N. nhưng chưa thành, vì vậy việc sang tên lại một nửa mảnh đất cho ông H. mới bị chậm trễ...
TAND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu VKS phải điều tra bổ sung một loạt vấn đề: Làm rõ người môi giới cho chủ đất cũ bán mảnh đất trên cho ai để xác định thời điểm bị cáo biết được mảnh đất đó, cũng như xác định giá chuyển nhượng của mảnh đất. Làm rõ nội dung trao đổi liên quan đến mảnh đất qua thư điện tử giữa bị cáo với bà N. để xác định bà N. có đứng tên giùm bị cáo hay không? Vì sao bị cáo lại có giấy đỏ của bà N.? Làm rõ ai là người làm các thủ tục trích lục bản đồ địa chính, nộp thuế thu nhập cá nhân, nộp lệ phí trước bạ? Ai là người nhận giấy đỏ? Xác định thời điểm hiện nay vợ chồng bà N., vợ chồng chủ đất cũ… đang ở đâu để làm rõ các vấn đề liên quan.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về kết quả phiên xử sơ thẩm ngày 11-1 tới.
“Gia đình tôi sẽ kêu oan tới cùng” Sau khi chồng tôi bị bắt tạm giam, tôi đã gửi đơn khiếu nại khắp nơi để kêu oan cho anh ấy. Khoản nợ 2,85 tỉ đồng của chồng tôi với ông H. là khoản nợ từ việc hùn hạp vốn làm ăn ban đầu, sau này tính toán lại thì hai người mới thỏa thuận dùng một nửa mảnh đất mà chồng tôi từng mua để cấn trừ. Việc chồng tôi mua mảnh đất trên từ trước đó và để cho bà N. đứng tên giùm là sự thật vì anh ấy có vay của bà N. 2 tỉ đồng nhằm trả tiền mua đất. Do chồng tôi chưa thương lượng được việc trả nợ với bà N. để chuyển quyền sử dụng đất lại cho chồng tôi nên việc sang tên cho ông H. mới bị chậm trễ. Sau khi chồng tôi bị bắt, ở ngoài vợ chồng bà N. đã bán toàn bộ mảnh đất trên cho người khác. Công ty của chồng tôi do không ai điều hành nên phải ngưng hoạt động. Tôi từ trước tới nay chỉ biết ở nhà lo nội trợ và chăm sóc ba con nhỏ (đứa lớn 16 tuổi, đứa út mới ba tuổi). Nay anh ấy bị bắt làm ba mẹ con tôi lao đao, hoảng loạn, cuộc sống bị đảo lộn hết. Để có tiền nuôi con, tôi phải đi làm thuê cho một người bạn. Dù khổ cỡ nào tôi cũng sẽ kêu oan tới cùng cho chồng tôi vì tôi tin rằng anh ấy đã bị hình sự hóa một quan hệ dân sự bình thường. Bà NGUYỄN THỊ TUYẾT LINH, vợ bị cáo Trần Quốc Luật |