Vì sao bà Chu Thị Bình không kiện Eximbank?

Sau khi làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vụ bị mất 245 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm vào sáng 6-3, bà Chu Thị Bình và luật sư đã có trao đổi với báo chí về vụ việc.

Eximbank giữ nguyên đề nghị hoàn trả tạm ứng cho bà Bình 14,8 tỉ đồng. Số tiền còn lại sẽ hoàn trả sau khi tòa án có phán quyết ngân hàng là bên bị thiệt hại. Như vậy, đã hai lần giữa bà Bình và Eximbank có buổi làm việc (lần trước là ngày 27-2) nhưng đến nay các bên vẫn chưa thống nhất với nhau về hướng giải quyết.

Đã rất kiên nhẫn với Eximbank

Bà Bình cho biết đã rất kiên nhẫn làm việc với Eximbank nhưng cho đến nay ngân hàng vẫn chưa giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho bà. Bà Bình nói: “245 tỉ đồng của bà gửi tại Eximbank là tiền gửi tiết kiệm bằng tiền thật, cập nhật vào sổ sách của ngân hàng. Bà không rút trước hạn và đến hạn mới rút với sổ tiết kiệm gốc bà đang giữ, nhưng được ngân hàng báo số tiền đã được rút và chối bỏ trách nhiệm”.

Bà Bình cũng đặt vấn đề: “Việc tiền từ ngân hàng bị ông Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM) rút trái phép và các nhân viên Ngân hàng Eximbank làm giả văn bản ủy quyền, ký giả người nhận ủy quyền, giả chứng từ, sai quy trình kiểm soát mà Eximbank không phát hiện ra là do lỗi của ngân hàng. Tại sao bắt người gửi tiền phải chịu?”.

Vì sao bà Chu Thị Bình không kiện Eximbank? ảnh 1
Bà Chu Thị Bình đang trao đổi với báo chí.

“Tiền của tôi gửi tại Eximbank có giấy tờ, tôi vẫn đang giữ sổ tiết kiệm bản gốc nhưng số tiền bị mất thì tại sao tôi phải chờ phán quyết của tòa mới được tất toán số tiền tôi đã gửi tiết kiệm tại ngân hàng? Hơn nữa, việc thỏa thuận trả 14,8 tỉ đồng ứng trước để giải quyết khó khăn của gia đình và yêu cầu tôi phải bảo mật thông tin là điều vô lý nên tôi không chấp nhận”- bà Bình nói.

Luật sư riêng của bà Bình - ông Phan Trung Hoài, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhấn mạnh việc Eximbank yêu cầu chờ phán quyết cuối cùng của tòa án rồi mới trả số tiền 245 tỉ đồng của bà Bình có thể sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong quan hệ tiền gửi giữa khách hàng và ngân hàng.

Tiếp lời, bà Bình nói việc ngân hàng thương lượng, tạm ứng số tiền nhỏ giọt làm xoa dịu bức xúc của tôi là không phù hợp, không dựa trên quy định pháp luật, trái với đạo đức kinh doanh, làm tổn hại đến chính sách huy động tiền gửi của dân vào hệ thống ngân hàng…

Bà Bình có kiện đòi tiền không?

Trả lời câu hỏi nếu Ngân hàng Eximbank vẫn cương quyết chờ phán quyết của tòa án rồi mới giải quyết, bà Bình có dự tính khởi kiện ra tòa hay không? 

Luật sư Hoài cho biết: Về mặt tố tụng, người cần chờ đợi phán quyết của tòa là ngân hàng. Vì ngân hàng là người bị thiệt hại trong vụ án hình sự chiếm đoạt tài sản. Và suốt thời gian qua, việc chúng tôi hết sức kiên nhẫn làm việc với phía ngân hàng, điều mong muốn là phía ngân hàng lắng nghe ý kiến từ nhiều phía để từ đó có quyết định xem xét giải quyết yêu cầu bà Bình. Theo ông, giải quyết sớm giảm bớt, giảm thiểu thiệt hại với bà Bình cũng như bớt đi những hệ lụy ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Ngân hàng Eximbank.

Trước đó, luật sư này cũng phân tích cần phải phân định rõ việc bà Bình gửi tiền vào ngân hàng là quan hệ giao dịch dân sự. Ngân hàng bị hại trong vụ lừa đảo, họ phải chờ phán quyết của tòa, sao chúng tôi phải chờ? Đây là hai việc độc lập. Bà Bình gửi tiền ở Eximbank, khi bà có yêu cầu ngân hàng phải có trách nhiệm thanh toán ngay gốc và lãi.

Vì sao bà Chu Thị Bình không kiện Eximbank? ảnh 2
Bà Bình và luật sư Phan Trung Hoài.

Còn bà Bình thì cho rằng việc phải khởi kiện là hết sức vô lý. Theo bà, nếu như vậy sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Khi ngân hàng rủi ro thì đổ hết cho khách hàng gánh chịu. Khách hàng gửi tiền vào ngân hàng một cách hợp pháp, đến lúc muốn lấy lại tiền ra lại phải đi kiện. Như thế sẽ rất mất lòng tin của người dân vào ngân hàng. Ai mà còn dám gửi tiền vào đây nữa?

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) - Bộ Công an đã có văn bản thông báo xác định: Eximbank Chi nhánh TP.HCM là bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM, sinh năm 1972, quê Bình Dương) lập chứng từ giả mạo liên quan đến các tài khoản tiết kiệm của bà, chiếm đoạt hơn 245 tỉ đồng của Eximbank Chi nhánh TP.HCM.

Cơ quan điều tra thông báo để ngân hàng biết thực hiện quyền và nghĩa vụ của Eximbank đối với khách hàng theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng thông báo cho bà Bình biết liên hệ với Eximbank Chi nhánh TP.HCM để yêu cầu giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của bà.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Hưng về tội lừa đảo. Tại thời điểm này, ông Hưng được cho là đã xuất cảnh ra nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm