Ngày 9-1, TAND TP.HCM bắt đầu vào phần xét hỏi vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 2), Trầm Bê và 44 đồng phạm.
Ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban Quản lý ủi ro Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, BIDV) được triệu tập với tư cách người liên quan và nhân chứng vẫn chưa xuất hiện.
VKS: Phải triệu tập bằng được
Trước đó chiều ngày đầu phiên xử 8-1, đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố yêu cầu HĐXX phải triệu tập được đến tòa ông Hà để phục vụ công tác xét hỏi, tranh luận tại tòa.
Ông Trần Bắc Hà. Ảnh: Internet
Dù trước đó chủ tọa cho biết những người liên quan và nhân chứng vắng tương đối nhiều xong xét họ đều có lời khai tại CQĐT trước đó nên thấy không ảnh hưởng đến việc xét xử.
Nhưng sau đó tòa đồng ý với đề nghị của VKS. Đến nay ông Hà vắng mặt và không cử người đại diện đến tòa.
Cáo trạng mà KSV đang công bố cho thấy một số cá nhân liên quan tại BIDV có một số sai phạm nhưng kết quả giám định thiệt hại của đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước xác định: "Thiệt hại không xảy ra tại BIDV nên các cá nhân liên quan tại BIDV không phạm tội Vi phạm quy định về cho vay...".
Kết quả điều tra cũng cho rằng những người có liên quan chưa đủ căn cứ để xác định vai trò đồng phạm với Phạm Công Danh. Vì vậy, ngày 26-10-2017, cơ quan điều tra đã có đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính đối với cán bộ liên quan tại BIDV. Trong đó có nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà, hai phó tổng giám đốc Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang...
Tuy nhiên trong cáo trạng vụ đại án này trước khi kết luận có nêu với các cá nhân này CQĐT đánh giá hành vi của họ không cấu thành tội phạm đề nghị cơ quan quản lý tiến hành xử lý hành chính hoặc kỷ luật. Nhưng để đảm bảo việc giải quyết vụ án được khách quan toàn diện, không oan sai, không bỏ lọt tội đề nghị HĐXX và đại diện VKS điều tra công khai tại toà để làm rõ hành vi vi phạm, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân nếu có căn cứ tiếp tục xử lý.
Ông Hà có liên quan gì?
Theo hồ sơ, trong vụ án này, Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo (đều là BIDV Chi nhánh Gia Định) đã bị truy tố cùng với Phạm Công Danh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ảnh: Báo Đất Việt
Đồng thời hồ sơ cũng thể hiện ông Phạm Công Danh đã lập các hồ sơ vay vốn khống 4.700 tỉ đồng để thực hiện đề án tăng vốn điều lệ VNCB từ 3.000 tỉ đồng lên 4.700 tỉ đồng. Danh trả các khoản vay cũ của Tập đoàn Thiên Thanh bằng cách gửi tiền sang BIDV để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do 12 công ty do Danh thành lập, đứng tên trên hồ sơ vay vốn ngân hàng gây thiệt hại cho VNCB số tiền 2.550 tỉ đồng.
Ông Hà đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban rủi ro trên cơ sở các thành viên Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư đánh dấu đồng ý vào phiếu lấy ý kiến về chủ trương cho 12 công ty vay vốn mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà, ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty vay mua vật liệu xây dựng với số tiền 4.700 tỉ đồng, giao thẩm quyền cho 4 chi nhánh: Gia Định, Bến Thành, Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn thực hiện cho vay và thu nợ theo quy trình của BIDV.
Đến nay CQĐT xác định ông Hà đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay vốn theo giới thiệu của VNCB chứ không cho Danh vay và không biết các công ty do Danh thành lập. BIDV đã thu đủ gốc, lãi các khoản vay từ chính khách hàng vay vốn, ngân hàng này không bị thiệt hại.
Tương tự đối với ông Đoàn Ánh Sáng, ông Trần Lục Lang cũng đã ký tờ trình phê duyệt cho 12 công ty vay vốn. Tuy nhiên, đến nay không đủ căn cứ xác định những người này có liên quan đến Danh nên không xử lý hình sự....
Hiện KSV vẫn đang công bố cáo trạng vụ án.
Tòa có quyền ra lệnh dẫn giải nhân chứng Về mặt pháp lý, một thẩm phán chuyên xử hình sự tại TP.HCM và một KSV cho biết nếu xác định ông Hà là người liên quan thì HĐXX có thể xem xét tình hình vụ án, sự cần thiết phải có mặt hay không để quyết định xét xử hay hoãn. Về chế tài, BLTTHS không có quy định nào về việc xử phạt hay dẫn giải đối với người liên quan nếu họ không đến tòa theo giấy triệu tập. Nhưng với tư cách người làm chứng thì nếu tòa triệu tập tham dự thì phải chấp hành. Nếu họ đã có lời khai của người làm chứng đầy đủ và có đơn đề nghị tòa xét xử vắng mặt người làm chứng thì tòa xem xét. Việc vắng mặt tại tòa phải đáp ứng hai điều kiện là có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của bạn không gây trở ngại cho việc xét xử. Việc vắng mặt tại tòa sẽ do tòa quyết định. Nếu Tòa đã triệu tập mà vắng mặt gây trở ngại cho việc xét xử thì họ phải đến. Nếu không thì sẽ bị dẫn giải theo quy định pháp luật. |