Vợ cựu bí thư xã đốt xác:Chuyển từ tử hình xuống 20 năm

Theo đó, tháng 3-2014, Lê Thị Hường (42 tuổi, ngụ xã Xà Bang, huyện Châu Đức, vợ nguyên bí thư Đảng ủy xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bị TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên án tử hình về tội giết người (phạm tội chưa đạt).

Sau đó bị án Hường làm đơn kháng cáo. Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vẫn tuyên xử giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đến 14-7-2014, Lê Thị Hường làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình.

Vợ nguyên bí thư xã đốt xác phi tang tiếp tục hầu tòa - ảnh 1
Bị cáo Hường đang nghe đại diện gia đình nạn nhân trình bày kháng cáo.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, TAND Tối cao xét thấy việc Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên phạt Lê Thị Hường tử hình về tội giết người (phạm tội chưa đạt) là có căn cứ, đúng pháp luật. Sau khi bản án trên có hiệu lực pháp luật thì ngày 27-11-2015, Quốc hội thông qua BLHS số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ 1-7-2016.

Tại khoản 3 Điều 7 của BLHS 2015 quy định: “Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.

Tại khoản 3 Điều 57 của BLHS 2015 quy định: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm…”.

Điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144 ngày 29-6-2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của BLHS năm 2015 quy định thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội…

Căn cứ các quy định trên, Lê Thị Hường bị kết án tử hình về tội giết người (phạm tội chưa đạt) thuộc trường hợp được chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt 20 năm tù.

Vì vậy, chánh án TAND Tối cao quyết định chuyển hình phạt tử hình về tội giết người đối với Lê Thị Hường thành hình phạt 20 năm tù.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết sau khi nhận được quyết định này, TAND tỉnh sẽ ban hành quyết định thi hành án 20 năm tù đối với bị án Lê Thị Hường. Bị án Lê Thị Hường sẽ được chuyển từ khu vực giam giữ các bị án tử hình sang khu vực khác.

Trước đó, ngày 16-12-2014, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Hường năm năm tù về tội xâm phạm thi thể mồ mả. 

Theo hồ sơ, ngày 14-5-2012, Hường chở bà Dương Thị Thủy Bình Hà (nguyên thủ quỹ của UBND xã Kim Long) đến nhà mình chơi. Đến nhà, Hường nhờ bà Hà ra vườn đóng cầu dao điện để bơm nước. Chờ một lúc, không thấy bà Hà quay lại, Hường đến chỗ cầu dao điện thì thấy bà Hà đã chết. Sợ bị liên lụy, Hường đưa xác bà Hà đi đốt. Trong lúc hốt tro cốt, Hường lấy chiếc lắc vàng và ĐTDĐ của bà Hà đem đi cất, sau đó mang bán. CQĐT khám xét nơi ở của Hường, kiểm tra vườn cây và thu giữ được một số mảnh xương của nạn nhân.

Trước khi hầu tòa trong vụ án này, bị cáo Hường đã nhận án tử hình về tội giết hai vợ chồng chủ nợ nhưng bất thành. Cụ thể, ngày 15-1-2013, Hường hẹn vợ chồng chủ nợ là ông Nguyễn Chí Hùng và bà Phạm Ngọc Nga (ngụ xã Cù Bị, huyện Châu Đức) đến nhà riêng của mình để giải quyết chuyện nợ nần.

Tại đây, Hường nói vợ chồng ông Hùng chờ chồng mình (khi đó là bí thư Đảng ủy xã Kim Long) về nói chuyện. Sau đó Hường dùng dao rựa chém nhiều nhát vào đầu và hai tay ông Hùng, bà Nga. Ông Hùng bị thương tật gần 80% còn vợ thì gần 30%.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...