Không điện hạt nhân!

Không lâu sau khi Nhật tổ chức lễ tưởng niệm một năm thảm họa động đất và sóng thần ở vùng đông bắc, nhiều cuộc biểu tình ủng hộ một thế giới phi hạt nhân đã diễn ra.

Hãng tin Reuters cho biết ngày 11-3 theo giờ địa phương, tại Mỹ, hàng trăm người tập trung trước nhà máy điện hạt nhân San Onofre ở San Diego (bang California). Họ kêu gọi nếu không đóng cửa nhà máy, cộng đồng sẽ đối mặt với thảm họa hạt nhân như ở Nhật.

Tại Đức, 50.000 người biểu tình ở sáu vùng. Tại TP Braunschweig, 24.000 người cầm đuốc lập hàng rào dài gần 80 km. Trong khi đó, 3.000 người bao vây nhà máy điện hạt nhân ở Brokdort yêu cầu ngừng hoạt động.

Theo hãng tin AFP, tại Pháp, 60.000 người xếp thành hàng rào dài khoảng 230 km tại thung lũng sông Rhône. Nhiều người từ Đức, Thụy Sĩ, Bỉ đến tham gia. Đây là khu vực có nhiều lò phản ứng hạt nhân nhất châu Âu (14 lò).

Tham gia biểu tình có một số ứng cử viên tổng thống Pháp. Ứng cử viên-Tổng thống Nicolas Sarkozy bảo vệ ngành công nghiệp hạt nhân trong khi đối thủ François Hollande mong muốn đến năm 2025 Pháp sẽ giảm 50%-75% năng lượng hạt nhân trong thị phần điện lực.

Không điện hạt nhân! ảnh 1

Biểu tình phản đối hạt nhân ở Muehleberg (Thụy Sĩ). Ảnh: AP

Không điện hạt nhân! ảnh 2

Nông dân mang máy kéo biểu tình ở TP Gronau (Đức). Ảnh: AFP

Không điện hạt nhân! ảnh 3

Và biểu tình gần nhà máy điện hạt nhân Santa Maria ở Garona (Tây Ban Nha). Ảnh: REUTERS

Tại Thụy Sĩ, 5.000 người tuần hành quanh nhà máy điện hạt nhân ở Muhleberg và kêu gọi đóng cửa ngay hai nhà máy ở Muhleberg và Breznau. Tòa án hành chính liên bang đã quyết định đóng cửa nhà máy ở Muhleberg vào năm 2013 do kỹ thuật lạc hậu.

Sau thảm họa ở Nhật, Thụy Sĩ quyết định không tái sử dụng sau khi năm lò phản ứng hết hạn khai thác vào năm 2034.

Tại Tây Ban Nha, những người biểu tình chỉ trích chính phủ kéo dài thời hạn hoạt động của nhà máy điện hạt nhân ở Garona (nhà máy cũ nhất) thêm năm năm nữa là thái độ vô trách nhiệm.

Tại Úc, theo sáng kiến của tổ chức kiều dân Nhật Người Nhật vì hòa bình, khoảng 500 người đã tụ tập trước trụ sở hai tập đoàn khai thác mỏ BHP Billition và Rio Tinto ở Melbourne đòi ngừng khai thác uranium. Úc không sử dụng năng lượng hạt nhân nhưng là nước sản xuất uranium lớn thứ ba thế giới sau Kazakhstan và Canada.

Theo báo Korea Herald (Hàn Quốc), các cuộc biểu tình kêu gọi chính phủ từ bỏ năng lượng hạt nhân đã diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) với khoảng 80 tổ chức xã hội dân sự tham gia.

Tại lãnh thổ Đài Loan, báo Taipei Times (Đài Loan) đưa tin các nhà tổ chức biểu tình cho biết có khoảng 5.000 người cùng hơn 100 tổ chức phi chính phủ và tổ chức tôn giáo tham gia tuần hành ở Đài Bắc yêu cầu đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân khi có thể.

Sáng 12-3, 250 người dân ở Osaka (Nhật) đã đệ đơn lên Tòa án quận Osaka kiện Công ty Điện lực Kansai và phản đối kế hoạch khởi động nhà máy điện hạt nhân tại đây trong tháng 3. Hôm trước đó, biểu tình phản đối đã diễn ra ở Osaka.

DUY KHANG - H.DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm