Nhóm chuyên gia Đài Loan bất ngờ can thiệp vụ kiện biển Đông

Một nhóm chuyên gia Đài Loan bất ngờ đệ đơn lên tòa án quốc tế khi thẩm phán Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague sắp sửa đưa ra phán quyết về vụ kiện tranh chấp lãnh thổ của Philippines. Động thái này có thể trì hoãn phán quyết của thẩm phán trong vòng hai tháng và khiến tình hình tranh chấp ngày càng trở nên phức tạp.

Tháng trước, các thẩm phán đã công nhận chứng cứ bằng văn bản của Hiệp hội Luật Quốc tế Đài Loan, mặc dù Đài Bắc - Trung Hoa  không phải là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, và cũng không tham gia ký kết Công ước về Luật Biển (UNCLOS), Reuters dẫn lời. Bên cạnh việc xem xét hàng trăm trang chứng cứ bằng văn bản từ phía nhóm Đài Loan, các thẩm phán cũng đã thu thập thêm thông tin từ Philippines và Trung Quốc. Manila bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ biển Đông.

Một tấm bia tưởng niệm có chữ ký của cựu lãnh đạo Đài Bắc - Trung Hoa ông Mã Anh Cửu tại đảo Ba Bình (Ảnh: Reuters)

Đảo Ba Bình mà Đài Bắc - Trung Hoa chiếm giữ là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo các nhà phân tích, đảo Ba Bình đóng vai trò quyết định trong vụ kiện của Philippines. Trước đó, Philippines khẳng định rằng Ba Bình chỉ là một "hòn đá", không có sự sống và vì vậy bác bỏ yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý quanh hòn đảo này.

Phía nhóm người Đài Loan sau đó đã nộp các bằng chứng, báo cáo chính phủ để chứng minh "rõ ràng Ba Bình là một hòn đảo có thể duy trì sự sống của con người và đời sống kinh tế dựa theo Công ước về Luật Biển."

Tòa án và Bộ Ngoại giao Philippines từ chối bình luận về vấn đề này. Động thái can thiệp của phía các chuyên gia Đài Loan bất ngờ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong thời gian qua đã cáo buộc Philippines đang lợi dụng vụ kiện để phủ nhận chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần thách thức thẩm quyền của tòa án và yêu cầu của Philippines, từ chối tham gia vụ kiện cũng như cung cấp các bằng chứng. Tuy nhiên, các thẩm phán đã tiến hành xem xét các phát biểu công khai của Trung Quốc để đưa ra phán quyết.

Ian Storey, một chuyên gia về biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore, bất ngờ trước quyết định của thẩm phán xem xét lại lập luận của phía nhóm người Đài Loan. "Điều này cho thấy rằng các thẩm phán đang nỗ lực để đảm bảo sự công bằng. Tòa án đã rất cố gắng xem xét sự việc từ quan điểm của tất cả bên liên quan, ngay cả với nước từ chối tham gia như Trung Quốc, hay một vùng lãnh thổ không phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc như Đài Loan" - ông cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm