Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (Hà Lan) dự kiến sẽ đưa ra phán quyết trong những tuần sắp tới về vụ kiện chống lại các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở biển Đông do Philippines đệ trình.
Phán quyết này được cho là sẽ có lợi cho Philippines và có khả năng sẽ khiến căng thẳng khu vực gia tăng đáng kể bởi Trung Quốc mặc dù đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 nhưng lại từ chối thẩm quyền của tòa án đối với vụ kiện.
Phát biểu trong phiên điều trần của Hạ viện Mỹ ngày 28-4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho rằng Trung Quốc “không thể nào có được cả hai lựa chọn” bằng cách vừa là một bên của UNCLOS 1982 mà lại vừa từ chối các quy định của công ước này, gồm cả “tính ràng buộc của bất kỳ quyết định nào từ tòa trọng tài”.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken. Ảnh: WASHINGTON TIMES
“Trung Quốc phải đưa ra quyết định. Nếu phớt lờ phán quyết, nước này có nguy cơ tự làm tổn hại nghiêm trọng danh tiếng của mình, tiếp tục xa lánh các nước trong khu vực và đẩy các quốc gia này tiến gần hơn với Mỹ” - ông Blinken nhấn mạnh.
Theo Reuters, Washington đã tích cực thuyết phục các quốc gia rằng phán quyết của tòa trọng tài dự kiến được đưa ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 mang tính ràng buộc. Trước đây, tòa trọng tài thường trực không có quyền hạn và phán quyết của tòa thường bị bỏ qua.
Ông Blinken cho biết Mỹ đã tích cực trong việc thúc đẩy ASEAN trở thành một tổ chức “lớn mạnh hơn so với số lượng” nhằm đối phó các vấn đề khó khăn như biển Đông.
Vị thứ trưởng ngoại giao Mỹ cũng nhắc tới Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 2 năm nay khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí các tranh chấp lãnh thổ nên được giải quyết một cách hòa bình và thông qua con đường pháp lý.
“Chúng tôi đang trông đợi ASEAN, như trong hội nghị gần đây nhất, thể hiện sự ủng hộ đối với các nguyên tắc cơ bản và chúng tôi muốn thấy điều đó khi phán quyết của tòa trọng tài được đưa ra” - ông Blinken nói.