Đó là chia sẻ của cử tri tại buổi tiếp xúc chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng diễn ra sáng nay tại TP Đà Nẵng.
Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng gồm có bà Nguyễn Thị Kim Thúy (Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH), bà Ngô Thị Kim Yến (Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng). Buổi tiếp xúc nhằm lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của cử tri làm công tác y tế, giáo dục, phụ nữ trên địa bàn TP.
Cử tri bày tỏ e ngại trước tình trạng hành hung cán bộ y tế hiện nay.
Tại đây, các cử tri đều bày tỏ e ngại trước các vụ việc hành hung cán bộ, nhân viên y tế trong thời gian qua. Cử tri Hoàng Thị Xuân (Trung tâm Y tế quận Sơn Trà) cho biết 2/3 cán bộ, nhân viên y tế là nữ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một quy định, biện pháp cụ thể nào bảo vệ đội ngũ cán bộ y tế khi đang làm việc.
“Bạo lực trong y tế thường là đánh trực tiếp. Bởi vậy, nếu không có biện pháp bảo vệ, chúng tôi không thể đảm bảo được công việc của mình” - bà Xuân cho hay.
Tương tự, cử tri Sữ Thị Ngân (BV đa khoa Hoàn Mỹ Đà Nẵng) cho rằng dư luận chưa có cái nhìn thật sự công bằng đối với cán bộ y tế và nghề y. "Một sự việc liên quan đến giáo dục được báo chí đưa lên, đa phần dư luận sẽ đứng về phía các thầy, cô giáo. Nhưng nếu là một sự việc, sự cố y khoa thì nhiều lắm chỉ được 50% đứng về phía bác sĩ. Còn 50% thì nghĩ phải có vấn đề gì đó người ta mới hành hung, tức là bảo vệ, bao che cho những người hành hung cán bộ y tế" - bà Ngân so sánh.
“Chúng tôi tự hỏi mình đã làm gì để dư luận không ủng hộ như vậy? Nói cho cùng tiêu cực chỉ là vấn đề thiểu số, là những con sâu làm rầu nồi canh. Không thể lấy một vụ việc tiêu cực, vài hành động vòi vĩnh, vài phong bì ở một địa phương nào đó để quy chụp ngành y tế của chúng tôi là tiêu cực” - bà Ngân bức xúc.
Cử tri này cũng đề nghị phải có thêm quy định cụ thể, nghiêm khắc để chấm dứt tình trạng hành hung cán bộ y tế hiện nay. “Tại sao chúng tôi làm công việc cứu người mà vẫn bị hành hung, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe? Chúng tôi mong muốn dư luận đánh giá công bằng hơn đối với ngành y tế. Chúng tôi không đáng bị đối xử như vậy”.
Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết đã tiếp thu các ý kiến của cử tri và sẽ có ý kiến với Quốc hội để có giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực đối với ngành y tế.
Tiếp thu ý kiến cử tri, bà Ngô Thị Kim Yến thừa nhận dư luận đang có cái nhìn chưa đúng, chưa thật công bằng về ngành y.
Theo bà Yến, tại Đà Nẵng, chỉ cần trên trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng: Xanh-Sạch-Đẹp xuất hiện thông tin liên quan đến ngành y tế thì ngay lập tức Sở nhận được rất nhiều cuộc điện thoại chất vấn của báo chí.
“Như thế nào? Giải quyết ra làm sao? Tức là báo chí rất muốn tìm những cái tiêu cực, những cái chưa tốt để viết hơn là tìm những cái tốt. Ngành y tế, giáo dục cũng có rất nhiều những tấm gương tốt chứ. Như cử tri nói, 500 cán bộ chỉ có 1-2 cán bộ tiêu cực. Nếu sòng phẳng ra về mặt tỉ lệ thì khi anh đưa một cái xấu thì phải lên 10 cái tốt… Đây là hậu quả của việc chúng ta quá tập trung vào việc đưa ra những tiêu cực, cái xấu mà hạn chế đưa những cái tốt” - bà Yến chia sẻ.
Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cũng cho biết đã tiếp thu các ý kiến của cử tri và sẽ có ý kiến với QH để có giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực đối với ngành y tế. Tuy nhiên, bản thân ngành y cũng cần phải có sự thay đổi. Mỗi cán bộ y tế cần phải cải thiện tâm lý, khả năng chịu đựng áp lực thì mới có thể hoàn thành tốt công việc.