Tòa án hình sự quốc tế: Luật về dẫn độ chưa tương đồng

Quy chế Rome là cần thiết

Việt Nam và Tòa án hình sự quốc tế có nhiều điểm chưa tương đồng về luật dẫn độ, do đó Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức khi gia nhập Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế (gọi tắt là Quy chế Rome).

Nhiều đại biểu đã nhận xét như trên tại hội thảo khu vực về Tòa án hình sự quốc tế tổ chức tại Đà Nẵng, kéo dài trong hai ngày từ ngày 24-4.

Hội thảo do Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam tổ chức, mục đích nhằm nâng cao hiểu biết về nội dung và thực tiễn thi hành Quy chế Rome để giúp Việt Nam hoàn thiện đề án gia nhập.

Trong hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng tội phạm hình sự quốc tế diễn biến ngày càng phức tạp, đang đe dọa đến an ninh chính trị và hòa bình thế giới, vì vậy việc thành lập một tòa án hình sự quốc tế để điều tra, xét xử là cần thiết.

Thẩm phán Hans Peter Kaul (chủ tịch Phòng Tiền xét xử Tòa án hình sự quốc tế, nhấn mạnh: Tòa án hình sự quốc tế hoạt động trên cơ sở các nước đồng thuận gia nhập, mọi người bình đẳng trước pháp luật và pháp luật bình đẳng với mọi người, đồng thời không chịu sự áp đặt của quyền lực nước ngoài, Hội đồng Bảo an hay cụ thể là của Mỹ.

Nhưng vẫn còn độ chênh

Theo bà Nguyễn Thị Quế Thu (Vụ Pháp chế - Bộ Công an), về cơ bản thì phạm vi và các trình tự, thủ tục hợp tác, dẫn độ theo Quy chế Rome đều nằm trong nội dung về thủ tục tố tụng hình sự của Việt Nam và tương đối tương thích với các quy định về tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ của Việt Nam.

Tuy nhiên, bà nhận định còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, giải thích kỹ lưỡng hơn. Chẳng hạn như các quy định về bảo vệ người bị hại, người làm chứng, phong tỏa tài sản hoặc tịch thu tiền, tài sản và công cụ phạm tội.

Việc bắt người, chuyển giao người cho Tòa án hình sự quốc tế giữa Quy chế Rome và pháp luật Việt Nam cũng còn nhiều điểm khác biệt.

Cụ thể như Quy chế Rome quy định: Tòa án có thể chuyển yêu cầu bắt và chuyển giao một người cùng với tài liệu liên quan tới yêu cầu đó tới bất kỳ quốc gia nơi nào bắt và chuyển giao họ. Các quốc gia thành viên phải tuân thủ yêu cầu bắt và chuyển giao.

Song Điều 344 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp Việt Nam lại quy định: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Việt Nam từ chối dẫn độ khi người bị yêu cầu dẫn độ là công dân của Việt Nam.

Cũng liên quan đến quy định từ chối yêu cầu dẫn độ, bà Nguyễn Thị Quế Thu kiến nghị: Những quy định về tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án hình sự quốc tế tương đối phù hợp với Bộ luật Hình sự Việt Nam nhưng các quy định về tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh vẫn còn độ chênh nhất định.

Thách thức khi gia nhập

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ra nhiều thách thức trong trường hợp Việt Nam gia nhập Quy chế Rome.

Theo ông Võ Văn Tuyển (chuyên viên chính Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp), Tòa án hình sự quốc tế sẽ bổ sung cho hệ thống tư pháp Việt Nam để xét xử các cá nhân phạm tội ác quốc tế, do đó việc gia nhập Quy chế Rome hoàn toàn phù hợp và cần thiết đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra khi gia nhập là Việt Nam phải thay đổi về luật và nhân sự như thế nào. Theo ông, hệ thống pháp luật hình sự của Việt Nam còn nhiều điểm chưa tương đồng với Quy chế Rome, ví dụ như về tội danh, hình phạt, nguyên tắc áp dụng, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự...

Ông Võ Văn Tuyển cho rằng năng lực hoạt động của các cơ quan tư pháp Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu theo Quy chế Rome. Trong công tác xét xử vẫn còn tình trạng tồn đọng án, xét xử oan sai, kéo dài. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp vẫn còn yếu kém và chưa chặt chẽ.

Về nhân lực, Việt Nam còn thiếu nhiều cán bộ, chuyên gia giỏi về pháp luật quốc tế, đặc biệt là luật hình sự quốc tế để có thể đảm đương tương đối tốt công tác nghiên cứu, vận dụng Quy chế Rome một cách toàn diện và hiệu quả.

Tham dự hội thảo khu vực về Tòa án hình sự quốc tế có 21 đại biểu quốc tế là các thẩm phán, chuyên gia của Tòa án hình sự quốc tế, quan chức pháp luật của một số nước thành viên của Quy chế Rome. Về phía Việt Nam có khoảng 50 đại biểu của các cơ quan Đảng, Quốc hội, các cơ quan tư pháp và pháp luật, các viện nghiên cứu, trường đại học, Hội Luật gia Việt Nam...

Tham luận của các đại biểu Việt Nam tập trung chủ yếu vào các mối quan hệ giữa Quy chế Rome với chủ trương, chính sách của Việt Nam về tư pháp hình sự trước yêu cầu cải cách tư pháp; so sánh Quy chế Rome với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các quy định về tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ tội phạm của Việt Nam; những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong trường hợp gia nhập Quy chế Rome; trình tự và thủ tục gia nhập Quy chế Rome theo điều ước quốc tế.

Tòa án hình sự quốc tế (ICC) được thành lập năm 1998, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2002 khi có đủ số quốc gia phê chuẩn. Mục đích thành lập nhằm truy tố và xét xử cá nhân phạm các tội ác quốc tế nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế như tội diệt chủng, tội chống nhân loại, tội ác chiến tranh và tội xâm lược.

HỮU KHÁ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm