Chiều 16-8, trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết đã giao Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của ông về phương án không nhận chìm 1 triệu m3 vật chất nạo vét từ Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 theo phương án đề xuất của Bộ TN&MT.
Dùng bùn, cát nạo vét để lấn biển
“Tôi đã chỉ đạo giao các bộ, ngành có liên quan để xem xét toàn diện các vấn đề liên quan. Việc này đã nêu tại kết luận cuộc họp trước đó với các bộ, ngành. Hiện số vật chất nạo vét sẽ được dùng để san lấp khu vực lấn biển tại cảng tổng hợp Vĩnh Tân” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Theo một lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ TN&MT hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh các nội dung về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
“Liên quan đến giải pháp tổng thể xử lý vật chất nạo vét các cảng, luồng lạch liên quan thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao các bộ Công Thương, TN&MT, NN&PTNT, GTVT phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các chủ đầu tư lập dự án sử dụng vật chất nạo vét để san lấp, lấn biển… Tất cả việc này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tại địa phương, đồng thời bảo vệ môi trường cho khu vực này” - vị lãnh đạo Văn phòng Chính phủ nói.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo chủ đầu tư các dự án trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân có phương án sử dụng vật chất nạo vét để san lấp lấn biển tại cảng tổng hợp và thực hiện các bước kế tiếp theo quy định của pháp luật.
Thông cáo phát đi cùng ngày của Bộ TN&MT cũng cho hay về lâu dài, Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, UBND tỉnh Bình Thuận và các bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục nghiên cứu quy hoạch các vị trí nhận chìm vật chất ở biển và các khu vực cần sử dụng vật chất nạo vét để san nền, lấn biển, chống xói lở bờ biển đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ TN&MT phối hợp với Bộ NN&PTNT, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các địa phương có biển tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch các vị trí có thể nhận chìm ở biển đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Hiện nay Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường khẩn trương có văn bản hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện việc điều chỉnh nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án có liên quan theo quy định của pháp luật.
Ngư dân vùng biển Hòn Cau vui mừng trước thông tin Chính phủ quyết định cho dừng việc nhận chìm vật chất nạo vét xuống vùng biển này. Ảnh: ĐÌNH HÒA - PHƯƠNG NAM
“Chính phủ quyết thế, dân nghe mừng lắm”
Chiều muộn 16-8, ông Tư Tấn, một ngư dân ở xã Phước Thể, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), nói như hét trong điện thoại: “Tôi mừng lắm, cả gia đình tôi mừng lắm chú ơi. Con gái tôi học ĐH trong TP.HCM vừa gọi điện thoại về báo Chính phủ đã đồng ý không nhận chìm bùn, cát xuống biển nữa. Vậy là gia đình tôi không lo bị đói vì biển mất mùa rồi”.
Ông Tấn cho biết từ khi nghe thông tin Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sẽ nạo vét bùn, cát đưa ra đổ xuống gần Hòn Cau, vùng biển mà ông và con trai hôm nào cũng cùng chiếc ghe nhỏ 90 CV ra đánh bắt cá khiến ông lo đến bạc tóc.
“Từ khi có mấy nhà máy nhiệt điện ở đây, tôm, cá ít thấy rõ. rồi nghe chuyện đổ bùn, cát xuống sát Hòn Cau, có lúc tôi nghĩ, phải treo ghe, mà treo ghe thì lấy gì mà sống. Bây giờ thì làng chài Phước Thể, Vĩnh Tân sống rồi chú ơi” - ông Tấn nói giọng run run.
Anh Trần Công Lập, Đội trưởng Đội Tuần tra-Kiểm soát Khu bảo tồn biển Hòn Cau, người được xem là “bà đỡ” của rùa biển khi lên Hòn Cau sinh nở, cho biết anh quá vui mừng khi nhận tin này. “San hô ở Hòn Cau, bãi cạn Breda rất đẹp. Nơi đây có nhiều loài thủy sinh quý hiếm của đại dương, rùa biển về Hòn Cau ngày càng nhiều nên việc không đổ bùn, cát nạo vét xuống cạnh Hòn Cau là tin vui không những đối với anh em tụi tôi mà còn là tin tốt lành đến với bà con ngư dân Bình Thuận, Ninh Thuận” - anh Lập bày tỏ.
Trao đổi với chúng tôi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế (A.FIAP) Đỗ Hữu Tuấn cho biết ông là người thường xuyên đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau để săn ảnh và lặn biển ở đây nhiều lần nên rất yêu hòn đảo nhỏ hoang sơ này. “Tối nay nhận được tin Hòn Cau đã vượt qua sóng gió, chính thức bình yên mà thấy mắt cay xè. Chúc mừng Hòn Cau, chúc mừng cho cuộc mưu sinh của hàng vạn ngư dân ở đây đã chính thức bình yên” - ông Tuấn xúc động nói.
Những phản ứng tích cực từ phản biện của công luận Ngày 23-6, Bộ TN&MT đã cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Theo giấy phép, gần 1 triệu m3 vật chất nhận chìm là từ quá trình nạo vét vũng quay tàu và khu bến chuyên dùng, phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Vị trí nhận chìm cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau khoảng 8,2 km, cách vành đai bảo vệ khu bảo tồn này khoảng 2 km. Điều này gây ra rất nhiều lo ngại về các nguy cơ tác động đến môi sinh của khu bảo tồn quý giá này. Sau khi Pháp Luật TP.HCM cùng nhiều tờ báo khác lên tiếng phản biện các nguy cơ ảnh hưởng đến Khu bảo tồn Hòn Cau và môi trường vùng biển khu vực này, các cơ quan chức năng đã tiếp thu và có những điều chỉnh mang tính tích cực kịp thời. Đáng chú ý là ngày 3-8, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ TN&MT và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam về việc nhận chìm vật chất ở biển Bình Thuận. Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bộ trưởng TN&MT xem xét, xử lý vấn đề trên đúng quy định pháp luật. Thủ tướng giao Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chủ trì, khẩn trương xem xét, đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật chất tại vùng biển tỉnh Bình Thuận. Sau chỉ đạo này, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan đã có văn bản thỏa thuận, thống nhất không nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Theo phương án mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất, toàn bộ khối lượng vật chất gần 1 triệu m3 của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 sẽ được đổ vào khu vực cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Bên cạnh đó, phương án này cũng cho rằng tỉnh Bình Thuận có chiều dài bờ biển 192 km, trong đó có nhiều nơi tại huyện Tuy Phong, TP Phan Thiết, thị xã La Gi bị sạt lở cần có giải pháp san lấp. Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cần tính toán thêm các phương án khác để có thể sử dụng đổ vật liệu nạo vét, trong đó có phương án sử dụng để san lấp vào các vị trí bị xói lở, xâm thực... |