Tăng áp lực cho phường, quận

Đã thực hiện dù chưa chính thức

Mặc dù việc làm thêm ngày thứ bảy mới được Chính phủ đề ra trong Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 1-8-2007, nhưng thực tế tại TPHCM, do yêu cầu công việc hầu như tất cả các quận huyện và một số phường xã đều đã có bộ phận phải làm ngày thứ bảy. Phổ biến nhất là phòng quản lý đô thị (QLĐT) và phòng tài nguyên môi trường (TN-MT). Từ khi triển khai thụ lý hồ sơ theo tiêu chuẩn ISO, để kịp quy trình, cán bộ, nhân viên phòng TN-MT và QLĐT bắt buộc phải dành ngày thứ bảy để thẩm định, xác minh hồ sơ nhằm kịp chuyển cho các bộ phận khác hoặc trình lãnh đạo ký.

Các quận 2, 9, 12, Thủ Đức… việc cán bộ phòng TN-MT, QLĐT, tổ tiếp nhận hồ sơ đất đai làm ngày thứ bảy đã kéo dài hơn một năm nay. Ở huyện Bình Chánh, đầu tháng 7 vừa qua, lãnh đạo quận cũng đã ra chủ trương cho phòng TN-MT, phòng QLĐT, bộ phận văn thư tổng hợp và cả phó chủ tịch phụ trách đô thị làm việc ngày thứ bảy để xử lý, ký duyệt hồ sơ nhằm kịp chuyển về cho các xã vào sáng thứ hai, thực hiện mô hình “một cửa liên thông”.

Ở cấp phường, tổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức vẫn làm thêm ngày thứ bảy để đẩy nhanh tiến độ. Ngay từ thứ hai, tổ phát hành thư mời khoảng 70 - 100 người đến bổ túc hồ sơ vào ngày thứ bảy. Thời gian làm việc bắt đầu từ 7 giờ cho đến khi giải quyết hết hồ sơ của những trường hợp đã mời lên. Do đặc điểm địa bàn là phường đông dân, hồ sơ nhà đất nhiều, cách đây ít lâu, lãnh đạo UBND phường Đông Hưng Thuận quận 12 cũng đã xin quận cho phép nhân viên làm ngày thứ bảy để thụ lý hồ sơ.

Bà Lê Thị Trong, Trưởng phòng nội vụ quận Thủ Đức nhận định: “Trước nay, tuy không chính thức nhưng anh em đã quen với việc đi làm ngày thứ bảy, nên tới đây khi TP ban hành hướng dẫn, việc triển khai làm đồng bộ cũng sẽ đơn giản. Chuyện làm thêm giờ cũng được danh chính ngôn thuận, có chế độ phụ cấp rõ ràng nên về mặt tâm lý, tất cả cán bộ nhân viên đều ủng hộ”.

Sẽ không đủ nhân viên để... bố trí nghỉ bù!

Theo Quyết định 127, những việc phải làm thêm ngày thứ bảy thuộc phạm vi cấp phường, quận bao gồm: chứng thực, hộ tịch, cấp phép xây dựng, cấp phép kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Hiện tại, nhân viên phòng tiếp nhận và giao trả hồ sơ ở cấp quận có khoảng 3 - 10 người, cấp phường hầu hết chỉ có 2 - 3 người. Theo quy định, các tổ chức, đơn vị không được tăng biên chế và bố trí cho nhân viên nghỉ bù, đảm bảo tuần làm việc 40 giờ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, các cấp phường, quận không đủ nhân sự để bố trí nghỉ bù.

Anh Mai Văn Nguyên, Chánh Văn phòng UBND quận 2 cho biết: “Phòng tiếp nhận và giao trả hồ sơ của quận có 5 nhân viên, làm hết “công suất” vẫn không kịp. Mỗi buổi, ngoài thời gian tiếp dân, các nhân viên phải dành thêm nửa giờ để nhập liệu vào máy tính. Tới đây, khi triển khai làm thứ bảy, toàn bộ êkíp phải trực xuyên suốt. Nếu ngày nào cũng có người nghỉ bù, công việc sẽ ùn tắc”.

Huyện Bình Chánh còn nan giải hơn. Phòng tiếp nhận và giao trả hồ sơ của huyện chỉ có 3 cán bộ phụ trách tiếp nhận và hoàn trả. Với cơ cấu như thế, việc bố trí nghỉ bù là không thể thực hiện. Quận 12 có 12 nhân viên giao nhận hồ sơ nhưng theo anh Đỗ Thế Huấn, Phó Văn phòng UBND quận thì chuyện nghỉ bù rất khó thực hiện vì có những khâu chỉ có một người đảm nhiệm - đơn cử như khâu chứng thực, hộ tịch.

Theo thống kê, tại TPHCM, hàng ngày mỗi phường xã phải giải quyết khoảng 200 đầu việc. Chưa kể lịch họp dày đặc của các cấp từ UBND TP, UBND cấp quận huyện cho tới các sở, ngành khiến lãnh đạo và cán bộ cấp dưới phải liên tục “bớt xén” thời gian làm việc tại cơ sở để đi họp. “Cấp phường, quận phải căng người ra mới hoàn thành hết khối lượng công việc. Ở những quận huyện mới, hồ sơ nhà đất, xây dựng nhiều, nhận thêm hồ sơ vào thứ bảy sẽ phải tăng tốc mới xử lý kịp, làm sao nghỉ bù được” - anh Võ Văn Hùng, Chánh Văn phòng huyện Bình Chánh nói. Nếu không được nghỉ bù, một năm, mỗi cán bộ phải làm thêm gần 400 giờ, vượt gần gấp đôi mức quy định được hưởng phụ cấp làm thêm trong Luật Lao động.

Có kịp thời gian thụ lý hồ sơ theo ISO?

Một vấn đề mà cấp quận huyện đang băn khoăn là khi nhận hồ sơ vào thứ bảy, thời gian thụ lý hồ sơ theo tiêu chuẩn ISO có thể sẽ không được bảo đảm. Anh Mai Văn Nguyên, Chánh Văn phòng UBND quận 2 lý giải: “Quyết định 127 đã nêu rõ: Những thủ tục hành chính thuộc loại công việc giải quyết ngay thì bố trí cán bộ, công chức giải quyết theo quy định; những thủ tục hành chính khác thì chỉ bố trí bộ phận nhận và trả kết quả, không bố trí các bộ phận liên quan làm việc. Như vậy, ngày thứ bảy chỉ có khâu tiếp nhận hoạt động còn toàn bộ hồ sơ phải nằm chờ đến thứ hai mới bắt đầu thụ lý, trong khi biên nhận vẫn phải ghi đúng ngày nhận và trả theo quy trình đã công bố. Như thế, muốn hoàn thành kịp tiến độ, áp lực cho cấp phường, quận càng nặng nề, nhân viên càng không thể nghỉ bù”.

Ở nơi không thể bố trí nghỉ bù, Quyết định 127 quy định cho cán bộ hưởng chế độ làm thêm giờ theo Luật Lao động. Tuy nhiên, cấp quận, huyện, phường xã hiện đã nhận khoán kinh phí hoạt động. Cho nên từ trước đến nay, nhân viên làm ngày thứ bảy vẫn không được hưởng thêm bất kỳ khoản phụ cấp nào. “Nếu chính thức triển khai làm việc ngày thứ bảy, trong khi vẫn không được tăng biên chế và thực tế không thể bố trí nghỉ bù, TP phải có mức khoán mới cho cấp cơ sở, mới có thể đảm bảo đời sống cho cán bộ nhân viên” - lãnh đạo một quận tâm tư. Các quận huyện đang mong văn bản hướng dẫn thực hiện của TP ban hành trong thời gian sắp tới để tạo điều kiện cho cơ sở thực hiện đúng tinh thần cải cách, giảm khó cho dân theo quyết định của Chính phủ. 

ĐOÀN MAI HƯƠNG <EM>(Theo SGGP)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm