Chủ massage Tân Hoàng Phát lãnh 12 năm tù

Sau hai ngày xét xử, chiều 5-9, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật tại cơ sở massage Tân Hoàng Phát (quận Thủ Đức). Theo đó, tòa phạt Phan Cao Trí (chủ Tân Hoàng Phát) tổng cộng 12 năm tù, Phan Quốc Cường (giám đốc Chi nhánh Tân Hoàng Phát) tổng cộng 10 năm tù, Phan Việt Hậu (em vợ Trí, giám đốc Công ty Tân Hoàng Phát) tổng cộng chín năm tù về hai tội bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Phan Thị Yến (vợ Trí) bị phạt bốn năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Nguyễn Minh Phương (quản lý cơ sở massage thuộc Tân Hoàng Phát) ba năm tù, Nguyễn Hoài Nhanh (phó quản lý) một năm tù về tội bắt giữ người trái pháp luật (đã chấp hành xong hình phạt).

Trí là kẻ chủ mưu, cầm đầu

HĐXX nhận định lời khai thừa nhận một phần của các bị cáo Trí, Yến, Cường, Hậu cùng lời khai nhận tội của hai bị cáo Nhanh, Phương phù hợp với lời khai của những người bị hại, các chứng cứ, vật chứng khác trong hồ sơ nên đủ căn cứ kết tội các bị cáo như cáo trạng truy tố.

Trong đó, Trí là người cầm đầu, chủ mưu thể hiện qua việc là người điều hành chính năm công ty, cơ sở massage và đưa ra các quy định. Cụ thể là buộc nhân viên phải ăn ở tại công ty, mọi nhu cầu sinh hoạt phải mua giá cao, làm việc sau sáu tháng mới được xin nghỉ phép một lần. Nếu nghỉ trước sáu tháng thì phải bồi thường 24 triệu đồng. Trên thực tế, các nhân viên phải làm các công việc như xoa bóp, kích thích cho khách từ 9 giờ sáng hôm trước cho đến 1 giờ sáng hôm sau. Hết giờ làm việc, họ được đưa về giữ tại nhà Trí (đối diện với Tân Hoàng Phát) và luôn có khoảng 10 bảo vệ canh giữ. Ai bị khách phàn nàn vì phục vụ không tốt sẽ bị Trí và đàn em đánh đập, buộc quét dọn vệ sinh, phụ bếp 3-7 ngày. Các nhân viên đi khám bệnh đều có bảo vệ đưa đi, canh giữ cẩn thận từ lúc đi cho đến lúc về. Người nào nghỉ phép hoặc nghỉ việc phải đóng tiền thế chân và giao cho Yến quản lý tiền.

Bị cáo Phan Cao Trí bị tòa phạt 12 năm tù. (Ở sơ thẩm lần 1, Trí cũng bị phạt 12 năm tù nhưng được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM giảm xuống còn 5 năm tù.) Ảnh: H.YẾN

Như vậy, Trí nắm quyền cao nhất trong việc tổ chức kinh doanh trá hình, đã thực hiện hành vi bắt giữ trái pháp luật với 73 nhân viên massage và cưỡng đoạt 184 triệu đồng của chín người. Hậu, Cường, Phương, Nhanh trong khi làm nhiệm vụ quản lý cho Trí, Yến làm thủ quỹ đã thống nhất thực hiện hành vi đồng phạm...

Không ép cung, nhục hình

HĐXX cũng khẳng định dù các bị cáo có lời khai khác nhau nhưng việc điều tra là hoàn toàn khách quan, không có việc ép cung, nhục hình như các bị cáo khai. Bởi tại cơ quan điều tra, việc các bị cáo Trí, Yến, Cường, Hậu nhận tội, sau đó không nhận tội đều được ghi lại đầy đủ và chính xác.

Theo HĐXX, các bị cáo vì muốn thu lợi cao và lâu dài đã bất chấp quyền lợi của các nhân viên, đưa ra các quy định trái pháp luật. Ai không chấp hành thì bị bạo lực không thể thoát. Các bị cáo đã bắt giữ nhiều người, xâm hại quyền tự do của con người, quyền dân chủ của công dân và quyền sở hữu tài sản hợp pháp của chín nạn nhân, gây hậu quả rất nghiêm trọng nên phải xét xử nghiêm khắc.

HOÀNG YẾN

Ba nạn nhân phản cung bênh các bị cáo

Tại phiên xử, HĐXX đã mời các nhân viên massage là người bị hại lên đối chất trực tiếp với các bị cáo. Một người nói phải làm việc như bị cầm tù, luôn luôn có người canh giữ 24/24. Mọi sinh hoạt của nhân viên (ngay cả việc mua hàng, mua nước uống) đều diễn ra ở trong nhà. Người khác nói Tân Hoàng Phát chỉ cho những nhân viên tổ trưởng tập thể dục, đi chơi, còn các nhân viên khác không hề được ra khỏi nhà. Nhân viên bị đau bệnh cũng có 2-3 người canh giữ. Có người còn khẳng định sự thật ở Tân Hoàng Phát còn khủng khiếp hơn ghi nhận trong cáo trạng. Chị L. (một nhân chứng đến dự tòa trễ) cũng xác nhận làm việc sáu tháng liền tại cơ sở này mà không hề có lương, không nhận được thông tin gia đình, mỗi ngày phải làm gấp ba, bồn lần người khác.

Ngược lại, có ba nạn nhân nói tốt, xin tòa giảm án  cho các bị cáo. Người thì nói không thấy những gì như cáo trạng hay báo chí nêu khi làm việc tại đó, ba tháng được về quê một lần. Người thì nói xin giảm án “cho anh hai, chị hai vì đã giúp đỡ gia đình em”. Cũng từ đây, có luật sư bào chữa yêu cầu HĐXX đánh giá lại chứng cứ vì có một số người bị hại rút đơn tố cáo, khai “phải viết thế vì sợ bị cơ quan điều tra giam”.

Đại diện VKS khẳng định việc các nhân viên trước là người bị hại sau làm đơn bãi nại hoặc thay đổi lời khai khai bênh các bị cáo tại tòa không làm thay đổi bản chất tội phạm của các bị cáo. Bởi việc đánh giá luận tội là toàn diện dựa trên nhiều chứng cứ, nhân chứng.

Không thay đổi được sự thật

Về mặt pháp lý, hai tội danh trong vụ án này không thuộc các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ (Điều 105 BLTTHS). Lời khai của các nạn nhân trong vụ án chỉ là một nguồn chứng cứ và nó chỉ được chấp nhận khi phù hợp với các nguồn chứng cứ khác. Do đó, việc một số nạn nhân vì lý do nào đó mà thay đổi lời khai có lợi cho bị cáo nhưng nếu không phù hợp với các chứng cứ khác thì cũng không thể ảnh hưởng đến việc định tội và xử phạt các bị cáo.

TS PHAN ANH TUẤN, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm