Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Dương Văn Thống đã phân trần về việc dư thừa cấp phó và cho rằng chỉ thiếu một vài tiêu chí. Khi ông nói, trong nghị trường nhiều đại biểu kể cả Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng phải phì cười.
Thì không phì cười sao được khi lẽ ra tại nghị trường, khi bàn về quốc kế dân sinh thì chuyện bổ nhiệm “đúng quy trình” của một địa phương không thể có chỗ. Không phì cười sao được khi chính người phát biểu cũng… phì cười khi nói: “Phải để lại hay hạ xuống cũng không được. Người Việt Nam chúng ta hiện nay là thế”.
Ai cũng biết công tác cán bộ là “then chốt của mọi then chốt”. Và chính cái “then chốt” ấy lẽ ra phải để sàng lọc được những cán bộ tốt cho một bộ máy tốt, tinh gọn. Nhưng vị đại biểu của Yên Bái tuy thừa nhận “có đề bạt anh em thì thừa” nhưng “xin rút kinh nghiệm, xin khắc phục”. Còn khắc phục ra sao thì chả thấy nói rõ.
Nhưng điều đáng nói hơn lại không nằm ở đó. Những tồn tại, hạn chế ấy, như thông lệ, lại được đổ cho cơ chế của Đảng. “Cơ chế của chúng ta là Đảng lãnh đạo, là định hướng, là giới thiệu hoặc quyết định”. Và rồi vị đại biểu ấy còn nói rõ hơn: “Bây giờ đưa lên thì đồng chí ký quyết định bổ nhiệm hành chính. Đảng phân công giới thiệu, HĐND bầu, Chính phủ phê duyệt thì thực hiện những việc đó. Đó là trường hợp đặc biệt, không có vấn đề gì”.
Thì có vấn đề gì đâu khi cứ có gì xấu thì đổ cho cơ chế của Đảng. Căn bệnh này dường như đã bắt đầu từ lâu. Thôi thì cũng cứ tạm chấp nhận như vậy.
Nhưng vẫn thấy không yên lòng khi tình trạng dư thừa cấp phó, có nơi cả họ làm quan lại vẫn đang âm ỉ ngay cả khi nghị trường không truy vấn gắt. Dù có bắt “quy trình” vận hành cho đúng nhưng bộ máy hành chính địa phương cứ chòng chành mỗi khi báo chí truy chuyện làm quan.
Bao lo toan cho những “chiếc ghế” cũng vì vậy mà thêm phần nhiêu khê. Chẳng thấy ai chê bất kể chức vụ nào. Thì có sao đâu khi “quy trình” đã đúng. Chẳng có chút lúng túng nào khi “lão làng” là kết quả của “sống lâu”.
Có lẽ cũng vì vậy mà “đã lên rồi thì khó xuống”.