“UBND tỉnh Bình Định đề nghị hai công ty đóng tàu từ nay đến ngày 15-1-2018 phải hoàn thành việc thỏa thuận với các ngư dân chủ tàu để có mức bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho người dân. Sau đó, phải hoàn tất việc chi trả đền bù trước ngày 28-2-2018”.
Đó là kết luận của ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tại cuộc họp giải quyết việc bồi thường thiệt hại đối với ngư dân do tàu vỏ thép vừa đóng mới đã bị hư hỏng nặng được UBND tỉnh tổ chức chiều 29-12.
Bốn tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bị hỏng nặng, gây thiệt hại lớn đối với ngư dân. Ảnh: TL
19 chủ tàu yêu cầu đền bù 45,6 tỉ đồng
Theo ông Trần Châu, việc gần 20 tàu vỏ thép vừa đóng mới đã bị hư hỏng, phải nằm bờ chờ sửa chữa gần bảy tháng nay đã khiến ngư dân tỉnh này bị thiệt hại rất nặng nề, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện Nghị định 67/2014 như chủ trương phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Việc sửa chữa, khắc phục chậm các tàu hư hỏng đã gây bức xúc lớn đối với người dân vì đã cắt đi quyền đi đánh bắt của bà con. Ngư dân yêu cầu bồi thường thiệt hại là chính đáng, có cơ sở, đúng quy định. “Thiệt hại này chủ yếu do các công ty đóng tàu gây ra. Do đó, các công ty đóng tàu không nên thoái thác mà phải có trách nhiệm với ngư dân”.
Ông Châu đề nghị các công ty đóng tàu phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các huyện, các chủ tàu để có thỏa thuận, thống nhất từng thiệt hại, mức đền bù cụ thể, đảm bảo chính đáng, hợp tình hợp lý.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho hay 19 chủ tàu vỏ thép ở tỉnh này đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an), Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) phải đền bù, hỗ trợ thiệt hại tổng cộng hơn 45,6 tỉ đồng. Trong đó, 14 chủ tàu yêu cầu Công ty Nam Triệu bồi thường tổng cộng hơn 36,5 tỉ đồng, năm chủ tàu yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương đền bù hơn 9 tỉ đồng.
Số tiền này gồm các khoản mà các chủ tàu đã bỏ ra để sửa chữa tàu ngay sau khi nhận tàu đóng mới; lỗ phí tổn, thuê thuyền viên do tàu hư hỏng không đi khai thác; thuê tàu lai dắt do bị hư hỏng trên biển; bị hư hỏng sản phẩm do đóng tàu không đúng yêu cầu; tổn thất lợi nhuận do tàu nằm bờ dài ngày chờ sửa chữa; nợ gốc, lãi ngân hàng...
“Trong trường hợp các công ty đóng tàu và các chủ tàu không thỏa thuận, thống nhất được kinh phí đền bù, đề nghị UBND các huyện, thành phố làm việc với các hội luật gia và hỗ trợ pháp lý cho các chủ tàu khởi kiện ra tòa án để buộc các công ty đóng tàu phải bồi thường’’ - ông Hổ nói.
Việc sửa chữa tàu kéo dài gây bức xúc lớn đối với ngư dân. Ảnh: TL
Chấp nhận đền bù về mặt nguyên tắc
Trước yêu cầu trên, Thượng tá Bùi Hữu Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, cho biết công ty này đã báo cáo các cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần- kỹ thuật (Bộ Công an). “Lãnh đạo cơ quan chủ quản đã có ý kiến chỉ đạo công ty phải thực hiện nghiêm túc, dứt khoát phải có đền bù, hỗ trợ cho ngư dân. Trên cơ sở chỉ đạo của cấp trên, công ty sẽ thực hiện việc đền bù trên nguyên tắc các thiệt hại của bà con ngư dân là chính đáng, có cơ sở, hợp tình, hợp lý. Thay mặt lãnh đạo Công ty Nam Triệu, tôi xin ghi nhận ý kiến của bà con ngư dân”- ông Hùng nói.
Trước câu hỏi trực tiếp của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: “Vậy công ty đền bù cho ngư dân chứ?”, ông Nguyên nói: “Chúng tôi sẽ gặp năm ngư dân chủ tàu để bàn bạc, thương thảo cụ thể, hợp tình hợp lý. Nếu hợp lý thì chúng tôi sẽ đền bù. Phần nào không đúng thì chúng tôi đề nghị xem lại. Mong các chủ tàu tính toán hợp tình hợp lý”.
Trong khi đó, đại diện UBND các huyện có tàu vỏ thép bị hỏng đều yêu cầu hai công ty đóng tàu phải sớm bồi thường thiệt hại để giảm bớt khó khăn cho ngư dân. “Bà con bị thiệt hại, điêu đứng 6-7 tháng nay rồi. Phải sớm bồi thường để bà con gượng lại mà ra khơi. Đề nghị hai công ty đóng tàu phải có cam kết cụ thể, đền bù bao nhiêu, khi nào chi trả chứ không thể hứa chung chung”- ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, nói.
Bộ Công an có chuyên án về tàu vỏ thép hỏng Tại cuộc họp, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết Bộ Công an đã có chuyên án và ráo riết vào cuộc vụ hàng loạt tàu vỏ thép hỏng. “Bộ Công an đã thông tin sơ bộ cho tỉnh một số vấn đề. Tuy nhiên, UBND tỉnh thấy trước mắt nên giải quyết dân sự. Nếu các công ty đóng tàu vẫn khăng khăng không đền bù cho ngư dân thì ngay tức khắc sẽ có pháp luật xử lý”- ông Châu nhấn mạnh. |