Phí “bôi trơn”, xã hội sẽ phải gánh!

 “Chi phí “bôi trơn” làm hỏng môi trường kinh doanh, làm méo mó tất cả quyết định chấp nhận cho đầu tư, chọn lựa nhà đầu tư này hay nhà đầu tư kia nhiều khi không được quyết định bằng năng lực mà bằng việc “bôi trơn”, vận dụng các mối quan hệ lợi ích, thân hữu…” - bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, bắt đầu cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Cả xã hội phải trả phí “bôi trơn”

. Theo bà, chủ đầu tư sẽ lấy lại vốn đã dùng “bôi trơn” bằng cách nào?

+ Chi phí “bôi trơn” ảnh hưởng đến hiệu quả các công trình bởi sau khi bỏ tiền ra “bôi trơn”, người ta tính đủ vào dự án bằng hình thức này, hình thức khác. Rốt cuộc nó làm đội giá, người tiêu dùng gánh chi phí cao hơn so với chi phí cạnh tranh sòng phẳng có được. Chất lượng công trình, dự án có thể kém chất lượng vì khi mất nhiều chi phí “bôi trơn” thì chủ đầu tư tìm cách lấy lại bằng cách sử dụng vật liệu kém chất lượng. Cho nên không ít công trình vừa khánh thành xong là đã hư hỏng, lại phải tiếp tục tu sửa.

. Chi phí “bôi trơn” loại bỏ các nhà đầu tư ngay ngắn?

+ Đúng rồi. Chi phí “bôi trơn” làm méo mó năng lực của nhà đầu tư, người ngay ngắn đàng hoàng thì không tiếp cận được, trong khi đó người chấp nhận đi cửa sau thì lại nhận được dự án. Khi nhận dự án xong thì không còn sức làm dự án và rốt cuộc dự án lại bỏ hoang. Như vậy vừa mất cơ hội cho doanh nghiệp tốt, mất cơ hội cho địa phương vì nếu làm ăn đàng hoàng lẽ ra có công trình, dự án. Chi phí “bôi trơn” chỉ làm lợi cho một số người nhưng mất mát rất lớn cho xã hội.

Vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ được phát hiện từ lời khai của các nhà đầu tư Nhật Bản với cảnh sát Nhật. Ảnh: TL

. Luật pháp có đủ, cơ quan phòng, chống tham nhũng có từ cấp trung ương đến địa phương nhưng tham nhũng ngày càng nhiều, càng tinh vi và mức độ đòi hỏi chi phí “bôi trơn” ngày càng lớn hơn? Vì sao?

+ Không thể hoàn toàn đổ cho bên hối lộ được vì có người đòi hối lộ, tạo ra cơ chế phải hối lộ thì người ta mới đưa hối lộ. Người đưa hối lộ mong muốn có dự án, buộc phải làm như vậy mới nhận được dự án. Theo tôi, đầu tiên là bộ máy nhà nước chứ không thể đổ lỗi cho quy trình vì quy trình đó do Nhà nước quy định. Con người làm trong bộ máy phải được tuyển chọn minh bạch, công khai, kiểm soát quá trình làm việc của họ và đề cao đạo đức công chức. Nhiều lúc bản thân việc tuyển dụng cũng phải “bôi trơn”, phải hối lộ mới có chỗ làm. Khi bỏ tiền ra để xin việc thì khi vào người ta phải tìm cách lấy lại tiền “đầu tư” thì lại trút lên đầu người dân, người kinh doanh.

Khó nhưng không phải không làm được

. Án tham nhũng tinh vi, khó xử lý hơn các loại tội phạm khác nên việc điều tra, truy tố khó khăn hơn, thưa bà?

+ Tinh vi nhưng không thể không làm được, các nước khác tham nhũng tinh vi nhưng người ta làm được. Nhìn sang Trung Quốc, người ta dám trị đến các vị trí rất cao. Ủy viên Bộ Chính trị-bí thư Thượng Hải cũng bị trừng trị vì tội tham nhũng và nhiều nhân vật khác ở cấp rất cao. Còn ở Việt Nam chỉ mới đánh khẽ, chỉ mới đụng ở cấp thấp thôi. Thông thường tham nhũng có cả hệ thống, có các cấp khác nhau chứ không chỉ là người làm trực tiếp với doanh nghiệp.

. Bà có đồng ý với ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân khiến việc chống tham nhũng chưa hiệu quả là do khả năng tự phát hiện của cơ quan giám sát, cơ quan phòng, chống tham nhũng còn thấp?

+ Hai vụ liên quan đến Nhật - vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ trước đây và mới nhất là vụ đường sắt do phía Nhật phát hiện chứ không phải Việt Nam. Các vụ án ở trong nước, hầu hết vụ việc liên quan đến tham nhũng là từ dân, từ nội bộ trong cơ quan đưa ra cho báo chí thì cơ quan giám sát, phòng chống tham nhũng mới vào cuộc. Tự hệ thống nhà nước thì hiếm khi đưa ra được vấn đề đó. Điều đó cho thấy luật pháp có vẻ đầy đủ, quy trình hợp lý đấy nhưng ẩn bên trong vẫn còn nhiều kẽ hở.

Khi có vấn đề gì xảy ra thì cán bộ ở các cấp khác nhau lại nói Việt Nam đã có luật pháp đầy đủ, làm đúng quy trình. Nếu làm đúng quy trình thì phải có ai đó sai trong việc thiết kế, thực hiện quy trình đó chứ! Chứ không thể nói làm đúng quy trình rồi không ai chịu trách nhiệm hết! Nhiều khi quy trình lại che đậy những sai lầm hoặc cố tình làm sai, ẩn vào trong vỏ bọc quy trình để che đậy hành vi tham nhũng.

. Xin cảm ơn bà.

TRUNG DUNG thực hiện

 

Vụ Sing-Việt: Không thể huề cả làng

. Trong dự án khu đô thị Sing-Việt, nhà đầu tư nói “2,8 triệu USD đã được gửi cho các cơ quan ở Hà Nội”, liệu có thể cơ quan có liên quan sẽ nói đã làm đúng quy trình, lời khai và “khoản 2,8 USD” chỉ là thông tin một phía?

+ Bà Phạm Chi Lan: Khi người ta đã nói phải chi cho ông này, ông kia là người ta chấp nhận rủi ro vì người ta biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Ở Nhật, người ta khai rõ ràng hối lộ cho những ai và nêu cụ thể từng cá nhân để tố cáo. Mình phải tin vào lời khai đó chứ đừng có phản ứng là người ta khai như vậy chứ bằng chứng đâu. Chứ chờ có bằng chứng thì mất thời gian và mất cả uy tín nữa về quyết tâm chống tham nhũng của chúng ta. Như vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ, lúc đầu cũng không ai nhận nhưng rốt cuộc cũng điều tra, xét xử và ông Sỹ phải chịu mức án 20 năm tù. Nếu có thái độ tiếp cận sòng phẳng, nghiêm ngặt từ đầu thì việc điều tra, xét xử nhanh chóng hơn thì mới lấy lại niềm tin. Cứ kéo dài, lúc đó tỏ thái độ không tin giống như bắn một tín hiệu cho kẻ tham nhũng vẫn còn cửa mà chạy.

Dự án ở TP.HCM mà chi phí “bôi trơn” ra tận Hà Nội có thể vì quyết định đó liên quan đến cấp trung ương hoặc là nhờ trung ương can thiệp địa phương bằng cách ra quyết định trực tiếp hoặc tác động vào để có quyết định ở cấp địa phương. Chính việc nhùng nhằng phân cấp giữa trung ương và địa phương nhiều khi dẫn đến tình trạng không rõ ràng. Khi có chuyện thì địa phương nói việc này trung ương quyết định, trung ương thì nói việc xảy ra ở địa phương thì thuộc thẩm quyền của địa phương.

Trong vụ này, không phải các nhà đầu tư tố cáo mà tại phiên tòa phúc thẩm của TAND Tối cao, HĐXX phát hiện. Không chỉ lời khai mà có tài liệu thì càng dễ điều tra, xử lý. Tôi không cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài không biết mà họ nghĩ đó là “thông lệ” ở Việt Nam. Không có luật pháp nước nào nói phải chung chi, hối lộ để được dự án hết cả. Khi họ đầu tư vào Việt Nam, họ thuê luật sư tư vấn và họ biết rõ số tiền “bôi trơn” đó là vi phạm pháp luật. Nếu như “khoản 2,8 triệu USD” là có thực thì họ cũng liên đới chứ không chỉ người nhận tiền. Không có chi phí “bôi trơn” thì chắc gì họ đã nhận được dự án, họ cạnh tranh không sòng phẳng để loại những nhà đầu tư khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm