Sáng 30-11, diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giới thiệu về nghị quyết “tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” và nghị quyết về “công tác dân số trong tình hình mới”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP News
Ông Vũ Đức Đam đánh giá mặc dù thời gian qua đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng hiện nay công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chất lượng môi trường sống, làm việc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, văn hóa tinh thần... ở nhiều nơi vẫn chưa được chú trọng, bảo đảm.
Đặc biệt tầm vóc người Việt tăng chậm, trên thế giới gọi là thấp còi. Trung bình nam giới cao 1,64 m, nữ cao 1,53 m.
Bữa ăn của người Việt chủ yếu ăn ngon và no nhưng không đủ vi chất nên tỉ lệ thấp còi vẫn còn cao, lên tới 24,6% (trong khi mức chung của thế giới là gần 23%, tại Tây Thái Bình Dương chỉ còn 12,2%).
Bên cạnh thiếu dinh dưỡng là tình trạng thừa cân béo phì đáng báo động ở các thành phố lớn, bệnh học đường như vẹo cột sống, cận thị... Vào trường y, sinh viên nào cũng đeo kính cận.
Ông Đam cũng lấy số liệu điều tra của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam để cho thấy người Việt còn nhiều hành vi, thói quen không có lợi cho sức khoẻ. “Mình cứ tưởng người Việt Nam ăn nhiều rau nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới, hơn 52,7% người trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây. Người Việt Nam ăn mặn gấp đôi so với mức cần thiết. Rất không tốt cho sức khỏe. Thực sự giật mình khi ở đất nước mình mà vẫn ăn thiếu rau, thiếu quả và thừa muối. Những cái này mình phải tuyên truyền mạnh hơn để sức khỏe người dân cải thiện" - ông Đam nói.
Phó Thủ tướng cũng lo ngại về tình trạng người Việt uống rượu bia quá nhiều. Số liệu từ các dự án quốc tế cũng cho thấy 43,8% người dân uống bia rượu và hơn 22% uống ở mức nguy hại, tương đương sáu lon bia mỗi ngày.
“Người Việt Nam uống bia rượu đứng thứ 2 Đông Nam Á sau Thái Lan, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới. Cái này rất không tốt, chúng ta không thể không nhìn vào” - ông Đam nói.
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường không chỉ ở khu công nghiệp mà đặc biệt ở nông thôn đang tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng. Theo Phó Thủ tướng, nông thôn ngày xưa chăn nuôi ít, đường đất nhiều. Bây giờ đi đâu cũng thấy lấp hồ ao xẻ bán thu tiền làm các công trình môi trường ô nhiễm. Có những làng ngửi mùi còn thấy ô nhiễm, đừng nói nước ô nhiễm. Đây là yếu tố độc hại, nếu không vận động, kiên quyết xử lý thì hậu quả mai sau vô cùng lớn. Đó là chưa nói đồng ruộng, thuốc trừ sâu, hóa chất ô nhiễm...
Về chất lượng khám chữa bệnh, Phó Thủ tướng đánh giá Việt Nam so với thế giới còn chênh lệch quá lớn, đặc biệt là vấn đề quá tải bệnh viện. “Chúng ta nói là chăm sóc toàn diện nhưng chưa toàn diện. Cứ có người bệnh là vợ con phải nghỉ việc chăm sóc. Trong khi các nước vào bệnh viện là người nhà đứng ngoài, bệnh nhân được lo từ bữa ăn đến chăm sóc, giặt giũ, tư vấn tinh thần” - ông Đam nói.
Liên hệ với vụ 4 bé sinh non ở BV Sản Nhi Bắc Ninh vừa qua, Phó Thủ tướng cho rằng đó là câu chuyện rất đau lòng do nhiễm khuẩn bệnh viện. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng quá nhiều người không có chuyên môn ra vào. Hiện tỉ lệ nhiễm khuẩn Việt Nam cũng rất lớn.
Một trong những điểm đáng mừng, ông Vũ Đức Đam cho biết đó là nhân lực y tế phát triển mạnh, số lượng tăng từ 200.000 (năm 1993) lên 465.000 người vào năm 2016. Tỉ lệ bác sĩ trên một vạn dân tăng từ 4,1% năm 1993 lên trên 8% vào năm 2016. Một số bác sĩ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, có uy tín trong khu vực và thế giới.
Theo ông Đam, thế giới hiện đã hướng về y tế cộng đồng, mô hình bác sĩ gia đình. Tại Việt Nam, y tế cơ sở cấp xã, phường thường có đến 6 nhân viên nhưng người bệnh lại cứ hướng hết lên trên. “Ta phải thay đổi căn bản. Bây giờ phải giao nhiệm vụ cho nhân viên y tế xã, cấp xã phải phấn đấu nâng cao năng lực để làm được các việc cơ bản. Sau đó sẽ căn cứ theo công việc mà giao chi phí” – ông Đam nói và cho rằng cần phải cơ cấu lại, tập trung nhiều cho y tế cơ sở.
Phó Thủ tướng cho rằng ở các địa phương tùy tình hình mà có thể không cần y tế xã mà đưa về huyện, có như vậy thì y bác sĩ mới có điều kiện nâng cao tay nghề, y tế cấp huyện sẽ được đầu tư tập trung.
“Về lâu dài, người dân phải được khám sức khỏe định kỳ. Chỉ cần khám đơn giản thì cũng có thể phát hiện bệnh, cứu được nhiều người” – ông Đam nói và mong muốn các địa phương, tùy ngân sách, theo gói dịch vụ mà tổ chức khám sức khỏe dần dần cho người dân để tiến tới mỗi người dân có sổ hồ sơ về sức khỏe như các nước khác đã làm.